Chuyên gia cảnh báo: “Sống chung với dịch” khác “ai cũng thành F0”

Google News

Quan điểm “sống chung với dịch” đang bị một bộ phận lớn người dân nghĩ sang “ai cũng thành F0”. Chuyên gia đã cảnh báo tình trạng này.

Tiêm phủ vắc-xin và hướng tới miễn dịch cộng đồng đang là chủ trương phòng chống dịch COVID-19 hiện nay tại Việt Nam. Tuy nhiên, không vì thế mà người dân chủ quan, sẵn sàng đón nhận COVID-19 như điều sớm muộn sẽ đến.
Bỏ quan điểm “ai cũng thành F0”
Trong bối cảnh thích ứng lịch hoạt hiện nay, dù dịch bệnh COVID 19 đang rất phức tạp với những kỷ lục mới nhưng nhiều người đã nói rằng, lên mạng xã hội bây giờ không có gì khác ngoài “đường đua F0” hay “que thử 2 vạch”. Tuy nhiên, tỷ lệ F0 tăng nhanh cùng tâm lý chủ quan sẽ trở thành con dao 2 lưỡi trong công tác phòng chống dịch.
Chuyen gia canh bao: “Song chung voi dich” khac “ai cung thanh F0”
Tâm lý chủ quan khiến số ca mắc mới tại Hà Nội liên tục tăng cao.  
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, hiện tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ ở Hà Nội đang chiếm khoảng 97%. Tuy nhiên, hàng ngày, Hà Nội vẫn ghi nhận bệnh nhân tử vong vì COVID-19, nên người dân không nên có tâm lý nghĩ rằng "ai cũng thành F0". Khi số ca COVID-19 tăng cao sẽ kéo theo số bệnh nhân nặng tăng, rồi tỷ lệ tử vong cũng từ đó nhiều hơn, gây quá tải cho hệ thống y tế.
Theo ông Trần Đắc Phu, tâm lý ai rồi cũng trở thành F0 rất nguy hiểm. Thanh niên trẻ khỏe đến đâu cũng có tỷ lệ nhất định mắc bệnh diễn tiến nặng. Ngoài ra, tỷ lệ F0 tăng nhanh sẽ dẫn đến lây nhiễm cho người già và trẻ nhỏ thì mức độ nguy hiểm càng cao. Đây đều là đối tượng chưa tiêm vắc-xin, nguy cơ bệnh nặng, thậm chí tử vong.
Tâm lý đã tiêm nhiều vắc-xin thì bệnh sẽ nhẹ là suy nghĩ sai lầm, cần phải thay đổi. PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định: “Vắc-xin chỉ giúp giảm nguy cơ lây lan và giảm nguy cơ bệnh diễn biến nặng chứ không hoàn toàn chống lại được SARS-CoV-2”.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, quan điểm của nước ta là sống chung với dịch, nhưng sống chung thế nào cho an toàn phải tính toán hợp lý. Nếu buông xuôi, thả lỏng, nghĩ "ai rồi cũng thành F0" thì rất nguy hiểm, kéo theo vô số những hệ lụy, trong đó có quá tải hệ thống y tế, khiến số ca bệnh nặng, tử vong tăng vọt.
Hậu quả sau “ai cũng thành F0”
Hậu COVID-19 là tình trạng xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán khác. Tình trạng này khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội.
Tuy nhiên, thực tế không chỉ những người cao tuổi có bệnh lý nền, mà cả những trường hợp không có bệnh lý nền, hay người trẻ mắc COVID-19 thể nhẹ vẫn có thể để lại di chứng hậu COVID-19, thậm chí rất nặng.
TS.BS Lại Văn Hoàn - Trưởng khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết, bệnh nhân hậu COVID-19 là những người cao tuổi và có bệnh nền khi có biểu hiện như mệt mỏi, chán ăn, khó thở, đặc biệt là liên quan đến bệnh hô hấp cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện sớm để kịp thời phát hiện các tổn thương do hậu COVID-19 gây ra và sẽ có hỗ trợ, can thiệp tránh để lại di chứng.
Theo các chuyên gia y tế, các triệu chứng của hội chứng hậu COVID-19 thường dễ nhầm lẫn với các biểu hiện của bệnh nền khác. Vì vậy, chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người cần lắng nghe cơ thể sau khi mắc COVID-19.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc - Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, khi số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 càng tăng cao, thì số người có triệu chứng hậu COVID-19 cũng gia tăng.
Theo bác sĩ Phúc, sau 3 tháng điều trị khỏi COVID-19, các triệu chứng hậu COVID có thể liên quan đến hô hấp, tuần hoàn, tiêu hoá, thần kinh... Cụ thể, người bệnh sẽ dễ mệt mỏi hơn, hụt hơi, thở gấp, nhịp tim nhanh, hay có những người có biểu hiện của bệnh tiêu hoá như ăn không tiêu, tiêu chảy... “Hậu COVID có khá nhiều triệu chứng khác nhau, tuy nhiên, chưa có bằng chứng cụ thể nào để chứng minh. Bởi hiện nay nghiên cứu về hậu COVID-19 còn rất ít và không có nhóm đối chứng. Hiện các nghiên cứu về hậu COVID chủ yếu ở mức thống kê chứ chưa có đối chứng”, bác sĩ Phúc chia sẻ.
Hoàng Nam