Bộ Công an đang lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình sẽ bị phạt tiền như "lăng mạ, chửi bới, chì chiết thành viên gia đình", "bắt nhịn ăn, nhịn uống...". Tuy nhiên, theo PGS.TS Hoàng Bá Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Dân số, Môi trường và Các vấn đề xã hội (Đại học KHXH&NV), những quy định đó "dễ áp dụng ở xã hội phương Tây nhưng khó áp dụng trong bối cảnh nước ta hiện nay".
Khó khả thi!
Những trường hợp bạo lực gia đình như "kiểm soát chặt chẽ nguồn tài chính của thành viên gia đình", "đối xử tồi tệ với các thành viên gia đình như bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách..." sẽ bị phạt từ 500.000 - 2.000.000đ, theo Dự thảo Nghị định mà Bộ Công an đang lấy ý kiến. Theo ông thì liệu có nhiều người sẽ lấy làm mừng?
Tôi cho rằng, mục tiêu của Dự thảo Nghị định này là tốt. Những quy định trong Dự thảo rất cụ thể, đấy cũng là điều để nhiều người lấy làm mừng. Thế nhưng, trên góc độ nhà khoa học, tôi không tin nó sẽ khả thi.
Tại sao ông lại có suy nghĩ đó?
Thứ nhất, mục 4 của Dự thảo - "Vi phạm hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình" từ Điều 53 - 69 giống với các Điều 9 - 25 của chương II - Nghị định 110/2009/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình. Cũng cần nhớ rằng, từ khi Nghị định 110 có hiệu lực (27/1/2010) thì rất hiếm có tư liệu nào đề cập đến số vụ xử phạt vi phạm Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Một số nội dung trong Dự thảo cũng phải cẩn trọng, nếu không sẽ xâm phạm các quyền dân sự. Ví như trong Luật quy định quyền sở hữu hợp pháp tài sản của công dân, trong khi điểm d Điều 60 của Dự thảo này lại quy định "Đập phá tài sản riêng của mình nhằm gây áp lực về tâm lý đối với thành viên gia đình" bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000đ. Tài sản của tôi thì tôi có toàn quyền sử dụng, cho, phá hủy nó chứ. Còn bảo là "gây áp lực về tâm lý đối với thành viên trong gia đình" thì ai chứng minh được? Nó sẽ dễ áp dụng ở xã hội phương Tây nhưng khó áp dụng trong bối cảnh nước ta hiện nay.
|
PGS.TS Hoàng Bá Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Dân số, Môi trường và Các vấn đề xã hội (Đại học KHXH&NV). |
Bảo người ta đi tố cáo thì khó lắm!
Nhưng thưa ông, hẳn nhiên khi xây dựng Dự thảo này, người ta cũng phải tính đến việc làm cho nó khả thi chứ!
Trên thực tế, trong đời sống gia đình sẽ rất khó tránh khỏi chuyện nhiều lúc "cơm không lành, canh không ngọt" dẫn đến "cả giận mất khôn". Đôi khi vợ chồng tức nhau ném cái bát, cái đĩa... Bảo vì thế mà người ta đi tố cáo thì khó lắm! Ngay cả khi Luật phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực rồi mà có phải ai là nạn nhân thường xuyên của bạo lực cũng đứng ra tố cáo đâu?
Giả dụ, nếu những hành vi bạo lực đó xảy đến trong gia đình ông thì ông có đứng ra tố cáo?
Nếu trong nhà tôi có chuyện con cái đập tài sản để "uy hiếp tinh thần" cha mẹ thì không bao giờ tôi ra công an mà trình báo đâu. Tôi tin rằng nhiều gia đình khác cũng thế.
Phải chăng là do tâm lý không muốn "vạch áo cho người xem lưng", "xấu chàng hổ ai"?
Cái đó cũng có một phần. Một phần nữa là do văn hóa Việt Nam, phong tục tập quán Việt Nam với những quy chuẩn đạo đức không cho phép người ta làm thế. Trong quan hệ gia đình ở ta thì sợi dây tình cảm, tình yêu thương và trách nhiệm gắn kết các thành viên với nhau là rất quan trọng. Do đó, không phải lúc nào cũng đưa luật vào để giải quyết các mối quan hệ gia đình được. Nếu các thành viên trong gia đình quan hệ với nhau chỉ dựa trên luật pháp thì sẽ không còn là gia đình Việt Nam nữa!
Tôi đồng ý với ông là ở ta nhiều khi "trăm cái lý không bằng tí cái tình". Thế nhưng, ông có cho rằng chính vì thế mà bạo lực gia đình vẫn tồn tại?
Điều đó không phải là không có cơ sở. Thế nhưng, như tôi vừa nói, chính văn hóa, phong tục tập quán đã khiến nhiều người không lên tiếng dù họ là nạn nhân của bạo lực gia đình. Bên cạnh đó còn do vấn đề hiểu biết pháp luật của người dân vẫn còn khá sơ sài.
Văn hóa gia đình đã xuống cấp
Ông đánh giá thế nào về nạn bạo lực gia đình hiện nay, ở góc độ một nhà nghiên cứu?
Hiện nay, vẫn có hai luồng ý kiến trái ngược. Một bên cho rằng nó tăng, một bên nói nó giảm. Tuy nhiên, để nói tăng hay giảm thì cần phải có điều tra định kỳ hàng năm mới kết luận được.
Một điều dễ nhận thấy là mấy năm trở lại đây, xuất hiện những vụ bạo lực gia đình điển hình, trong đó có những vụ mà chính nam giới lại là nạn nhân như bị vợ đốt, bị vợ đầu độc.
Đó có phải là điều bất thường?
Thực ra, tôi nghiên cứu từ năm 1999 đã cho kết quả khoảng 10% nam giới bị bạo lực về thể chất. Số liệu này không đổi trong các nghiên cứu năm 2006, 2010 nên không thể nói là bất thường được.
Khi tiếp nhận những thông tin kiểu vợ giết chồng, chồng giết vợ, con cái giết cha mẹ, anh em giết nhau... ông thấy thế nào?
Tôi thấy đau xót vì sự xuống cấp của văn hóa gia đình, dù nó chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.
Vì đâu nên nỗi, thưa ông?
Phải nhìn nhận rằng, chức năng giáo dục của gia đình chưa thật sự được chú trọng trong một bộ phận gia đình. Cha mẹ có quan tâm tới con cái không, có nuôi dạy con thành người tốt không? Nếu con cái không ngoan thì khó mà là công dân tốt được, dễ sa vào những cạm bẫy xã hội, có hành vi sai lệch, phạm pháp. Bên cạnh đó còn có cả yếu tố môi trường xã hội. Cuộc sống bức bách ngoài xã hội đã tạo cho người ta những áp lực, nếu không được người trong gia đình quan tâm, chia sẻ mà lại trút lên họ những bức xúc khác thì họ sẽ có những hành vi bột phát, gây nguy hại cho chính người thân trong gia đình.
Theo ông, những quy định liên quan đến vi phạm hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình trong Dự thảo này liệu có được thông qua?
Tôi nghĩ là không nên vì nó chẳng có gì tiến bộ với Nghị định 110/2009. Thêm nữa, để Nghị định này và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được thực thi, hơn ai hết, chính người dân phải tự ý thức nâng cao hiểu biết pháp luật. Cần tuyên truyền cho mọi người ý thức trách nhiệm với người thân, xây dựng gia đình hạnh phúc. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân; phải làm thật nghiêm minh pháp luật thì mới mong luật đi vào cuộc sống.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
- "Ngay cả khi người ta bị xử phạt thì tiền đó lấy từ đâu? Không cẩn thận, rất có thể xử lý một người làm sai nhưng ảnh hưởng tới những người khác, như xử phạt chồng nhưng vợ lại bán thóc cho chồng đóng tiền phạt. Phạt tiền có thể không làm người bị phạt thay đổi hành vi nhưng có thể làm tăng thêm mối bất hoà trong gia đình".
PGS.TS Hoàng Bá Thịnh
- Theo Dự thảo này, những hành vi như thường xuyên theo dõi thành viên gia đình vì ghen tuông gây tổn hại đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của thành viên đó bị phạt từ 100.000 - 300.000đ; có hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên gia đình hoặc tài sản chung của gia đình bị phạt từ 500.000 - 1.000.000đ; lăng mạ, chửi bới, chì chiết thành viên gia đình sẽ bị phạt từ 1.000.000 - 1.500.000đ...
|
Vũ Thủy (Thực hiện)