Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng lây lan trong cộng đồng ngày càng lớn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người; đóng cửa các dịch vụ không cần thiết như massage, vũ trường, các cơ sở du lịch, tham quan, các tụ điểm vui chơi, giải trí, các rạp chiếu phim, quán bia hơi, nhà hàng ăn uống...
Tại nhiều địa phương, cũng đã có chỉ đạo tạm thời đóng cửa các cơ sở dịch vụ kinh doanh không cần thiết như dịch vụ karaoke, massage, quán bar, vũ trường, kinh doanh trò chơi điện tử, rạp chiếu phim, sân vận động, các môn thể thao đông người..., trừ các cơ sở kinh doanh dịch vụ mặt hàng cần thiết như thực phẩm, xăng dầu, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hàng ngày.
|
Dù có lệnh cấm nhưng quán cà phê Lâm Thao trên địa bàn Thanh Xuân Bắc vẫn hoạt động |
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều hàng quán vẫn phớt lờ lệnh cấm, ngang nhiên hoặc lén lút hoạt động.
Lệnh cấm là đúng luật
Về vấn đề này, trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Đặng Văn Cường (đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định rõ được tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch.
Cụ thể, theo Điều 52 của Luật này: trong trường hợp cần thiết, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp chống dịch như: Tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; Cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định là trung gian truyền bệnh dịch; Hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng tại vùng có dịch.
Nghị định số 101/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm có quy định: Điều kiện để quyết định việc áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng, gồm: Dịch đang lưu hành là dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; Được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định đường lây truyền của dịch bệnh là đường hô hấp và nguy cơ lây truyền ở mức độ cao.
Covid-19 là dịch bệnh hô hấp thuộc nhóm A, vì thế hoàn toàn có đủ cơ sở để ban hành biện pháp đóng cửa nhà hàng, dịch vụ công cộng nhằm ngăn dịch bệnh lây lan.
"Trong trường hợp cơ sở kinh doanh không tuân thủ yêu cầu tạm thời đóng cửa trong thời gian tập trung phòng, chống dịch là vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao, gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của nhiều người, cũng như phá hỏng toàn bộ kết quả nỗ lực phòng chống dịch bệnh của nước ta trong suốt thời gian qua", luật sư Cường nói.
Chống lệnh đóng cửa, hàng quán bị phạt 5 - 10 triệu đồng
Việc xử phạt đối với các cơ sở kinh doanh “chống đối” yêu cầu tạm đóng cửa của cơ quan có thẩm quyền được quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP.
Khoản 4 Điều 11 Nghị định này quy định phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện việc tạm đdừng hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh; Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.
"Như vậy, nếu không đóng cửa theo yêu cầu của Chính phủ, địa phương để phòng chống dịch Covid-19, cơ sở kinh doanh bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng", luật sư Cường nhấn mạnh.
Theo Văn Huế (Báo Giao thông)