Tình tiết mới
Vụ án cựu bí thư xã Liên Hà (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) Đỗ Văn Minh giết cháu, đốt xác để trục lợi tiền bảo hiểm dự kiến sẽ được TAND Cấp cao tại TP HCM xét xử theo thủ tục phúc thẩm vào cuối tháng 5.
Mới đây, một tình tiết mới đáng chú ý được cho là có thể làm thay đổi diễn tiến khách quan vụ án được báo chí đăng tải đó là việc người làm công, phật tử ngôi chùa cam kết đã nhìn thấy cựu bí thư xã Đỗ Văn Minh sau lúc nạn nhân Trần Nho Vương tử vong.
Cụ thể, văn bản cam kết "nói sự thật" và "chịu trách nhiệm trước pháp luật" của ông Trần Tuôi (73 tuổi, quê Sóc Trăng), người làm công cho Đỗ Văn Minh, được chính quyền địa phương xác nhận nêu rõ, chiều 3/5/2020 khi đang tưới nước thì Minh chạy ôtô đến, đưa chìa khóa nhờ chuyển cho ông Tiến (người quản lý rẫy), để Minh chở Vương đi bệnh viện.
|
Bị cáo Minh tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: PLO |
Tương tự, bà Bùi Thị Bình (66 tuổi, ngụ xã Đăk Nia) cũng khẳng định lời khai của mình là sự thật. Theo bà Bình, chiều 3/5/2020, khi đang làm công quả tại ngôi chùa gần nơi xảy ra vụ án, bà thấy người đàn ông cao to, có sẹo ở trán (sau này mới biết là Minh) lái xe bán tải đỗ ngoài chùa.
“Ông ta với vẻ hốt hoảng chạy vào nói chuyện với sư thầy Nguyễn Thành Được (thầy Lượng). Lúc người đó vào chùa tôi có ghé nhìn vào ôtô thì thấy có người đàn ông nằm ở ghế sau, tôi nghĩ người đó đang ngủ. Sau khi nói chuyện với thầy Lượng, Minh lái xe đi về hướng đỉnh đồi. Tôi cũng đến dự phiên tòa xét xử Đỗ Văn Minh nhưng không được tòa hỏi gì". Bà Bình cho rằng, hôm đó, chùa đang sửa chữa nên còn có nhiều người khác chứng kiến sự việc liên quan đến ông Minh.
Trong đơn kêu cứu, gia đình ông Đỗ Văn Minh cho rằng, lời khai của Minh và các nhân chứng là logic và phù hợp với nhau về mặt thời gian xảy ra vụ án - tức chiều 3/5/2020 chứ không phải 0h ngày 4/5 như cáo buộc của cơ quan điều tra. Ngoài ra, một số nhân chứng khác cũng cho rằng mất liên lạc với Minh và Vương từ chiều ngày 3/5. Do đó, vụ án cần được thực nghiệm hiện trường, cho các nhân chứng đối chất để làm rõ sự thật khách quan.
Hiện những chứng cứ này được gia đình bị cáo Minh gửi cùng đơn kêu cứu tới TAND Cấp cao tại TP HCM và các cơ quan tố tụng khác và mong muốn vụ án được xem xét lại một cách toàn diện, khách quan để Minh được giảm nhẹ hình phạt.
Ngày 8/1/2021, TAND tỉnh Đắk Nông đã tuyên phạt bị cáo Đỗ Văn Minh (SN 1971, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) mức án tử hình. Minh phạm tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" phải chịu mức án 18 năm tù; Tội "Hủy hoại tài sản" 5 năm tù; Tội "Xâm phạm mồ mả" mức án 4 năm tù. Riêng tội giết người, Minh nhận mức án tử hình.
Có thoát án tử?
Dư luận đặt câu hỏi, việc xuất hiện tình tiết mới cựu bí thư xã Đỗ Văn Minh có thoát án tử?
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, những tình tiết mới của vụ án trên là lời khai của một số người làm chứng cho thấy có thể cựu bí thư xã này không phạm tội giết người mà chỉ là vô ý làm chết người. Bởi vậy, đây sẽ là căn cứ để hủy bản án sơ thẩm điều tra lại, làm rõ về tội danh giết người hay vô ý làm chết người đối với bị cáo này.
Luật sư Cường phân tích, theo HĐXX cấp sơ thẩm, bị cáo Minh gây ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng, rúng động dư luận, thực hiện hành vi giết người tàn độc nhằm trục lợi số tiền bảo hiểm. Bị cáo phạm nhiều tình tiết định khung tăng nặng, phạm nhiều tội, khai quanh co, gian dối... nên phải xử mức án nghiêm để răn đe. Bởi vậy, tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt Minh án tử hình về tội Giết người, 18 năm về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; 5 năm tội Huỷ hoại tài sản; 4 năm tội Xâm phạm mồ mả. Tổng hình phạt, Minh phải chấp hành án tử hình.
Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Minh đã kháng cáo xin giảm hình phạt, tòa án cấp phúc thẩm là TAND Cấp cao tại TP HCM đang xem xét và chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.
Về nguyên tắc, tòa án cấp phúc thẩm sẽ xem xét lại phần bản án đã được xét xử nhưng có kháng cáo hoặc kháng nghị. Tuy nhiên trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu oan sai hoặc có thể có những tình tiết mới có lợi cho bị cáo, tòa án sẽ xem xét ở phạm vi rộng hơn nội dung kháng cáo, kháng nghị.
Thực tiễn cho thấy, nếu tại cấp phúc thẩm mà không có thêm tình tiết gì mới phải không có chứng cứ gì mới, nội dung bào chữa cũng không có gì khác so với phiên tòa sơ thẩm, thông thường tòa án cấp phúc thẩm sẽ giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Còn trường hợp ở cấp phúc thẩm có thêm tài liệu, tình tiết mới hoặc làm rõ các vấn đề mà tòa án cấp sơ thẩm chưa được làm rõ có thay đổi bản chất của vụ án, có thể thay đổi phán quyết của tòa án. Tòa án cấp phúc thẩm có thể sửa bản án sơ thẩm hoặc hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại hoặc điều tra lại.
Trong vụ án này, cựu bí thư xã bị xét xử về nhiều tội danh, trong đó đáng chú ý nhất là tội giết người. Tuy nhiên trong quá trình xét xử vụ án, bị cáo không thừa nhận hành vi giết người mà chỉ thừa nhận hành vi vô ý làm chết người, bị cáo chỉ thừa nhận mình ném chiếc rìu, không may vào đầu nạn nhân và đã đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng nạn nhân tử vong trên đường đi cấp cứu. Từ đó, mới nảy sinh ý định phi tang xác để trục lợi bảo hiểm... thời gian, lộ trình thực hiện hành vi phạm tội theo lời khai của bị cáo cũng khác với nội dung kết luận điều tra.
Đây là vấn đề khiến nhiều người hoài nghi về sự thật của vụ án. Tuy nhiên, với hai người làm chứng mới, lời khai có xác nhận chữ ký và cam đoan khai đúng sự thật cho thấy rất có thể lời khai của cựu bí thư xã này là đúng. Với diễn biến sự việc và thời gian như nội dung lời khai của người làm chứng, rõ ràng thời gian thực hiện hành vi phạm tội không giống như trong nội dung kết luận điều tra, diễn biến sự việc cũng có thể giống như lời khai của bị cáo tại phiên tòa nhưng HĐXX cho rằng quanh co chối tội.
Trường hợp lời khai của bị cáo là đúng, bị cáo ném chiếc rìu để cho đàn chó không sủa nữa, mục đích không phải nhằm tước đoạt tính mạng của nạn nhân nhưng hành vi vô ý gây ra cái chết của nạn nhân. Bởi vậy, với hành vi này, cựu bí thư xã sẽ chỉ có thể bị xử lý về tội vô ý làm chết người theo Điều 128 Bộ luật hình sự năm 2015 với mức hình phạt cao nhất có thể tới 5 năm tù chứ không phải mức án tử hình như tội giết người theo điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015.
Như vậy, trường hợp lời khai của người làm chứng là đúng, lời khai này phù hợp với lời khai của bị cáo và các tài liệu chứng cứ khác, có thể xác định hành vi của cựu bí thư xã này không phạm tội giết người và sẽ không có án tử hình. Tòa án sẽ tổng hợp hình phạt là tù có thời hạn và không quá 30 năm tù.
Về nguyên tắc, tòa án cấp phúc thẩm có thể xem xét xử lý ở tội danh nhẹ hơn, mức hình phạt thấp hơn. Bởi vậy nếu các tình tiết chứng cứ đã được làm rõ ở phiên tòa phúc thẩm thì tòa án cấp phúc thẩm có thể sửa bản án sơ thẩm để chuyển tội danh của bị cáo từ tội giết người sang tội vô ý làm chết người và với mức hình phạt của tội danh này không quá 5 năm tù. Nếu các tội danh khác đều được giữ nguyên thì mức hình phạt của bị cáo sẽ không quá 30 năm tù.
Trường hợp nhiều tình tiết cần phải làm rõ mà không thể giải quyết được tại phiên tòa phúc thẩm, tòa án cấp phúc thẩm sẽ hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, theo hướng đề nghị thay đổi tội danh từ tội giết người sang tội vô ý làm chết người. Trong trường hợp bản án bị hủy bỏ cũng sẽ phải xem xét trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng trong việc thu thập và đánh giá chứng cứ.
Đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến mạng sống của con người, liên quan đến tính đúng đắn của pháp luật và đảm bảo nguyên tắc công bằng, đảm bảo Công Lý được thực thi.
Bởi vậy tòa án cấp phúc thẩm sẽ triệu tập bằng được người làm chứng đến phiên tòa, làm rõ lời khai của họ và các tình tiết chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án để xác định sự thật. Trường hợp lời khai của bị cáo và người làm chứng là đúng sự thật thì khả năng hủy bạn án sơ thẩm là không tránh khỏi. Vấn đề này tòa án cấp phúc thẩm sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật.
Theo án sơ thẩm, Minh thiếu nợ tổng cộng hơn 23 tỷ đồng nhưng không có khả năng chi trả. Ông ta lên kế hoạch giả chết để vợ con được hưởng 18 tỷ đồng bảo hiểm nhân thọ.
Ngày 25/4/2020, bị cáo chạy ôtô đến nghĩa trang ở huyện Đăk Glong đào mộ người vừa chết vì ung thư, định lấy xác để "thế mình" nhưng do mệt nên bỏ cuộc. Đến chiều 3/5, ông ta ghé chòi rẫy của cháu vợ là Trần Nho Vương, 25 tuổi, tại huyện Đăk G'long nấu cơm ăn rồi trải nệm ngủ. Đến 0h hôm sau, Minh định lấy búa tiếp tục đi cạy nắp quan tài lấy xác nhưng sau đó nảy sinh ý định giết Vương.
Bản án xác định, Minh dùng búa đánh anh Vương tử vong, đưa thi thể lên ôtô bán tải chạy đến quốc lộ 28 (xã Đăk Som, huyện Đăk G'Long) - cách nơi gây án khoảng 70 km, tông xe vào cột mốc bên đường tạo hiện trường vụ tai nạn. Minh đưa xác anh Vương vào ghế lái, đeo đồng hồ của mình cho nạn nhân, bỏ lại chìa khóa... rồi đốt xe bằng 3 can dầu, một can xăng (mỗi can 30 lít). Gây án xong, Minh đi bộ về nhà dân cách hiện trường 1,5 km để lấy xe Wave (đã gửi trước đó) rồi bỏ trốn.
Tại phiên tòa sơ thẩm hồi đầu năm, Minh thừa nhận gây ra cái chết cho Vương nhưng nhiều lần khẳng định chỉ là "vô ý" chứ không có kế hoạch từ trước.
>>> Mời độc giả xem thêm video Tù chung thân cho đối tượng giết người tình cướp tài sản
Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.
Hải Ninh