Chuyện thú vị về một dòng họ ở làng Nhị Khê

Google News

Dòng họ Dương ở  làng Nhị Khê (xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội) nổi tiếng khắp vùng bởi sự khéo tay. Bao đời nay, họ sản sinh ra rất nhiều nghệ nhân, gìn giữ, tạo ra những sản phẩm truyền thống làm giàu cho địa phương.
 

Không những vậy, nhờ cái duyên tình cờ cùng niềm đam mê cháy bỏng với nhạc cụ truyền thống, dòng họ Dương ở đây đã chế tạo ra không ít nhạc cụ truyền thống của rất nhiều nước trên thế giới. Với họ, đó là khát khao mang thế giới kỳ diệu của âm nhạc tới tất cả mọi người…
Cơ duyên đặc biệt
Về làng Nhị Khê những ngày đầu xuân mới thấy được cuộc sống của người dân nơi đây sung túc thế nào. Đường bê tông thẳng tắp được tôn thêm vẻ đẹp bằng những công viên, nhà thờ họ, đình làng cổ kính… dọc hai bên đường.
Người qua kẻ lại nhộn nhịp, đâu đâu cũng nghe thấy những âm thanh phát ra từ nghề tiện gỗ, chạm khảm. Thế nhưng, giữa những âm thanh đời thực ấy, mọi người vẫn được thả hồn theo âm thanh du dương của những lại nhạc cụ truyền thống. Đặc biệt hơn nữa, những loại nhạc cụ này có nguồn gốc từ rất nhiều quốc gia trên thế giới.
Với đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân ở đây thì không gì là không thể. Những loại nhạc cụ tưởng chừng là đặc sản, chỉ có ở các nước khác thì nay, ở Nhị Khê, nó được làm ra thật tài tình. Câu chuyện về gia đình họ Dương sản xuất nhiều nhạc cụ truyền thống của thế giới không chỉ người quanh vùng biết mà còn vượt ra khỏi biên giới quốc gia.
Cái nghề làm nhạc cụ đến với Nhị Khê tình cờ, như thể một cơ duyên vậy. Năm 2002, một người nước ngoài có ghé qua xưởng sản xuất đồ gỗ của ông Dương Công Trung. Qua người phiên dịch, ông Trung được biết vị khách đặc biệt này là người Đức, có tên Clemens Voight.
Ông này có một cửa hàng rất lớn, chuyên sưu tầm và bán các loại nhạc cụ truyền thống các nước trên thế giới đặt ở trung tâm thành phố Berlin. Trong giới nghệ thuật Việt Nam, ông Clemens là người khá nổi tiếng. Nguyên do khiến ông này về với Nhị Khê là khi ông qua phố Hàng Nón (Hà Nội), thấy rất thích các loại nhạc cụ được bày bán ở đây.
Ông Clemens quyết định tìm về nơi sản xuất để trực tiếp diện kiến các nghệ nhân. Vậy là người trong làng chỉ đến gặp ông Trung, bởi hơn ai hết, ông Trung là nghệ nhân làm nhạc cụ giỏi nhất ở Nhị Khê. Sau khi xem xét kỹ, vị khách người Đức quyết định đặt của ông Trung vài chiếc đàn bầu, sáo, đàn tính… những nhạc cụ mang đậm bản sắc Việt Nam.
 Làng Nhị Khê nổi tiếng với những sản phẩm mỹ nghệ cao cấp.
Những tưởng đơn hàng đó chỉ bình thường như bao đơn hàng khác, nhưng 2 tháng sau ông Clemens quay trở lại cùng một đoàn khách gần 10 người. Đoàn khách đó có người Đức, người Nhật và xin ở nhờ nhà ông trong gần 5 ngày. Họ mang theo một cuốn catalog có rất nhiều hình chụp các loại nhạc cụ truyền thống các nước trên thế giới.
Các vị khách này yêu cầu ông Trung làm các nhạc cụ giống như trong cuốn catalog, họ sẽ là những người trực tiếp theo dõi ông làm, trực tiếp thẩm âm cho các nhạc cụ này.
Sau những ngày ăn nằm tại đây, các vị khách không khỏi bất ngờ về khả năng của gia đình ông Trung. Bởi, những nghệ nhân này không chỉ làm giống mà còn làm rất đẹp, hơn nữa âm thanh phát ra lại được đánh giá là cực chuẩn truyền thống.
Trước khi ra về, đoàn khách nước ngoài đã đặt ông Trung một lô hàng lớn gồm các loại nhạc cụ truyền thống của cả Việt Nam và thế giới. Đơn hàng cứ mỗi chốc một nhiều hơn, có những lúc tưởng như không làm kịp.
Kể từ ngày đó đến nay đã hơn 10 năm, năm nào ông Clemens cũng sang Việt Nam trực tiếp hướng dẫn sản xuất các loại nhạc cụ truyền thống thế giới. Mỗi năm lại thêm một loại nhac cụ truyền thống của thế giới ra đời ở xưởng sản xuất của ông Trung.
“Việc sản xuất các nhạc cụ dân tộc trên thế giới không chỉ là nghề, là công việc để kiếm cơm mà nó còn cả niềm đam mê nữa. Ban đầu tôi cũng rất bỡ ngỡ, khi họ đưa cho hình ảnh một số nhạc cụ ở các nước xa xôi, đó là những nhạc cụ lần đầu tôi được nhìn thấy. Thế nhưng khi bắt tay vào sản xuất mới thấy nó hấp dẫn thế nào. Tôi như nghiện vậy, sản xuất hết các mẫu lại muốn tìm những mẫu khác để làm.
Ông Clemens nói rằng, nếu làm được các nhạc cụ dân tộc của các nước khác nhau tức là đã phần nào hiểu được văn hóa của nước đó. Còn nếu chơi được nhạc cụ ấy nữa thì thật là một điều vô cùng quý giá. Chính vì thế, hàng năm tôi rất háo hức chờ đợi ông ấy lại mang một mẫu nhạc cụ về đây để tôi thử sức”.
Chúng tôi ngỏ ý muốn xem một loại nhạc cụ đặc biệt của một nước nào đó, ông Trung vui vẻ nhận lời ngay. Ông bảo: “Ở đây thì có nhiều loại lắm, có hàng chục loại nhạc cụ của các quốc gia trên thế giới. Việc làm nhạc cụ truyền thống của các nước khác khó nhất vẫn là âm thanh nó phát ra, sao cho đúng cho chuẩn. Còn hình thức giống thì ai cũng có thể làm được, khéo tay thì làm đẹp, còn vụng thì làm xấu hơn thôi”.
Ông Trung cho chúng tôi xem một loại nhạc cụ rất lạ mắt, một chiếc đàn chỉ có một dây dài chừng 0,5m; nằm giữa hai thanh gỗ đợ bằng một bầu đàn ở phía dưới, khi chơi người ta đánh vào dây, rồi bóp vào hai thanh gỗ tạo ra độ rung nghe vô cùng lạ.
Theo nghệ nhân Trung, đây là đàn gopichand (ektara) xuất xứ từ Ấn Độ, do gia đình ông sản xuất. Ngoài chiếc đàn truyền thống ektara còn có nhiều loại khác như chiếc sáo mũi xuất xứ từ người Digan. Đây là loại sáo có hình chữ nhật đứng to bằng một nửa lòng bàn tay. Khi thổi phải áp một lỗ vào mũi, một lỗ vào miệng, dùng hơi từ miệng thổi ra, âm thanh rất độc và lạ tai.
Ông Trung và ông Sơn giới thiệu những loại nhạc cụ độc đáo trên thế giới do mình sản xuất.
Sợ mất nghề cha ông
Gia đình ông Trung có truyền thống làm nhạc cụ từ nhiều đời. Dù công việc đang phát triển nhưng ông Trung không khỏi lo lắng, sợ nghề sẽ mai một. Ông bảo, cha ông là cụ Dương Công Bôn, là một trong những người thợ giỏi bậc nhất của làng tiện gỗ nổi tiếng Nhị Khê.
Những năm 60 – 70 của thế kỷ trước, ở làng Nhị Khê Thường Tín lập ra một hợp tác xã tiện gỗ, chủ yếu là sản xuất quân dụng và gia dụng. Sau những giây phút mệt mỏi khi làm ở hợp tác xã, cụ Bôn lại mày mò nghiên cứu các loại nhạc cụ của dân tộc như đàn bầu, nhị, đàn tính…
Vốn là một nghệ nhân, chẳng mấy khó khăn cụ Bôn có thể tự tay làm ra những loại nhạc cụ này. Ban đầu cũng chỉ vì thích, muốn làm để chơi trong những lúc nhàn tản. Rồi đến khi đến trình độ điêu luyện, cụ Bôn đã bán những sản phẩm này đi nhiều nơi. Những sản phẩm của cụ được rất nhiều người ưa chuộng, thậm chí cả những nghệ sĩ biểu diễn nhạc cũng tìm đến. Tiếng lành đồn xa, danh tiếng của cụ Bôn ngày một vang xa hơn.
“Nhà tôi có 5 anh em, lúc còn nhỏ chúng tôi luôn sống trong tiếng đàn bầu, tiếng nhị của bố. Chẳng hiểu từ khi nào âm thanh mượt mà ấy đã ngấm vào người mấy anh em. Rồi bố tôi truyền cho cả 5 anh em chúng tôi nghề độc đáo này. Lớn lên, cuộc sống mỗi người một chí hướng, giờ chỉ còn 2 người theo nghề sản xuất nhạc cụ truyền thống là em trai tôi, ông Dương Công Sơn” – Ông Trung tâm sự.
Đưa chúng tôi đi thăm một kho nhạc cụ độc đáo của gia đình, ông Trung vẫn cứ trăn trở nhắc lại câu chuyện giữ nghề của cha ông. Ông bảo, để nối tiếp nghề của cha, ban đầu ông sản xuất các loại nhạc cụ dân gian các dân tộc Việt Nam như đàn bầu, sáo, nhị, đàn tranh… thế nhưng để theo kịp thị trường hơn, bên cạnh các nhạc cụ truyền thống, ông đã tự mày mò chế tác ra một số nhạc cụ mới.
Như chiếc mõ, ông đã chế tạo ra bộ gõ với nhiều âm thanh khác nhau. Lấy cho chúng tôi xem một con dế được chạm khắc rất kỳ công, lưng có nhiều vết răng cưa, khi dùng que nhỏ vuốt vào lưng sẽ có tiếng dế kêu về đêm. Hay còn bộ gõ cóc nghiến răng, gà mổ thóc. Những sản phẩm độc đáo này được ông xuất khá nhiều cho các dàn nhạc dân tộc, các cửa hàng bán đồ lưu niệm ở Hàng Nón, Hà Nội.
Ông Trung luôn trăn trở về nghề làm nhạc cụ dân tộc của dòng họ Dương. Mặc dù ông Trung đã dồn hết tâm huyết, đưa ra rất nhiều ý tưởng sáng tạo độc đáo, song trong giai đoạn phát triển hiện đại, xưởng sản xuất của ông Trung cũng gặp không ít khó khăn. Sản phẩm của ông thuộc hàng xa xỉ phẩm, lượng hàng xuất khẩu ngày một giảm đi.
Đồng thời các mặt hàng trong nước cũng chịu sự cạnh tranh khốc liệt với hàng đại trà, giá rẻ. Sau những phút say sưa nói về nghề, nói về những ký ức đẹp đẽ của cha ông, ông Trung bỗng khựng lại, ông đăm chiêu nhìn về những nhạc cụ mình vừa làm ra: “Đôi lúc tôi cũng chán muốn bỏ nghề, chuyển sang làm tiện gỗ như mọi người trong làng. Nhưng cứ nghĩ đến cha mình, người đã bỏ ra tâm huyết cả đời để làm ra những loại nhạc cụ độc đáo, tinh xảo là lại thôi. Tôi nghĩ kỹ rồi, dù kinh tế khó khăn đến đâu, tôi cũng phải giữ cho kỳ được nghề của cha ông mình”. Nói rồi ông lại nở nụ cười hiền hậu, cất lên câu ca của người Nhị Khê: “Bao giờ Thường Tín hết cây/ Sông Tô cạn nước Nhị Khê bỏ nghề”.
Theo Song Anh/cand