Cậu văng dao chết cháu ở Quảng Ngãi: Vô tình... nhưng trả giá đắt

Google News

Không chỉ bản án của pháp luật mà cái giá phải trả của người cậu còn là bản án lương tâm khi đã vô ý cướp đi sinh mạng chính cháu ruột mình.

Công an thành phố Quảng Ngãi đã tạm giữ hình sự Nguyễn Công Mông (SN 1991, thôn Bình Tây, xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi) để điều tra về hành vi vô ý làm chết người. Nạn nhân vụ việc là cháu D.N.H.Y. (SN 2017, cháu ruột gọi Mông bằng cậu).
Khoảng 13h ngày 14/11, Mông ngồi nhậu với bạn tại nhà ở thôn Bình Tây. Sau khi bạn đi về, cho rằng cha ruột thương con rể hơn, Mông đã dùng một con dao tự chế chém vào cửa gỗ bên hông nhà, lưỡi dao văng khỏi cán, trúng vùng cổ cháu Y. đang chơi ở sân. Hậu quả khiến cháu Y tử vong.
Cau vang dao chet chau o Quang Ngai: Vo tinh... nhung tra gia dat
 Nơi xảy ra vụ án.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống về hành vi của Nguyễn Công Mông, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, bản thân ông rất tiếc khi sự việc xảy ra và chia buồn đến gia đình cháu bé.
Theo luật sư Hoàng Tùng, theo quy định tại điều 13, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 nêu rõ, người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trong vụ án trên, có 3 dấu hiệu như chủ thể thực hiện hành vi phải gây thiệt hại và hành vi này có dấu hiệu của tội phạm như các hành vi khác như hành vi gây thương tích cho người khác; Chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội này phải là chủ thể ở trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình và tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển của người phạm tội phải là hành vi là do dùng rượu, bia hoặc dùng chất kích thích mạnh khác.
“Khi thỏa mãn cả 3 dấu hiệu trên, chủ thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự” - luật sư Tùng nêu ý kiến.
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, hành vi của Nguyễn Công Mông có dấu hiệu phạm tội vô ý làm chết người được quy định tại điều 128 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể, người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Phạm tội làm chết 2 người trở lên, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
“Chắc chắn với hành vi trên, Mông sẽ phải đối mặt với những hậu quả pháp lý do mình gây ra, nhưng cái giá phải trả không chỉ là mức án mà còn là bản án lương tâm đối với nghi phạm này trong phần đời còn lại khi đã vô ý cướp đi sinh mạng chính cháu ruột mình chỉ vì một phút nóng giận, bực tức có sự tác động của rượu bia”- luật sư Hoàng Tùng nêu ý kiến.
Qua vụ việc trên, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, nhiều người vẫn còn suy nghĩ, uống rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự do lỗi gây ra. Họ cho rằng người thực hiện hành vi phạm tội khi đang trong tình trạng không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, uống rượu, bia không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong trách nhiệm hình sự. Thậm chí, đây còn là một trong những tình tiết định khung hoặc tình tiết tăng nặng ở một số tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự.
“Qua các vụ án đã tham gia, tôi nhận thấy rằng khi uống rượu, bia, con người dễ bị ảo giác, hoang tưởng. Họ nghĩ rằng mình bị coi thường, bị đe dọa và sẽ bị hãm hại từ những người xung quanh. Chính những cảm xúc tiêu cực đó đã dẫn tới suy nghĩ, hành động độc ác, vượt qua giới hạn. Rượu bia đã làm không ít gia đình phải chia lìa, xã hội rối loạn. Có những người phải rời xa thế giới, để lại nỗi buồn vô hạn cho gia đình, người thân. Còn có những người mà tương lai phải tạm khép lại do vi phạm pháp luật hình sự. Pháp luật không thể bảo vệ những người như vậy. Do đó, mọi người cần nhận thức đúng về tác hại của sự lạm dụng uống rượu, bia và từ bỏ thói quen xấu này” - luật sư Tùng đưa ra khuyến cáo.
 >>> Mời độc giả xem thêm video Phá nhanh vụ án giết người trong đêm ở An Giang:

Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.

Hải Ninh