Như đã trình bày ở kỳ trước, nhờ những buổi tụng kinh giải nghiệp huyền bí, mà cả trăm trường hợp bị gắn với lời đồn “oan gia trái chủ” đã buông xuôi được với những đau khổ của cuộc đời, ra đi một cách thanh thản, nhẹ nhõm.
Chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh việc tụng kinh giải nghiệp sẽ khiến người trọng bệnh ra đi sớm, nhưng sự thực đã có cả trăm ví dụ mà ông Nguyễn Văn K., người chủ trì các cuộc tụng kinh giải nghiệp ở địa bàn hai huyện Kinh Môn và Kim Thành (Hải Dương) kể cho tôi nghe.
Tin hay không là quyền của mỗi người, nhưng hiện tại, người dân, nhất là những người đang từng ngày đau xót nhìn người thân rên la quằn quại trên giường mà không chết được, coi Ban cầu siêu kỳ lạ, chuyên giải “oan gia trái chủ” là chỗ dựa lớn về mặt tinh thần.
Các cuộc tụng kinh giải nghiệp có giúp người bệnh ra đi sớm được hay không, không phải điều quan trọng nhất, mà điều họ quan tâm hơn cả, là giúp người bệnh được thanh thản tâm hồn, coi chuyện chết chóc không phải là điều ghê gớm.
Ma đói hành hạ
Sau mấy tháng trời kiên trì gặp gỡ ông Nguyễn Văn K. để thuyết phục, xin được tận mắt chứng kiến một buổi tụng kinh giải nghiệp dành cho người gắn với lời đồn “oan gia trái chủ”, tôi mới được ông K. đồng ý. Công việc này hết sức nhạy cảm, dễ bị người đời hiểu sai, nên ông K. cẩn thận lắm. Xưa nay, người ta chỉ coi cứu người là nhân đạo, chứ có ai coi việc làm cho người khác chết sớm là nhân đạo đâu. Vậy nên, tôi phải hứa rằng không tiết lộ tên của những người trong Ban cầu siêu, ngôi chùa, sư cô trụ trì và đặc biệt là những gia đình mời Ban cầu siêu làm lễ tụng kinh giải nghiệp cho người thân của họ.
Tôi cũng không được phép chụp ảnh cuộc tụng kinh giải nghiệp, bởi lúc tụng kinh, phải tĩnh lặng, tập trung tuyệt đối. Tiếng máy ảnh, ánh đèn flast làm mọi người phân tâm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến buổi hành lễ. Ông K. chỉ đồng ý cho tôi dùng máy điện thoại để ghi lại hình ảnh.
Sau khi ông K. nhận lời, thì vài hôm sau ông gọi điện thông báo: 2 giờ chiều ngày tới, sẽ có cuộc tụng kinh giải nghiệp ở thị trấn Kinh Môn. Người được Ban cầu siêu làm lễ tụng kinh là cụ ông Vũ Văn S., 79 tuổi. Tôi sẽ trong vai Phật tử của ngôi chùa T., là thành viên của Ban cầu siêu, mặc áo nâu sồng và tham gia buổi tụng kinh giải nghiệp.
1 giờ chiều, tôi có mặt ở nhà ông Nguyễn Văn K. Theo lịch thì đúng 1 giờ 30 phút, mọi người sẽ tập trung ở nhà cụ S. để chuẩn bị mọi thứ, phân công công việc và bắt đầu làm lễ vào 2 giờ. Trước đó, tôi đã được ông K. kể kỹ lưỡng về cuộc đời đầy đau đớn, bất hạnh của cụ S.
Cụ Vũ Văn S. là người hiền lành, đức độ. Cụ sinh được 7 người con, gồm 2 trai, 5 gái. Con cái của cụ đều thành đạt, người làm giám đốc doanh nghiệp tư nhân, người làm cán bộ ở huyện, tỉnh, người buôn bán ở chợ. Vợ chồng cụ S. ở với người con trai út.
|
Sư cô và các Phật tử trong buổi lễ tụng kinh giải "oan gia trái chủ" cho cụ S. |
Cụ S. từng là bộ đội chống Pháp, rồi chống Mỹ. Cách đây 15 năm, dù đã gần 70 tuổi, nhưng chịu khó tập luyện thể thao, nên cụ rất khỏe mạnh, vâm váp. Thế nhưng, một ngày, người con trai chở cụ đi đền Cao (An Sinh, Kinh Môn, Hải Dương) bằng xe máy, đã lao mạnh vào ổ gà. Tuy chiếc xe chở cụ không đổ, nhưng cú xóc mạnh đã làm chùn xương sống, khiến cụ đi lại khó khăn.
Con cái đòi đưa cụ đi bệnh viện chiếu chụp, nhưng cụ bảo không sao, chỉ bị bong gân, nhất quyết không đi bệnh viện. Khi nào đau quá, thì cụ gọi ông lang hàng xóm xoa bóp, bó bằng lá.
Tuy nhiên, một ngày, sáng dậy không trở nổi mình, cụ mới gọi con. Các con đưa cụ đi bệnh viện. Sau khi chiếu chụp, bác sĩ kết luận đốt sống bị lún, chèn ép tủy và dây thần kinh cột sống, gây nhiễm trùng. Bệnh viện đã điều trị tích cực bằng thuốc men và các phương pháp vật lý. Tuy nhiên, không hiểu sao bệnh của cụ càng trầm trọng thêm và chỉ một năm sau thì cụ nằm bẹp hẳn.
Cách đây 5 năm, cụ bà bỗng mắc trọng bệnh, rồi ra đi trước chồng. Từ đó, con cái thay nhau phân công, trông nom, chăm sóc cụ S. rất tận tình. Mặc dù nằm yên một chỗ, thân thể tiều tụy, chỉ còn da bọc xương, nhưng cụ S. vẫn rất minh mẫn, trò chuyện, chỉ đạo con cái đâu ra đấy.
Thế nhưng, 2 năm nay, cụ S. mất trí dần, rồi sống đời thực vật. Điều lạ là cụ không giữ được bản lĩnh như ngày xưa nữa. Cụ rất hay khóc. Đêm nào cũng vậy, cứ qua 12 giờ, cụ lại khóc rống lên. Buồn đi tiểu, đại tiện, cụ khóc. Đói bụng, cụ khóc. Không thấy bóng dáng ai bên cạnh cụ cũng khóc. Nhiều khi chẳng có nguyên nhân gì cụ cũng khóc rất lớn, khiến con cháu bối rối, không hiểu vì sao.
Có một chuyện lạ lùng, là dù chỉ còn da bọc xương, nặng chừng 30kg, răng rụng sạch sẽ, song cụ S. lại ăn rất khỏe. Mỗi bữa cụ ăn được 2 bát tô cơm, tính ra bằng 4-5 bát con. Thịt, rau dù dai thế nào, cơm khô, cơm sống cụ cũng ăn được hết. Con cái cứ xúc cơm đổ vào miệng, cụ chẳng thèm nhai, mà nuốt chửng luôn. Điều lạ là cụ ăn nhanh như chớp mà không bao giờ bị nghẹn.
Nhiều khi, con cái không dám cho cụ ăn nhiều, sợ cụ nghẹn, nhưng ăn chưa đủ là cụ khóc lóc đòi ăn tiếp, rất thương tâm. Có lần, gia đình thử cho cụ ăn chán chê, cụ ăn hết 4 bát tô cơm, mà vẫn chưa ngậm miệng ra hiệu từ chối. Mọi người sợ quá, không dám cho cụ ăn tiếp.
Tôi đem chuyện này thắc mắc với các bác sĩ chuyên về đường tiêu hóa thì được biết, sở dĩ cụ S. sống được đến ngày hôm nay, dù nằm liệt 15 năm trời, là bởi hệ tiêu hóa của cụ quá tốt. Với người nằm liệt, nếu hệ tiêu hóa kém, thì sẽ chết rất nhanh. Nhưng người có hệ tiêu hóa tốt thì họ sẽ vẫn sống thực vật trong nhiều năm trời.
Thấy mỗi ngày cụ S. lại có biểu hiện lạ, gia đình đã bàn bạc và quyết định đi… xem bói. Họ đã gặp mấy thầy bói và thầy nào cũng khẳng định cụ S. đã… chết rồi! Cụ chỉ còn thân xác, chứ linh hồn là một con “ma đói” chiếm giữ. Vì nó là con “ma đói”, nên mới ăn khỏe như thế. Theo lý giải kiểu mê tín dị đoan, thì “vong ma đói” đã quay về “báo oán” cụ S.
Các thầy bói cũng khuyên gia đình nên mời các Phật tử đến cầu siêu cho cụ. Những tiếng tụng kinh sẽ có tha lực rất mạnh đẩy con ma đói ra ngoài và như thế cụ mới ra đi thanh thản, nhẹ nhàng được. Nghe lời thầy bói một phần, nhưng phần khác, con cháu cũng muốn cha, ông được ra đi thanh thản, chứ sống thế này thì khổ quá. Con cháu khổ một, thì ông khổ mười.
Buổi tụng kinh huyền bí
Tôi đèo ông Nguyễn Văn K. đến nhà cụ S. Con cháu trực hệ của cụ đã tụ tập đông đủ. Cụ S. nằm còng queo trên giường, trong một căn phòng nhỏ ở tầng trệt của ngôi nhà 4 tầng khá khang trang. Người con út đã dành riêng một phòng cho cụ. Căn phòng này có cả nhà vệ sinh hẳn hoi, bồn tắm được thiết kế riêng cho người nằm liệt, rồi giường nằm cho người trông nom. Sự chăm sóc trường kỳ cho cha của những người con thật đáng nể, không phải ai cũng làm được như thế.
Chiếc bàn thờ tương đối đơn giản đã được gia chủ chuẩn bị sẵn, với kẹo bánh, hoa quả, 3 chén rượu, 9 ngọn nến, một thẻ hương. Bàn thờ lập ngay đầu giường, nơi cụ ông Vũ Văn S. đang nằm rên rỉ, kêu khóc.
Ông Nguyễn Văn K. lấy tấm ảnh Phật Tổ Như Lai với hào quang tỏa ra hồng rực đặt lên chỗ trang trọng nhất của bàn thờ. Ông kêu gia chủ kiếm thêm chiếc bàn nhựa, lấy khăn sạch lau kỹ, không còn hạt bụi, vết bẩn nào, đặt phía trước bàn thờ, rồi xếp chồng kinh sách, gồm mấy chục cuốn lên chiếc bàn đó.
Xong việc đâu đấy, ông đi dạo một vòng quanh nhà. Thấy nhà nuôi chó, ông sai gia chủ xích chó vào gốc cây ở góc vườn, cách xa nhà tới 30 mét. Ông cũng dặn dò gia chủ để ý, trong lúc tụng kinh, nếu xuất hiện mèo, thì phải đuổi đi ngay. Có lẽ, bài học từ những buổi tụng kinh hộ niệm cho một cụ ông đã khiến ông K. thận trọng.
Như đã nói ở kỳ trước, có một cụ nằm liệt đã lâu và Ban cầu siêu đã tiến hành tụng kinh suốt mấy tháng trời, song cụ không ra đi được chỉ vì có con mèo cứ mò đến bên cụ trong mỗi buổi tụng kinh. Theo những người trong Phật giáo, thì đó là điềm dữ, là “oan gia trái chủ” tấn công, khiến người bệnh thất điên bát đảo, không tìm được đường siêu thoát.
Trong khi ông K. chuẩn bị mọi việc, thì các Phật tử rải rác đến, tụ tập đông dần ở phòng khách. Đủ cả Phật tử nữ lẫn nam, già lẫn trẻ. Có người đeo tràng hạt, nhìn là biết ăn chay niệm Phật ở chùa, có người là đàn ông, tướng đạo mạo, không có biểu hiện gì là người mê tín dị đoan, mấy chị mới độ ngoài 30 tuổi, ăn mặc sang trọng, son phấn hợp thời, tóc nhuộm đỏ cháy.
Sau này, tôi thắc mắc, thì ông K. kể rằng, việc tụng kinh giải nghiệp là việc làm phúc đức, gieo nhân và gặt thiện, nên không kể giàu nghèo, già trẻ, hễ là Phật tử, có tín tâm, lòng dạ tốt, thì đều có thể tham gia Ban cầu siêu. Có người hiện đang là cán bộ Nhà nước, có người làm ăn buôn bán. Thế nhưng, hễ có cuộc tụng kinh giải nghiệp, chỉ cần gọi điện thông báo, là họ có mặt.
Hiện Ban cầu siêu chùa T. có gần 100 Phật tử làm công việc này, nên khi huy động, ít nhất cũng được vài chục người tham gia. Nếu có nhiều gia đình nhờ vả một lúc, thì Ban cầu siêu sẽ chia thành nhiều nhóm, do một người chỉ đạo thực hiện. Các Phật tử được gia chủ đón tiếp chu đáo, long trọng. Họ ngồi nói chuyện rì rầm. Tôi dỏng tai nghe thì thấy mọi câu chuyện của họ đều xoay quanh những sự linh ứng kỳ lạ, tức là những người được tụng kinh giải nghiệp đã ra đi nhẹ nhàng, thanh thản. Một số Phật tử tưởng tôi là con cháu nhà cụ S. nên sai vặt lung tung, còn gia đình cụ S. thì lại nghĩ tôi là người của Ban cầu siêu nên tiếp đãi rất chu đáo.
Đúng 2 giờ kém 5 phút, chiếc ô tô 4 chỗ đỗ xịch trước cổng. Sư cô mà tôi gặp ở chùa T. bước xuống xe. Các Phật tử cùng gia đình chạy ra đón, ai nấy tay chắp trước ngực, cúi đầu kêu “bạch thầy”. Sư cô cũng lễ phép chào lại. Gia chủ vây quanh, sư cô dặn dò kỹ lưỡng gia chủ rằng, từ sau buổi tụng kinh giải nghiệp, cho đến khi cụ S. qua đời, gia chủ không được sát sinh (giết gà, mổ lợn…), ăn chay được càng nhiều thì càng tốt, không thì ít nhất một tuần nên có một bữa ăn chay.
Dặn dò gia chủ xong, sư cô lấy tấm bùa màu đỏ in những hình thù khó hiểu ra, hỏi họ tên, tuổi, địa chỉ quê quán của cụ S., rồi lấy bút lông viết vào tấm bùa bằng chữ Hán. Trong quá trình sư cô chuẩn bị, các Phật tử lôi áo nâu sồng mang theo ra mặc, rồi xắp xếp chỗ ngồi.
Sư cô đứng bên cụ S. quan sát một lượt, thì thầm vài câu với cụ, rồi kéo chiếc ghế nhựa ngồi trước ban thờ mới dựng ngay đầu giường nơi cụ S nằm. Sư cô mở tấm bùa đọc rì rầm vài câu, rồi gấp lại, đặt lên bàn thờ. Các Phật tử ngồi dưới chiếu, vây quanh giường cụ S., tràn cả ra ngoài phòng khách. Con cháu ngồi hàng sau cùng ở phòng ngoài.
Sư cô phát cho mỗi người một cuốn kinh. Những cuốn kinh đã được gấp trang, để mọi người biết sẽ tụng những bài kinh nào. Đúng lúc đấy, cụ S. bỗng khóc rống lên. Tiếng khóc của cụ thê lương, nghe thật sợ hãi.
Tiếng mõ vang lên, tiếng đọc kinh của sư cô thánh thót, cùng với tiếng đọc kinh đều đều, vang vọng, lúc trầm, lúc bổng của mấy chục Phật tử. Chỉ có tiếng kinh vang lên giữa thinh không trong trẻo.
Kỳ lạ thay, khi tiếng kinh vang lên, thì cụ S. nằm im như pho tượng đặt trên giường, mắt cụ lim dim, cặp môi hơi mấp máy. Chẳng rõ có phải cụ cũng đang tập trung niệm theo mọi người hay không. Tôi cũng hòa mình cùng với các Phật tử, giở cuốn Kinh rồi tâm trạng bị cuốn vào Tâm Kinh Bát Nhã Ba-la-mật-đa: “Này ông Xá Lợi Tử! Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc, thụ, tưởng, hành, thức cũng đều như thế. Này ông Xá Lợi Tử! Tướng không của mọi pháp không sinh, không diệt, không nhơ, không sạch, không thêm, không bớt, cho nên trong chân không, không có sắc, không có thụ, tưởng, hành, thức, không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, không có nhãn giới, cho đến không có ý – thức – giới, không có vô – minh, cũng không có cái hết vô – minh, cho cả cái già, chết cũng không có cái hết già, chết không có khổ, tập, diệt, đạo, không có trí – tuệ, cũng không có chứng đắc, vì không chỗ chứng đắc…”.
Càng đọc, tôi càng có cảm giác bị cuốn vào những triết lý vô thường của nhà Phật, rồi thấy mọi thứ như hư không, đầu óc trống rỗng hoàn toàn.
Tâm trí, cảm xúc đang như tan chảy, bỗng tiếng tụng im bặt. Tiếng mõ vang lên cốc cốc. Các Phật tử vái lạy. Lúc này, tôi chợt choàng tỉnh. Sư cô lấy tập bùa đặt trên bàn thờ bảo tôi đem ra giữa sân, chỗ sạch sẽ để đốt. Tôi vừa đốt xong những lá bùa và tập giấy vàng thì cũng là lúc cuộc tụng kinh giải nghiệp hoàn thành. Chiếc xe con đỗ ở ngay cổng đã nổ máy, gia đình cùng các Phật tử tiễn chân sư cô đầy lưu luyến.
Về cõi siêu sinh
Ngay sau ngày tụng kinh giải nghiệp cho cụ S., ông K. được phân công việc đi lại với gia đình để xem xét sự chuyển biến của cụ. Mỗi ngày ông ngồi bên cụ độ chục phút, kể những câu chuyện về Phật, rồi truyền những lời răn của nhà Phật đến tai cụ. Với người bệnh trọng nào cũng vậy, ông K. đều khuyên họ mau buông xả, đừng chấp, đừng chê, đừng luyến lưu, tham sân si làm gì nữa. Chỉ có mạnh dạn buông bỏ tất cả mới tìm được vãng sanh để về với Phật.
Ngay sau buổi tụng kinh giải nghiệp đầy huyến bí ấy, tôi về ngay Hà Nội. Ngày nào tôi cũng điện thoại cho ông K. và người thân trong gia đình cụ S. để nắm được tình hình sức khỏe của cụ. Kỳ lạ thay, sau buổi tụng kinh giải nghiệp ấy, cụ không bao giờ khóc lóc, gào thét nữa. Bình thường, mỗi khi mỏi lưng, vai, đói, buồn tiểu tiện, hoặc chẳng có lý do gì, cụ S. cũng khóc rống lên. Thậm chí, đang đêm, cụ cũng gào khóc rất lớn, tiếng khóc nghe ma quái, khiến cả xóm ghê sợ, mất ngủ. Lạ nhất là việc cụ từ chối ăn cơm, các món mặn cũng lắc đầu.
Trước hôm tụng kinh giải nghiệp, cụ có thể nuốt 3-4 bát tô cơm đầy, thậm chí nuốt cả xương gà mà không cần nhai, cũng chẳng biết no là gì. Nhưng sau buổi tụng kinh giải nghiệp, mỗi bữa cụ chỉ húp bát con cháo loãng. Ăn xong, cụ lại nhắm nghiền mắt ngủ ngon lành. Ai cũng tin, con ma đói nhập vào hành hạ cụ đã bị những tiếng tụng kinh đầy tha lực đuổi đi.
15 ngày sau lần chứng kiến buổi tụng kinh giải nghiệp cho cụ S. của các Phật tử chùa T., tôi đã nhận được một cuộc điện thoại khiến tôi thấy lạ lùng nhất trong đời làm báo của mình. Ông K. thông báo cụ S. đã ra đi cùng khuôn mặt rất thanh thản sau 15 năm vật vã, đau khổ với bệnh tật. Sau 15 năm sống không ra sống, chết không ra chết, giờ cụ đã nhẹ nhàng về cõi siêu sinh.
Để chứng kiến tận cùng câu chuyện kỳ lạ này, tôi đã bắt xe về Hải Dương. Trước giờ khâm liệm, các Phật tử chùa T. và sư cô đã có mặt. Gạt nước mắt thương đau, con cái, họ hàng ngồi khoanh chân hành lễ, cùng đọc kinh tiễn linh hồn cụ S. về với Phật. Ngay lúc đó, cụ S. đã được coi là con của Phật, đã quy y cửa Phật và có pháp danh hăn hoi.
Cũng trong đêm ấy, mấy Phật tử được phân công tiếp tục theo xe tang xuống tận Đài hóa thân Hoàn Vũ (Hải Phòng) để trợ niệm cho cụ lúc hỏa thiêu. Một chút tro cốt tượng trưng đựng trong hũ sành, để sớm mai con cháu, họ hàng, làng xóm đưa cụ ra đồng.
Theo Phong Nguyệt/VTC News