Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng

Google News

Trước diễn biến phức tạp của loại tội phạm trên không gian mạng, Công an TP Hà Nội đã cảnh báo 24 thủ đoạn mà tội phạm công nghệ cao sử dụng.

Thời gian gần đây, tình hình tội phạm công nghệ cao ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng với nhiều chiêu thức tinh vi nhằm qua mắt người dân. 
Cong an Ha Noi canh bao 24 thu doan lua dao tren khong gian mang
Cơ quan công an liên tục tuyên truyền, khuyến cáo, nhưng vẫn có không ít người dân bị “sập bẫy” lừa đảo (Ảnh: hanoi.gov.vn). 
Trước diễn biến phức tạp của loại tội phạm trên, Công an TP Hà Nội đã liệt kê 24 thủ đoạn mà tội phạm công nghệ cao sử dụng nhằm cảnh báo đến người dân để nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa, cụ thể như sau:
1- Giả danh cán bộ cơ quan nhà nước yêu cầu kê khai thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài sản qua việc chiếm quyền sử dụng thiết bị, tài khoản ngân hàng.
2- Mời người dân tham gia các hội, nhóm hẹn hò rồi yêu cầu họ mua các gói dịch vụ và chuyển tiền cho đối tượng.
3- Đánh cắp tài khoản mạng xã hội và sử dụng mạo danh để yêu cầu chuyển tiền.
4- Giả danh nhân viên các sàn thương mại điện tử để chiếm đoạt tiền của người mua hàng.
5- Lập công ty, website giả để giới thiệu và lừa đảo người tham gia đầu tư tiền.
6- Lừa đảo thông qua việc tuyển dụng online.
7- Mạo danh nhân viên nhà mạng để yêu cầu thông tin cá nhân và chiếm quyền kiểm soát SIM.
8- Giả danh người nước ngoài trên mạng xã hội để yêu cầu chuyển quà và tiền.
9- Lừa đảo thông qua cuộc gọi video call giả là người thân cần tiền gấp.
10- Giả là nhân viên ngân hàng để lừa đảo thông tin cá nhân và mã OTP.
11- Tạo ra các ứng dụng, website cho vay tiền để lừa đảo người cần vay.
12- Lập các trang mạng xã hội giả để yêu cầu chuyển tiền trợ giúp.
13- Mạo danh các tổ chức kinh doanh để lừa đảo thông tin giao dịch qua email.
14- Giả mạo người mua hàng trên mạng xã hội để chiếm đoạt thông tin tài khoản ngân hàng.
15- Giả mạo nhân viên thẻ tín dụng để chiếm đoạt thông tin thẻ và mã OTP.
16- Giả mạo các cơ quan chính phủ để yêu cầu chuyển tiền với lý do giả mạo.
17- Bán hàng giả trên mạng xã hội và yêu cầu người mua chuyển tiền trước.
18- Lập các fanpage giả để quảng cáo hàng giả.
19- Giả lập trạm BTS để yêu cầu nhập thông tin cá nhân.
20- Giả mạo chương trình quay thưởng để yêu cầu thông tin cá nhân.
21- Lập các group giả dạy học để lừa đảo phụ huynh.
22- Quảng cáo các chương trình trại hè giả để lừa đảo chiếm đoạt.
23- Mạo danh giáo viên hoặc nhân viên y tế để yêu cầu chuyển tiền cho "tai nạn".
24- Gọi điện cho phụ huynh thông báo về việc nợ tiền hàng hóa và yêu cầu chuyển tiền.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của loại tội phạm này, để nâng cao hiệu quả của công tác phòng ngừa xã hội, Công an TP Hà Nội đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phối hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để tăng cường triển khai các biện pháp, hình thức tuyên truyền.
Cụ thể, gửi tin nhắn SMS đến người dân đang cư trú trên địa bàn TP Hà Nội để cảnh báo, nội dung: “Công an TP Hà Nội cảnh báo: Hiện nay, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang diễn biến phức tạp. Đề nghị người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không làm việc với cá nhân, tổ chức nào qua điện thoại, không tải các đường link, phần mềm giả mạo cơ quan, Ngân hàng để nhập thông tin cá nhân, số CCCD, số tài khoản ngân hàng, mã OTP. Các cơ quan chức năng điều tra, xác minh, xử lý tội phạm đều được tiến hành trực tiếp, không thông qua điện thoại, mạng xã hội gửi thông báo, tin nhắn yêu cầu đến người dân. Khi phát hiện thông tin nghi vấn thì trình báo ngay với Cơ quan công an nơi gần nhất để được giải quyết”
Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, người dân cũng cần chủ động đề cao tinh thần cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng, tránh sập bẫy lừa đảo của kẻ xấu.
Mời độc giả xem video Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa bị mạo danh để lừa đảo:
 

Bình Nguyên (t/h)