Nhìn đâu cũng thấy tội phạm
Theo bà, vấn đề cơ chế tài chính cũng như việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế đang có bất cập gì?
Phải nói rằng, chúng tôi cực kỳ khổ sở với cơ chế đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế. Đấu thầu thuốc bao nhiêu năm nói mãi rồi, chúng ta vẫn theo cơ chế càng rẻ càng tốt và năm sau phải rẻ hơn năm trước; thậm chí có những trường hợp đấu thầu rồi, trúng thầu rồi, chọn giá rẻ nhất rồi, nhưng vài tháng sau một địa phương khác trúng thầu với giá thấp hơn lại phải áp theo giá đó.
Bây giờ chúng tôi hỏi câu ngược lại, nếu thị trường biến động giống như giá xăng tăng, giá thuốc tăng, liệu bảo hiểm có thanh toán theo cái tăng đó không? Đây là một cơ chế bất cập và chúng ta nhìn đâu cũng thấy tội phạm. Trong khi đó, đấu thầu thì chúng ta phải thấy mục tiêu cao nhất là để cho người bệnh có thuốc, trang thiết bị với giá hợp lý nhất nhưng phải bảo đảm chất lượng.
Do đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh phải tương thích với những luật khác, như Luật Đấu thầu, Luật Bảo hiểm y tế… Nhưng chúng ta phải có cơ chế riêng để làm sao có được thuốc và trang thiết bị cho bệnh viện. Bây giờ hãy nhìn xung quanh, xem các bệnh viện tư nhân, họ có vấn đề gì về thuốc, có phải đấu thầu hoặc đấu thầu trang thiết bị không? Đấy là tiền của họ, chuyện rất đơn giản. Các nước trong khu vực và trên thế giới, có nước nào đấu thầu như vậy không?
|
Các bệnh viện cần cung ứng đủ thuốc để phục vụ bệnh nhân
|
Vậy giải pháp gì để khắc phục những hạn chế, bất cập này, thưa bà?
Với cơ chế đấu thầu như hiện nay, theo tôi thiệt hại lớn nhất chính là về nhân lực, luôn phải tập trung cho công tác đấu thầu với từng bệnh viện, luôn bận rộn với đủ thứ chi tiết, không thể tập trung phát triển chuyên môn, kỹ thuật. Chưa kể sau đó làm sai sẽ bị hình sự, bị bắt, như thế lại mất đi nguồn nhân lực.
Một vấn đề nữa, nếu thuốc quá rẻ sẽ dẫn đến chất lượng không bảo đảm, làm mất lòng tin của người dân cũng như cán bộ y tế. Tôi biết nhiều người có thẻ bảo hiểm y tế, nhưng khi vào bệnh viện, nếu không phải bệnh nan y và giá quá đắt, họ sẽ giấu thẻ bảo hiểm đi để khám chữa bệnh dịch vụ. Chúng ta đừng nên tỉ mẩn chỉ ngồi xem trên danh mục thuốc Generic và cứ cố gắng kéo giá thấp xuống, thực ra tiết kiệm không được bao nhiêu.
Khoản chi lớn nhất mà khi cần thiết vẫn phải chi, đó chính là những thuốc độc quyền. Chúng ta phải có những thương lượng giá như các quốc gia khác đã làm. Anh bán ngoài thị trường khác nhưng bán vào hệ thống bệnh viện với một số lượng lớn và cần cho những bệnh nhân nặng thì phải có giá khác. Theo tôi, điều này hoàn toàn thương lượng được.
Ranh giới mong manh
Bà thấy sao trước tình trạng mất nhiều cán bộ y tế từ Trung ương xuống địa phương, cũng như tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc hàng loạt thời gian qua?
Có một thực tế bây giờ cứ cái gì quản không được thì cấm. Như vậy là không được. Cho nên về cơ chế tài chính, chúng ta phải khẩn trương thay đổi, nếu không sẽ còn phải trả giá và trả giá đầu tiên là mất cán bộ y tế ở tất cả các cấp. Tôi không ủng hộ chuyện tiêu cực. Ai tiêu cực, nhận tiền, vụ lợi thì phải chịu trách nhiệm. Thế nhưng cũng phải xem chúng ta đã tạo môi trường để cho người ta phát huy y đức được hay chưa? Chưa kể mất cán bộ trong tình trạng khẩn cấp thì sẽ rất đau đớn.
Cũng về nhân lực bệnh viện, như tại TPHCM đang xảy ra tình trạng các nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt. Nguyên nhân đơn giản nhất là do cơ chế đãi ngộ. Học ngành y từ thi đầu vào, cả quá trình học, làm việc đều vất vả, căng thẳng, áp lực hơn rất nhiều so với các ngành khác nhưng đồng lương thì không có gì phân biệt, không có gì khác cả. Ngoài ra, cơ hội để phát triển nghề nghiệp không nhiều.
Do đó, phải quy định trong luật, có cơ chế nào đó để có thể thu hút nhân tài. Các nhân viên y tế xin nghỉ việc hàng loạt ra hệ thống tư nhân làm việc sẽ tước bỏ quyền tiếp cận bác sĩ giỏi đối với người nghèo. Vô hình chung, những gì chất lượng tốt nhất, cao nhất thì dành cho những người có khả năng chi trả, còn người nghèo, người yếu thế, người chỉ có bảo hiểm y tế sẽ hưởng những sản phẩm hạng 2. Điều đó không thể chấp nhận được trong thể chế của chúng ta.
Chúng tôi rất mong những chỉ đạo phải được thể hiện bằng tấm lòng. Càng chậm ngày nào, hệ thống y tế càng bị bào mòn đi và chính người dân phải trả giá, điều đó sẽ rất đáng tiếc.
Trở lại với vấn đề đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế hiện nay, với những cán bộ dám nghĩ, dám làm, phải chăng ranh giới giữa vượt rào và làm sai rất mong manh?
Ranh giới cực kỳ mong manh. Không chỉ riêng trong ngành y, ngành nào cũng thế, vẫn có quân xanh, quân đỏ, vẫn có thông thầu… Tốt nhất là chúng ta không nên máy móc áp dụng đấu thầu mà phải xem mục tiêu cuối cùng là gì và so sánh giữa các giải pháp, cái nào tiết kiệm nhất, cái nào tốt nhất cho dân thì làm.
Điều quan trọng làm sao để cho các cán bộ y tế yên tâm công tác được và sau đó bớt đi những phiền hà, mập mờ, tư túi, có muốn cũng không thể tham nhũng được. Bởi một khi người ta đã có ý vi phạm thì sẽ có trăm phương nghìn kế để bắt tay lẫn nhau. Cho nên bây giờ chúng ta phải tính toán lại, với các thuốc Generic, có thể theo định suất mỗi bệnh viện như tôi vừa đề cập.
Nhiều người đang chọn cách an toàn nhất là không làm gì, trong khi người bệnh đang cần thuốc chữa trị. Theo bà, bây giờ cần những biện pháp mang tính đột phá nào để giải tỏa, tháo gỡ khó khăn vướng mắc này?
Theo tôi, phải đột phá từ trên xuống dưới. Bây giờ phải thay đổi về thể chế, chính sách, còn nếu không thì những sự việc đang xảy ra cho ngành y tế hiện nay sẽ tiếp tục diễn ra, năm sau cũng như vậy. Những vấn đề này tôi đã góp ý từ những khóa trước và cũng đã nói rất nhiều rồi. Những ngành khác có thể chưa thấy nhưng với ngành này sẽ phải trả giá ngay. Hãy nhìn vào sức khỏe người dân và nếu như chúng ta có người nhà hay bản thân mình vào bệnh viện bây giờ, từ những vật tư y tế đơn giản nhất cũng phải tự đi mua, còn ra thể thống gì nữa?
Các bác sỹ, nhân viên y tế đủ trình độ để mua, để điều hành các hoạt động của bệnh viện cho đàng hoàng, nhưng bây giờ người ta sợ. Khi luật chưa rõ ràng thì không tránh khỏi vi phạm, đôi khi oan uổng. Nhưng oan hay không thì trước mắt chúng ta đã mất đi một cán bộ y tế, mà để đào tạo lại rất tốn thời gian, công sức, tiền bạc còn người dân phải trả giá và không phải ai cũng có điều kiện để ra bệnh viện tư nhân, ra nước ngoài chữa trị.
Trân trọng cảm ơn bà !
Theo Tiền Phong