Chủ khách sạn trên đèo Mã Pì Lèng là nạn nhân, phải xử lý cán bộ “làm ngơ” sai phạm

Google News

(Kiến Thức) - Chủ khách sạn Panorama xây dựng không phép trên đèo Mã Pì Lèng khẳng định, trong quá trình xây dựng, các cấp chính quyền rất ủng hộ, thậm chí còn đốc thúc hoàn thiện công trình. Như vậy, phải chăng cán bộ đã "làm ngơ" cho sai phạm?

Liên quan đến vụ khách sạn Panorama xây dựng không phép trên đèo Mã Pì Lèng, trả lời báo chí, bà Vũ Thị Ánh (57 tuổi, chủ khách sạn) cho biết, bà không tự ý xây dựng mà được các cấp chính quyền ở Hà Giang đồng ý, trong quá trình xây dựng, nhiều cơ quan chức năng đã đến kiểm tra độ an toàn. Đồng thời, nữ chủ nhà hàng Panorama cũng cho rằng, khu vực xây dựng công trình nằm ngoài vùng lõi của công viên địa chất.
Bà Ánh giải thích việc thiếu các loại giấy phép là do khi chính quyền địa phương kêu gọi đầu tư xây dựng, bà chỉ cố gắng làm cho kịp tiến độ chứ không quan tâm đến việc làm hồ sơ, thủ tục giấy tờ và nghĩ rằng địa phương sẽ lo các loại giấy phép.
Khi biết khách sạn mình đang sai phạm, có thể bị cưỡng chế, dỡ bỏ. Bà Ánh chia sẻ, nếu phá dỡ công trình, bà chỉ có nước nhảy xuống sông Nho Quế vì tất cả tài sản, cả cuộc đời của bà ở đây.
Chu khach san tren deo Ma Pi Leng la nan nhan, phai xu ly can bo “lam ngo” sai pham
Chủ khách sạn Panorama khẳng định không sai khi xây dựng công trình. 
Số đông dư luận cho rằng, nên thượng tôn pháp luật trong vụ việc này. Luật pháp quy định xây dựng sai phép, chưa có giấy phép phải cưỡng chế thì cứ đúng quy định mà thực hiện. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng bà Ánh cũng chỉ là nạn nhân, những người đáng bị xử lý mà dư luận bỏ quên là cán bộ quản lý địa phương. 
Bởi theo lời bà Ánh cung cấp, bà được chính quyền địa phương tạo điều kiện để xây dựng, thậm chí là hối thúc để hoàn thành công trình. Như vậy, trong suốt quá trình xây dựng, chính quyền nắm được việc bà Ánh xây không phép. Không những không đình chỉ, xử lý vi phạm mà có dấu hiệu "làm ngơ" cổ vũ cho sai phạm (theo lời bà Ánh chia sẻ - PV). 
Trong nghẹn ngào uất ức trước việc khách sạn có thể bị dỡ bỏ, bà Ánh khẳng định: Bà không thể xây dựng nếu không có sự đồng ý của các cấp chính quyền.
Chu khach san tren deo Ma Pi Leng la nan nhan, phai xu ly can bo “lam ngo” sai pham-Hinh-2
 Khách sạn Panorama đang được dư luận quan tâm.
Nêu quan điểm về vụ việc, luật gia Nguyễn Gia Hải (Văn phòng luật sư Vạn Xuân Hà Nội - Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết theo Luật Di sản văn hóa 2001, sửa đổi bổ sung năm 2009 thì đèo Mã Pì Lèng là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, nên việc xây dựng các công trình ở đây thuộc thẩm quyền cho phép của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL), không phải thẩm quyền quyết định của địa phương.
Vì vậy, việc xây dựng khách sạn Mã Pì Lèng nếu nằm trong khu vực bảo tồn, di sản thì việc xây dựng là hành vi trái pháp luật vì chưa có sự đồng ý bằng văn bản theo đúng thẩm quyền.
Hành vi này đã “làm sai lệch di tích văn hóa – lịch sử, danh lam thắng cảnh” là hành vi “Làm thay đổi môi trường cảnh quan của di tích như chặt cây, phá đá, đào bới, xây dựng trái phép và các hành vi khác gây ảnh hưởng xấu đến di tích” theo điểm b khoản 1 Điều 4 của Nghị định 98/2010/NĐ – CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Di sản văn hóa 2001, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Hậu quả của hành vi này là bị phạt tiền lên đến 50 triệu đồng theo điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
Ngoài ra, tại điều 29, điều 30 của luật xử lý vi phạm hành chính 2012 cũng quy đinh rõ về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ công trình và khôi phục lại tình trạng ban đầu. Khi áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, chủ khách sạn được tự nguyện thi hành. Trong trường hợp chủ khách sạn không tự nguyện thi hành, bắt buộc phải cưỡng chế.
Ở khía cạnh khác, theo lời kể của chủ khách sạn thì quá trình xây dựng và hoạt động đã được sự đồng ý của các cấp chính quyền tại địa phương. Chính quyền địa phương khi trả lời báo chí thì cho biết đã nhiều lần xuống kiểm tra và yêu cầu dừng các hoạt động liên quan.
"Dù ở trường hợp nào, thì trong sự việc, trách nhiệm của chính quyền địa phương là quá rõ ràng, cần phải xử lý" - chuyên gia pháp lý nhấn mạnh.
"Là 1 danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, tại Mã Pì Lèng xuất hiện công trình đồ sộ trái pháp luật mà chính quyền tại đây chỉ xuống kiểm tra, yêu cầu dừng xây dựng, hoạt động thì phải chăng chỉ làm cho có, làm lấy lệ, kiểm tra cho đúng thủ tục.
Từ đó làm rõ về sự việc, xác định đúng trách nhiệm và hành vi trái pháp luật của các đối tượng. bởi lẽ, dấu hiệu lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân là rất lớn.
Nếu đủ căn cứ và bằng chứng, cần tập trung điều tra xem có hay không lợi ích nhóm trong vụ việc này" - luật gia Hải nói.
>>> Xem thêm: Khách sạn đỉnh Mã Pì Lèng "cháy" phòng giữa bão chỉ trích

Nguồn: VTC.

Quý An