|
Phiên xử ít người, nhưng không khí căng như dây đàn giữa bị - nguyên đơn |
Ngăn chồng cũ thăm con
Khán phòng trên tầng 3 TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế rộng thênh thang. Anh ngồi tuốt một góc bên này, chị khép nép ngồi tuốt góc bên kia. Giữa họ là khoảng trống mênh mông vô định. Chị là nguyên đơn trong vụ án tranh chấp ly hôn và nuôi con. Nửa năm trước, chị gửi đơn lên tòa yêu cầu ly hôn. Anh không đồng ý. Nhiều cuộc hòa giải không thành, tòa đành phải mở phiên xét xử. Tại phiên sơ thẩm, cuối cùng anh cũng đồng ý ly hôn. Hai đứa con, đứa 4 tuổi và 1 tuổi, vì còn quá nhỏ nên tòa quyết định giao cho chị nuôi dưỡng. Người cha phải chịu trách nhiệm cấp dưỡng tiền nuôi con.
Theo quy định pháp luật, anh có quyền thăm nom, chăm sóc con chung, chị không được quyền ngăn cản. Nhưng anh kháng cáo, yêu cầu được nuôi đứa lớn. Tại phiên phúc thẩm, cả hai nhất quyết không rút đơn kháng cáo và đơn khởi kiện, nên tòa tiến hành xét xử.
Hôm nay đến tòa, chị không mang theo con như lần trước. Nhưng có thêm người dì ruột đi theo để giúp chị “củng cố tinh thần”. Chị kể, lần trước ra tòa, chị rất run. Chị sợ, tòa sẽ không đồng ý cho chị nuôi cả hai đứa con. Nếu vậy, cuộc sống của chị sau này sẽ ra sao? Các con chị sẽ thế nào? “Tinh thần mình sa sút đến nỗi, chẳng biết HĐXX có bao nhiêu người”, chị cười buồn, ánh mắt thoáng qua vẻ thảng thốt. Cả phiên tòa ngày hôm ấy, tim chị cứ như treo chót vót trên ngọn cây cao, đập dồn dập. Mãi đến lúc tòa tuyên án, nó mới chịu rớt xuống.
Lần này ra tòa, chị cũng lo lắng. Chẳng biết kết quả sẽ ra sao. Chị sợ. Nên người dì bỏ công bỏ việc đi cùng cháu. “Nếu tòa xử không cho hắn nuôi cả hai đứa con, chắc hắn xỉu tại tòa quá. Con bé lớn, từ ngày hắn sinh ra cho đến giờ là 4 tuổi, đều do một tay hắn chăm bẵm, chứ chồng có ngó ngàng chi. Giờ nếu giao con bé cho chồng nuôi, cũng như cắt đi miếng thịt trên người mình, đau làm sao chịu thấu”, người dì khẽ giọng.
Tòa hỏi anh lý do kháng cáo? Anh trình bày, vợ chồng có hai đứa con. Đứa nhỏ chưa đủ 36 tháng, theo quy định pháp luật, giao cho người mẹ nuôi dưỡng. Những đứa con lớn của anh đã trên 36 tháng tuổi, nên anh có quyền được nuôi dưỡng. Rồi anh liệt kê từng mục, nào là hồi vợ sinh đứa thứ hai, anh là người đưa đón đứa lớn đến trường, tình cảm cha con rất gắn bó; rồi nhà cửa (của cha mẹ anh) tốt hơn, đẹp hơn, nên sẽ là môi trường tốt hơn để con sinh sống; chưa kể mẹ anh còn sức, có thể giúp đỡ anh trong việc trông nom cháu.
Tòa: “Từ tháng 8/2016, sau khi tòa sơ thẩm xét xử, anh có đến thăm con không?”. Bị đơn: “Từ khi chưa ly hôn, vợ tôi đã tìm cách ngăn cản không cho tôi thăm con. Sau ly hôn, việc thăm nom càng khó khăn hơn. Mỗi lần tôi đến thăm con, vợ tôi đều bồng đứa nhỏ tránh đi, nên không gặp được”.
Tòa: “Từ đó đến nay, anh có hỗ trợ, giúp vợ chăm sóc, dạy dỗ con không?”. Bị đơn: “Tôi đi làm cả ngày. Tối mới tranh thủ về thăm con. Nhưng vợ tôi bồng con đi trốn. Tôi không gặp được con, làm sao chăm sóc, dạy dỗ cháu?”. “Anh có chu cấp tiền nuôi con không?”. “Tôi có gặp được con đâu mà đưa tiền?”.
Vị chủ tọa giải thích, quan tâm, chăm sóc con có nhiều cách. Nghĩa vụ của người cha có rất nhiều cách để thực hiện. Có thể trực tiếp, hoặc gián tiếp. “Anh có thể gửi tiền, gửi quà cho con. Đâu nhất thiết phải gặp mặt con mới đưa tiền. Mặc dù lâu nay, không có tiền của anh, chị vẫn nuôi được hai con”.
“Kể tội” chồng cũ
“Có phải chị đã ngăn cản không cho anh thăm con?”. Chị khẽ khàng gật đầu. Rồi chị lý giải, vì mình quá bức xúc. Từ lúc chị sinh đứa con đầu lòng, mới 4 tháng chị đã gửi con đi làm. Chồng chị cũng đi làm, nhưng chẳng đưa về cho chị đồng nào để nuôi con. Chị sinh đứa con thứ hai, vì chồng đi suốt, nên chị dắt con về nhà mẹ, đợi ngày sinh nở. Vì chị sợ, ở nhà chồng, đến lúc trở dạ chẳng có người đưa đi.
Vậy mà từ ngày chị về nhà mẹ, đến lúc sinh nở, anh chẳng đoái hoài gì đến vợ con. Suốt mấy tháng trời mới ghé lại thăm một lần. Đã không quan tâm, yêu thương con cái, cớ gì sau ly hôn, anh lại tìm đến thăm con. Chị giận, nên bồng con qua nhà hàng xóm, không cho anh gặp.
Tòa phân tích, nguyên nhân anh kháng cáo đòi quyền nuôi con, là vì chị ngăn không cho anh gặp mặt con cái. “Nếu chị có hành vi ngăn cản anh thăm con, tòa phải xem xét lại. Đứa nhỏ dưới 36 tháng, theo quy định phải giao cho chị nuôi. Nhưng đứa lớn đã 4 tuổi, tòa có quyền chấp nhận yêu cầu của anh”. Đôi tay chị để dưới gầm bàn chợt nắm lại, run rẩy. Mắt chị đã đỏ hoe.
“Chị còn trẻ, nuôi một lúc hai đứa con sẽ rất khó khăn. Nếu mỗi người nuôi một đứa thì khó khăn sẽ ít hơn. Chị thấy thế nào?”. Chị liên tục lắc đầu, giọng nghẹn lại. Chị nói thu nhập của mình và chồng như nhau, đều 6-7 triệu/ tháng. Nhưng so với nghề thợ xây của anh, mùa nắng làm không hết việc, trong khi mùa mưa lại không có việc để làm, thì lương công nhân của chị ổn định hơn. Chưa kể một tháng chị còn được hai người em trai trợ cấp thêm 3 triệu để nuôi các cháu. Mẹ chị còn cho thêm mấy sào ruộng, để chị tăng gia sản xuất. Chị khẳng định trong màn nước mắt đã lem nhem trên mặt, rằng mình đủ điều kiện để nuôi cả hai đứa con.
Tình tiết quyết định
Chị còn chia sẻ, lý do mình không đồng ý để chồng nuôi con, vì anh đã sống chung với người phụ nữ khác. Người phụ nữ này hơn anh những mười mấy tuổi, đã có ba đứa con, hiện tại lại đang mang thai. Anh bận rộn với tình mới như thế, sao có thời gian để chăm sóc con cho vẹn toàn. Rồi chị run run cầm tờ giấy đã viết sẵn ở nhà, trình bày ý kiến. Cứ như thể đứng đây, chị sẽ chẳng tỉnh táo mà suy nghĩ.
Chị nhìn chăm chăm vào mảnh giấy cầm trong tay, vừa trình bày: Khi hai vợ chồng còn chung sống dưới một mái nhà, anh đã thiếu quan tâm đến vợ con. Sau ngày ra tòa ly hôn, anh chưa từng cấp dưỡng cho hai đứa con lấy một đồng. Con là do chị sinh ra, rồi cũng do một tay chị chăm bẵm, làm lụng để nuôi nấng chúng, nên chị hiểu rõ tâm sinh lý của con. Cả hai đứa con chị đều là gái, sau này đến tuổi dậy thì, chị làm mẹ, ở bên con gái sẽ tốt hơn bố. Thêm nữa, cả hai đứa lâu nay đều quấn quýt bên nhau, giờ chia rẽ, giao đứa lớn cho bố, sợ cháu sẽ rơi vào trầm cảm.
Anh nghe chị giãi bày, gương mặt dần dần cứng lại, đôi mắt ánh lên tia giận dữ. “Làm gì có đứa con nào lại sợ cha, xa lánh cha? Chỉ có người lớn gieo vào đầu chúng những điều xấu xí, khiến chúng mới sợ”, rồi anh đanh giọng, bảo bằng chứng ở đâu nói bên nội không thương cháu?
Ngồi đợi HĐXX nghị án, chị cứ phấp phỏng lo lắng, khiến người dì cũng không yên. Cả hai cứ nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa. Bà bảo, chỉ mong tòa y án. Cả hai đứa trẻ ấy tuổi còn trứng nước đã phải chịu cảnh cha mẹ chia lìa, giờ nếu chúng cũng bị tách đôi, thì coi như sự thiệt thòi, đau khổ của chúng tăng lên gấp bội.
Anh đứng lặng lẽ bên ngoài hành lang, gương mặt có chút thẫn thờ. Anh bảo mình không hề chung sống với người phụ nữ khác. Những điều chị nói, đều là bịa đặt. “Tôi muốn nuôi đứa lớn. Muốn giành lại quyền làm cha, muốn có cơ hội dành trọn tình cảm cho con”.
Những trái với mong muốn của anh, tòa không chấp nhận kháng cáo của anh. Chị như trút được gánh nặng trong lòng, gương mặt dần tươi tỉnh. Trong khi ở bên này, anh ủ rũ rời đi.
Theo Nguyễn Hà/Baophapluat