Sáng 8/11, Quốc hội bước vào phiên họp đợt 2 và thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và công tác phòng, chống dịch.
ĐB Hoàng Đức Thắng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị nêu ý kiến việc xã hội hóa trong phòng, chống dịch COVID-19 là biện pháp quan trọng để huy động sức mạnh toàn dân. Tuy nhiên, xã hội hóa cần được thực hiện có tổ chức, thống nhất, trong một hành lang pháp lý, cơ chế huy động, kiểm soát rõ ràng, minh bạch và được tôn vinh xứng đáng.
Đồng thời phải phòng ngừa, ngăn chặn những lùm xùm, tiêu cực như trong một số hoạt động thiện nguyện vừa rồi.
Ông Thắng cũng chỉ ra một số bất cập trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua như điều kiện thiếu thốn, khó khăn, quá tải ở nơi cách ly tập trung, thu dung, điều trị người mắc COVID-19; trong khi khách sạn, cơ sở lưu trú lại không được sử dụng. Hay như việc cơ sở y tế tư nhân gần như đứng ngoài cuộc, trong khi y tế công lập quá sức.
Ông Thắng đề nghị rà soát, xem xét lại cơ chế chính sách để tận dụng tốt hơn nguồn lực sẵn có, phát huy tốt vai trò chủ động, sức mạnh của nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh. Chính phủ cần rà soát, ban hành quy định kịp thời thống nhất, luật hóa các hoạt động thiện nguyện, cứu trợ xã hội.
Ngoài ra, người dân cần được tuyên truyền, hướng dẫn hỗ trợ các biện pháp cụ thể, có tính chuyên môn và ràng buộc trách nhiệm pháp lý khi tham gia phòng, chống dịch như điều trị, cách ly tại gia đình, khu tập trung.
|
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan. |
Phát biểu từ đầu cầu TP.HCM, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ, gần 20.000 đồng bào đã ra đi do COVID-19 và còn nhiều trường hợp không được chăm sóc y tế tốt trong giai đoạn này và có thể gián tiếp ra đi vì COVID-19.
Đại biểu Phong Lan đặt vấn đề làm sao công tác chống dịch hiệu quả hơn thời gian tới và khắc phục những gì đã xảy ra.
Để sống chung với dịch và chủ động linh hoạt khống chế tỷ lệ nhiễm, giảm ca nặng và tử vong thì trong thời gian vừa qua, TP.HCM có kinh nghiệm thực tế.
Nói về thực trạng y tế cơ sở, Đại biểu Phong Lan cho rằng cần phải xem lại, thực tế chỉ khoảng 30% ngân sách dành cho y tế dự phòng, y tế cơ sở nhưng số địa phương thực hiện được còn ít. Chưa kể con số 30% là rất thấp so với sự cần thiết, nhu cầu của người dân. Cho nên phải phân bổ hợp lý để đáp ứng với quy mô dân cư, chứ không phải dựa trên vấn đề về địa lý.
Từ đó, Đại biểu cho rằng Chính phủ cần có chính sách, chủ trương xuyên suốt và chỉ đạo Bộ Y tế về xây dựng quan điểm phòng chống dịch.
"Bộ Y tế đã rất cực khổ, không chỉ làm nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn cho các địa phương, mà Bộ Y tế cũng đã thực sự vào cuộc. Về y tế cơ sở, tôi nghĩ không phải chỉ vấn đề về tiền, mà còn vấn đề về nhân lực, làm sao thu hút được nhân lực... Chính sách của chúng ta cứ như chắp vá" - Đại biểu Phong Lan bày tỏ.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan dẫn chứng cách đây hơn chục năm, từ các trung tâm y tế của quận huyện chia ra thành bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng và phòng y tế, tức “đã yếu mà còn chia ra”.
"Bệnh viện chưa đến mức bệnh viện, trung tâm y tế què quặt và phòng y tế chỉ làm được công việc hành chính" - bà nhận xét.
Còn hiện nay, ngay tại TP.HCM, theo chỉ đạo thì tất cả trung tâm y tế dự phòng và các bệnh viện thuộc quận, huyện lại trực thuộc Sở Y tế. Như vậy, UBND các địa phương sẽ rất khó khăn trong việc điều phối lực lượng. Như vậy đơn vị phụ trách công tác y tế ở địa phương chính là phòng y tế, trong khi phòng y tế chỉ làm chức năng quản lý nhà nước.
Về hệ thống điều trị, theo Đại biểu Phong Lan, dịch bệnh là phép thử để nhìn lại năng lực điều trị "chỉ một cơn dịch qua thôi là tan tác hết".
Điều trị COVID-19 thì được ngân sách nhà nước lo, nhưng việc phân công giữa nhân sách và bảo hiểm chưa rõ ràng nên các bệnh viện gặp khó khăn trong thanh toán.
Nêu ví dụ về việc xét nghiệm, nữ Đại biểu cho rằng nếu phân công rạch ròi để cho bảo hiểm làm việc đó cùng với cơ chế đấu thầu chặt chẽ lựa chọn giá tốt nhất thì không có tình trạng loạn giá xét nghiệm như vừa qua.
Hiểu Lam