“Tàn cảnh vàng son”
Ít năm trước, chúng tôi may mắn được gặp ông Trần Trinh Đức (vừa qua đời ngày 18/6/2022), con trai thứ của người được mệnh danh là Công tử Bạc Liêu - Trần Trinh Huy tại quê hương của ông. Ngày ấy, ông Đức vẫn toát lên phong thái lịch thiệp một cách cổ điển.
Chẳng phải do ông cố tỏ ra như vậy. Nó là cái gen của dòng dõi hào hoa, tài tử nên khiến ông chiếm ngay được cảm tình của mọi người từ lần gặp mặt đầu tiên.
Lần gặp gỡ ấy, ông không kể nhiều về những thăng trầm của cuộc đời mình. Ông tóm tắt cuộc đời mình bằng câu “tôi sinh ra khi gia đình đã tàn cảnh vàng son”.
Sau câu nói ấy, ông lặng thinh. Ông kiếm tìm một chút lắng đọng để có thể nói ra một cách chân thực nhất về nỗi trăn trở suốt bấy lâu của mình. Ông khát khao được gạn lọc, nhặt những hạt sạn trong nhiều giai thoại về cha của mình, Công tử Bạc Liêu.
Ông tâm sự: “Tôi được hỏi nhiều về ba. Tôi cũng đọc nhiều tài liệu về ông ấy. Thế nhưng, điều tôi thấy nhiều nhất và khiến tôi buồn nhất là mọi người nghĩ, hiểu về ba tôi sai quá”.
“Thậm chí có những tài liệu, phim ảnh thông tin chưa chính xác khiến người đời hiểu lầm về nhân cách ba tôi, làm ảnh hưởng đến cả dòng họ của tôi. Tôi rất buồn và hy vọng có thể gạn lọc, loại bỏ những cái chưa đúng, chưa chính xác này”, ông trăn trở.
Những năm còn sống, mỗi khi ai đó gặp và biết ông là con trai Công tử Bạc Liêu họ đều cố hỏi ông về chuyện “Công tử Bạc Liêu đốt tiền nấu trứng, nấu chè, về những mối tình đã đi vào huyền thoại của vị công tử giàu nhất xứ Nam Kỳ lục tỉnh...
Trước khi tìm được câu trả lời từ ông, trong tâm trí những người ấy, Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy là người hào hoa phóng túng, chỉ biết chơi ngông... Thậm chí một bộ phận người dân có những nhìn nhận không mấy khách quan, thiếu thiện cảm về con người nổi tiếng này.
Ông Đức kể: “Ai cũng nghĩ ba tôi chơi ngông, thích phô trương thanh thế đến bất chấp và xem thường đồng tiền trong khi thời điểm đó, người dân đang đói khổ. Ví dụ như chuyện ba tôi mua máy bay. Lúc đó, người đời chê bai ba tôi dữ lắm”.
“Thời điểm đó, ông là người Việt Nam thứ 2 mua được máy bay sau vua Bảo Đại. Thế là người ta nói ông chơi ngông, thích phô trương thanh thế, tự cho mình ngang hàng vua chúa. Nhưng thực tế không phải như vậy”, ông kể thêm.
Ông Đức giải thích việc Công tử Bạc Liêu quyết định mua máy bay là cả một sự tiến bộ. Đó là cách áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất nông nghiệp chứ không phải ông đang chơi ngông.
Ngoài việc mua máy bay để đi thăm những ruộng lúa, ruộng muối bạt ngàn, Công tử Bạc Liêu còn sử dụng phương tiện này vào việc phun thuốc trừ sâu cho lúa. Ông học tập cách làm tiết kiệm sức lao động, không gây nguy hại cho sức khỏe tá điền này từ phương Tây.
Dẫu vậy, có lẽ việc làm ấy còn quá mới mẻ so với thời đại lúc bấy giờ. Thế nên ông bị cho là kẻ chơi ngông, chơi trội, thích ném tiền qua cửa sổ.
Dở dang ước vọng một đời…
Ông Đức nói thêm: “Thời điểm cả nước kháng chiến chống Pháp, gia đình tôi nói chung và ba tôi nói riêng không hề tham gia vào bất kỳ một hoạt động chính trị bất lợi nào cho cách mạng”.
“Hơn thế năm 1947, hưởng ứng lời kêu gọi của Bí thư Tỉnh Ủy tỉnh Bạc Liêu, ông Hai Sớm, bí danh Trần Văn Phong, ba tôi còn tham gia giúp đỡ cách mạng bằng thóc gạo và thuốc men”, ông nói thêm.
Tuy vậy, những thông tin này ít được người đời nhắc đến. Điều khiến vị công tử giàu nhất xứ Nam kỳ lúc bấy giờ nổi tiếng hơn cả là giai thoại đốt tiền nấu trứng, nấu chè “để giành gái” với Bạch công tử Lê Công Phước.
Một thời, giai thoại này cũng được chính người nhà Hắc công tử Trần Trinh Huy bàn tán. Cho đến bây giờ, dân gian vẫn truyền miệng 2 câu thơ: “Nghe danh Công Tử Bạc Liêu; Ðốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu!” để nhắc nhớ về giai thoại này.
Thế nhưng ông Đức khẳng định, đây là chuyện thêu dệt của người đời, hoàn toàn không có chuyện Công tử Bạc Liêu đốt tiền theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Ông Đức kể: “Trước đây, khi giai thoại này bắt đầu xuất hiện, người ta đồn đại nhiều lắm. Cả người trong nhà tôi cũng bàn tán. Thậm chí có người thân cận với ba còn bạo gan hỏi ông về chuyện này. Song, ba tôi đều gạt đi và nói đó là chuyện ngồi lê đôi mách của thiên hạ”.
“Lúc bấy giờ, ông nội tôi, Hội đồng Trạch quản lý gia sản rất chặt. Do vậy, mặc dù ba tôi có thể tiêu bạc trăm bạc ngàn nhưng cũng không dám đem tiền ra đốt tiền như vậy. Đặc biệt với một con người chịu ảnh hưởng rất mạnh của văn hóa phương Tây, ba tôi sẽ không chứng minh bản lĩnh bằng hạ sách đó”, ông nói thêm.
Ông Đức cũng quả quyết chưa bao giờ nghe cha mình cũng như gia đình thông tin về việc này. Thế nên, ông cho rằng, giai thoại trên “chỉ là những lời đồn đại, thêm thắt của dân gian” mà thôi.
Ngày còn sống, khi làm hướng dẫn viên du lịch, bán sách viết về cha mình tại Dinh thự Công tử Bạc Liêu, ông Đức cố gắng thông tin lại những giai thoại chưa đúng về nhân vật nổi tiếng này. Mỗi khi ai đó lắng nghe, đồng cảm với những lý giải của mình, ông đều nở nụ cười rất tươi.
Những lúc như thế, cơ mặt ông giãn ra, để lộ sự thỏa mãn, tự hào. Ông từng nói, ông hối tiếc vì không đủ sức viết sách, gửi gắm vào đó những trăn trở, nỗi niềm của mình.
Thế nên, điều ông có thể làm là phô tô cuốn sách viết về Công tử Bạc Liêu với nội dung ông cho rằng khá chính xác và đầy đủ hơn cả. Ông gửi tặng sách này cho bạn bè hoặc bán cho người cần.
Hơn cả mục đích mưu sinh, việc làm này giúp ông với bớt nỗi đau chưa tìm ra cách tốt nhất để thông tin lại chính xác các giai thoại về người cha của mình. Tuy vậy, những cố gắng của ông đến bây giờ vẫn còn dang dở. Và có lẽ, khi giã từ cõi đời, ông cũng mang những dang dở ấy theo mình về miền xa.