Con tên ‘Phan Hết Gas Hết Số’ người cha lý giải nguyên nhân bất ngờ

Google News

Người cha muốn đặt tên cho con là “Phan Hết Gas Hết Số”, chính quyền xã khuyến khích anh nên đặt một cái tên khác.

Vừa qua, cộng đồng mạng đã lan truyền rộng rãi tên gọi “Phan Hết Gas Hết Số” của một cháu bé tám tháng tuổi.
Trao đổi với chúng tôi, anh Phan Quốc Huy (ngụ xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân, An Giang), cha của cậu bé có tên khá lạ này, chia sẻ tên của con trai được đặt theo chủ ý của anh. Vì có niềm đam mê tốc độ, anh Huy đặt tên cho con từ những kỷ niệm nhớ khi chạy xe.
Tuy cái tên nghe lạ tai và khiến nhiều người bật cười nhưng theo anh Huy, anh mong muốn qua cái tên, con anh khi lớn lên sẽ mạnh mẽ, quyết đoán trong cuộc sống.
“Tôi mong con tôi khi lớn sẽ là người đàn ông mạnh mẽ, làm việc gì cũng tới nơi tới chốn, dù có bị vấp ngã thì con tôi cũng phải kiên cường đứng dậy” - anh Huy bày tỏ.
Anh Huy cho biết thêm trước khi tên con được ghi vào giấy khai sinh, anh đã phải giải thích rất nhiều lần với người thân về ý nghĩa tên gọi. Dần dần người thân của anh Huy đã chấp nhận cho con anh mang tên đặc biệt này.
“Khi con tôi lớn, tôi sẽ giải thích cho con về ý nghĩa của cái tên. Tôi mong con tôi hiểu và sống vui vẻ, hạnh phúc với tên của mình” - anh Huy nói.
Con ten ‘Phan Het Gas Het So’ nguoi cha ly giai nguyen nhan bat ngo
 
Trao đổi cùng PV Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Anh Trung, Chủ tịch xã Bình Thạnh Đông, cho biết trên địa bàn xã thật sự có một bé trai vừa sinh được tám tháng mang tên “Phan Hết Gas Hết Số”.
Tuy nhiên, bé trai vẫn chưa được làm giấy khai sinh do đến thời điểm hiện tại, người cha chưa đủ tuổi để được đăng ký kết hôn dù đã chung sống với mẹ đứa bé trước đó.
Ông Trung nói thêm, trên giấy tờ chứng sinh được cơ sở y tế cấp cho bé cũng không ghi tên trẻ. Tên “Phan Hết Gas Hết Số” được người thân của bé tự ghi vào giấy chứng sinh. Khi phát hiện hai luồng chữ khác nhau trong giấy chứng sinh, phía chính quyền địa phương đã gặp gỡ gia đình bé để tìm hiểu nguyên nhân và nhiều lần giải thích các quy định pháp luật về hộ tịch để gia đình bé hiểu và tìm một cái tên khác vừa đẹp vừa phù hợp pháp lý cho đứa bé.
“Đặt tên con là quyền của cha mẹ nhưng cũng phải theo quy định của pháp luật. UBND xã đang cố gắng vận động người thân của bé lựa chọn một tên khác phù hợp hơn cho đứa con” - ông Trung nói.
Những cái tên độc lạ
“Mai Phạt Sáu Ngàn Rưỡi”, đây là họ tên đầy đủ của một người đàn ông sinh năm 1987, trú thôn Quảng Đại, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, Quảng Nam.
Ông Mai Xuân Cán, cha của người đàn ông trên, cho biết sau khi đất nước thống nhất, ông lấy vợ là bà Đỗ Thị Vân. Cưới nhau được tám năm, hai vợ chồng ông Cán sinh bốn người con, gồm hai gái, hai trai.
Năm 1984, chương trình sinh đẻ có kế hoạch được phát động rộng rãi trên cả nước. Vợ chồng ông đã được vận động tham gia kế hoạch hóa gia đình bằng phương pháp đặt vòng.
Tuy nhiên, dù đã thực hiện kế hoạch nhưng vợ ông Cán vẫn tiếp tục mang thai và sinh thêm con. Ông Cán đã bị UBND xã buộc phải nộp phạt sáu ngàn rưỡi mới cho đăng ký khai sinh vì sinh con vượt kế hoạch, số tiền không nhỏ vào thời điểm đó. Vì vậy, ông Cán đã lấy chính số tiền nộp phạt đặt tên cho con.
Ba chị em mang tên cực dài: Gia đình ông Lê Văn Bốn và bà Nguyễn Thị Tư (ngụ xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM) nổi tiếng với việc đặt tên dài cho ba người con. Cụ thể, người chị đầu có tên là “Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhàn”, tên dài đến 30 chữ cái. Người chị kế có tên “Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Linh Phượng”, tên dài đến 33 chữ cái và người con út tên “Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân”.
Nhắc đến tên ba chị em Nhân, những người hàng xóm thân thiết lại bật cười, cho biết chỉ nhớ nổi họ và tên, không thể nhớ nổi tên đầy đủ của ba chị em này.
Đặt tên con sao mới đúng luật?
Luật sư Trịnh Ngọc Hoàn Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: Khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015 quy định họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong tờ khai đăng ký khai sinh.
Còn theo khoản 3 Điều 26 Bộ luật Dân sự 2015, việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.
Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.
Trong tên mà gia đình dự định đặt cho cháu bé “Phan Hết Gas Hết Số” là không đáp ứng quy định đặt tên của pháp luật, bởi từ Gas không phải tiếng Việt và cũng không phải tiếng dân tộc khác của Việt Nam. Việc chính quyền xã vận động gia đình đặt tên khác cho con là đúng.
Theo Trúc Phương/Plo