Người thợ nữ hiếm hoi
Có lẽ ở thời điểm hiện tại, khó tìm được một người thợ nữ cắt tóc vỉa hè nào giống như bà Phạm Xuân Thu (79 tuổi, Hàng Buồm, Hà Nội) trên mảnh đất Hà thành. Với kinh nghiệm cắt tóc từ năm 1961 tới nay, bà Thu cho biết, chỉ cần nhìn qua kiểu tóc một lần là bà có thể cắt theo y hệt, không cần phải tập trước. Với những kiểu tóc cho giới trẻ hiện tại, bà cũng chỉ xem ảnh hoặc nghe tả qua là có thể cắt được và ai cũng vừa ý.
"Tóc kiểu thanh niên bây giờ dễ cắt hơn là cắt đúng kiểu như ngày trước vì đôi khi chỉ cần dùng tông đơ cắt tóc lia qua và chỉnh lại đôi chút. Ngày trước, việc cắt tóc vất vả hơn rất nhiều vì có những kiểu đầu phải tỉa kéo rất lâu...", bà Thu chia sẻ.
|
Con dao trong bộ đồ nghề bà được phát từ khi tham gia hợp tác xã. |
Kể lại quãng thời gian nửa thế kỉ hành nghề cắt tóc của mình, người có thể coi là nghệ nhân của nghề tóc này cho biết, bà bắt đầu học cắt tóc từ đầu năm 1960 do người anh chồng hướng dẫn và đến năm 1961 bắt đầu hành nghề. Bà kể, trước năm 1960, khu phố Hàng Khay có vài cửa hàng tóc tư nhân mở từ thời kỳ Pháp tạm chiếm. Năm 1960 theo chủ trương "hợp tác hoá", các thợ cắt tóc phải "góp gạo thổi cơm chung". Họ mang theo đồ nghề cá nhân đến khu phố Hàng Khay lập hợp tác xã.
Dạo ấy, quanh Bờ Hồ có 5 hiệu cắt tóc quốc doanh: 51 Tràng Tiền, 36 Lê Thái Tổ, 15 Hàng Khay chuyên cắt tóc nam, 33 Hàng Khay chuyên cắt tóc nữ và 53 Đinh Tiên Hoàng. Ở đây, có tiệm dùng tông đơ, dao hay kéo của Trung Quốc nhưng ghế cắt tóc là ghế xoay của Pháp. Bình xịt nước cắt tóc là loại bình xịt dáng cổ điển với nút xịt là một quả bóng cao su, khi bóp quả bóng thì nước phụt ra thành những tia nhỏ.
Khách hàng đến các tiệm cắt tóc quốc doanh hầu hết là trí thức hay những người lịch lãm, có khi là các vị lãnh đạo cấp cao. Bà Thu cũng là một trong những người thợ cắt tóc tham gia hợp tác xã và đặc biệt trong từng ấy năm bà chỉ cắt tóc nam.
Đến đầu năm 1990, khi hệ thống hợp tác xã tan rã, một số thợ cắt tóc chuyển về làm tại cửa hàng ở số 6 Tràng Thi và đó cũng là lúc bà Thu nghỉ hưu. Gọi là nghỉ hưu nhưng thực chất, bà chỉ lùi vào một góc nhỏ của riêng mình để giữ nghề, giữ những kỉ niệm của một thời xưa cũ. Bà cười hóm hỉnh rồi kể: "Cũng có một số anh chị em chọn cách lui về cắt tóc tại nhà hoặc cắt tóc vỉa hè như tôi. Một số người trẻ thì tập trung tại cửa hàng số 6 Tràng Thi. Gọi là trẻ nhưng giờ đầu cũng hai thứ tóc rồi, còn những người cùng trang lứa với tôi thì cũng không ai còn sức cầm kéo nữa...".
Về cắt tóc tại nhà được nhiều năm, tiền cắt tóc cùng mức lương hưu của một người thợ bậc 7 cũng đủ để bà Thu sống thoải mái. Vài năm trở lại đây, tìm được một góc nhỏ trên phố Hàng Buồm, bà Thu dọn hàng ra đó ngồi cắt tóc để nhìn ngắm người đi đường, nhìn cuộc sống trôi qua từng ngày. Mỗi ngày, bà Thu chỉ làm khoảng 4 tiếng buổi sáng, 7 giờ dọn hàng ra rồi 11 giờ đóng cửa.
Trong một buổi làm việc như thế, ngày nào đông khách, bà có thể cắt cho 5-6 người, còn hôm nào vắng thì bà lại ngồi nói chuyện, kể cho những thanh niên trẻ bán hàng ở đó câu chuyện về những Hà Nội xưa cũ, giá dao động từ ba mươi đến năm mươi nghìn đồng cho một lần cắt.
Bà Thu kể, cách đây không lâu, khi chương trình “Ký ức Hà Nội” được chuẩn bị tại Hoàng thành Thăng Long, một số người thuộc Ban tổ chức có trách nhiệm đi tìm kiếm nghệ nhân của các ngành nghề để tái hiện Hà Nội xưa cũng đi tìm kiếm một người thợ cắt tóc ở phố Hàng Khay ngày nào. Họ tìm kiếm ở rất nhiều phố phường, đến khi đang tìm kiếm ở Kim Liên thì được một ông cụ chỉ về Hàng Buồm để tìm bà Thu cắt tóc. Và thế là họ tìm đến ngay lập tức để mời bà cùng hàng chục nghệ nhân các ngành nghề khác cùng tham gia chương trình.
“Ngày hôm đó, khi tôi đang cắt tóc ở khu vực phố Hàng Khay được tạo dựng lại, nhìn cách tôi mài dao bằng miếng da treo trên đầu cây, một ông cụ cứ đứng xem mãi rồi trầm trồ khen ngợi. Ông ấy bảo: “Ðấy, cắt tóc như ngày xưa là phải như thế này”, câu nói ấy làm tôi lại nhớ lại những ngày mới bắt đầu với nghề, trải qua biết bao năm tháng”, bà Thu chia sẻ.
Cuộc sống với những châm ngôn
Hơn 50 năm làm nghề “vít đầu thiên hạ”, bà Thu vẫn cho biết chưa bao giờ có ý định bỏ nghề. Bà bảo, nếu có thể thì sẽ làm nhiều năm nữa, cho đến khi mắt mờ tay run không cầm được kéo thì thôi. Trong buổi gặp mặt người nghệ nhân nghề cắt tóc ấy, câu chuyện của bà không phải là những chuyện phiếm thông thường mà còn là triết lý, châm ngôn với cuộc sống mà bà đúc kết được qua bao nhiêu chuyện đời của những người khách cắt tóc. “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết” đó là câu trả lời cho việc vì sao bà vẫn cố gắng duy trì công việc này. Đó là để cho con gái bà, người cũng theo nghề của mẹ hiểu được, nếu đã theo nghề, hãy phấn đấu cho giỏi nghề chứ không nên nản chí khi gặp khó, đó mới là đường sống.
Cũng trong những câu chuyện với khách cắt tóc, những câu chuyện về cuộc đời những câu nói hay, câu châm ngôn ý nghĩa lại khiến bà khắc ghi. Và việc dán mỗi câu châm ngôn có ý nghĩa lên chỗ làm việc đã trở thành một thói quen của bà. Trên tấm gương cắt tóc, bà Thu dán câu châm ngôn “Không có những thứ mình yêu, hãy yêu những thứ mình có”, một suy nghĩ vô cùng giản dị, sâu sắc. Đó cũng là lựa chọn, là cách sống không bon chen, khiến bà Thu khi sắp bước sang tuổi 80 vẫn vô cùng minh vẫn, khéo léo trong từng đường kéo, đường cạo.
Bà tâm sự rằng, cuộc sống hiện tại có quá nhiều áp lực, đâu đâu cũng thấy cảnh mưu sinh bon chen vô cùng vất vả. Qua những câu chuyện đời, phút tâm sự ngắn ngủi của khách với người thợ cắt tóc, bà hiểu được những đố kị, lầm than của cuộc sống. Vì lẽ đó, bà thấy rằng cuộc sống an bình của mình là vô giá và bà hy vọng rằng những câu châm ngôn bà dán ở chỗ dễ nhìn ấy có thể khiến những người khách hiểu được lẽ sống của bà lão này.
Không biết có phải vì lí do trên mà nhiều người đã trở thành khách quen của bà, dù là khi cắt tóc trong con hẻm nhỏ trên phố Hàng Buồm hay cho đến khi dọn hàng ra vỉa hè. Có lẽ, họ đến không đơn thuần chỉ là để cắt tóc. Trong vài chục phút ngắn ngủi với tiếng kéo lách cách đó, họ có thể trút hết những muộn phiền, âu lo trong cuộc sống với bà lão cắt tóc. Để được nghe những câu châm ngôn, những lời khuyên chân thành và vô cùng sâu sắc.
Người đến quán cắt tóc của bà Thu không chỉ có khách Việt mà còn có nhiều khách nước ngoài. Không biết vì cái duyên nào mà họ lại lựa chọn cắt tóc vỉa hè với những đồ nghề nhìn có vẻ cũ kĩ, thay vì những quán cắt tóc sang trọng, lịch sự hơn gần đó. Mỗi lần như vậy, do bất đồng ngôn ngữ nên họ chỉ giao tiếp qua cử chỉ, ấy vậy mà những người khách đó cũng vừa ý với kiểu đầu mà bà cắt cho họ.
Bà Thu vừa cười vừa kể: “Có lần, truyền hình đến quay tôi cắt tóc, có cả nhà báo chụp ảnh nữa. Đúng lúc đó tôi đang cắt tóc cho một cậu người nước ngoài. Chúng tôi vẫn như mọi khi là giao tiếp bằng cử chỉ và cậu ấy miêu tả cho tôi định cắt thế nào. Sau khi cắt xong, cậu ấy đưa tôi 100 ngàn, khi tôi trả lại tiền thừa thì cậu ra hiệu là tặng tôi vì thích quá”.
Với những “ngón nghề” xưa cũ như cạo lưng, đánh mặt bằng phèn chua… và những câu châm ngôn cuộc sống, “quán” nhỏ dưới tán cây của bà Thu vẫn nằm đó để tiếp tục chứng kiến cuộc đời, nghe những câu chuyện, những lời than thở của người khách vãng lai. Để rồi ở nơi đó, một “kho tàng” về kinh nghiệm sống được bà Thu tích cóp lại được kể cho người đến sau, khiến những người đến không chỉ để cắt tóc cảm thấy có được những phút giây thật thoải mái, để sống và làm như bà Thu nói “hãy hôn thật chậm, cười thật tươi, tha thứ thật nhanh nhé…”.
Mời quý độc giả xem video Biệt thự cổ (nguồn Youtube):
Theo Cảnh Sát Toàn Cầu