ĐB Quốc hội Nguyễn Thị Hà: Trăn trở trước “cơn sốt” học IELTS

Google News

Theo ĐB Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh), chi phí học và thi IELTS là một vấn đề lớn đối với những gia đình kinh tế không khá giả, nên cần cân nhắc xét tuyển đại học bằng IELTS.

Chi phí học IELTS đắt đỏ với học sinh nông thôn, miền núi
Liên quan tới các kỳ thi IELTS, hiện nay, việc học IELTS được ví như “cơn sốt” bởi nhiều trường đại học xét tuyển bằng IELTS. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải xem lại việc xét tuyển bằng phương thức này, bởi nó gây mất công bằng với học sinh nông thôn, miền núi, và tạo ra “cơn sốt” học theo phong trào. Đồng thời là một giáo viên tiếng Anh, quan điểm của bà thế nào, thưa đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà?
DB Quoc hoi Nguyen Thi Ha: Tran tro truoc “con sot” hoc IELTS
 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Mai Loan.
Đây cũng đúng là điều mà tôi rất trăn trở. Học sinh của tôi những năm trước gần như không có khái niệm về IELTS khi học phổ thông. Thế nhưng, từ khi các trường đại học dùng phương thức xét tuyển bằng IELTS thì rất nhiều học sinh bắt đầu quan tâm đến.
Xét về mặt tích cực, ôn thi IELTS giúp thí sinh phát triển năng lực ngôn ngữ, tư duy phản biện và việc dùng kết quả IELTS xét tuyển phần nào thúc đẩy phong trào học tập theo chất lượng quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tích cực mà phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS mang lại thì phương thức này cũng bộc lộ những khó khăn nhất định, đặc biệt đối với những học sinh ở nông thôn và miền núi.
Đầu tiên là về cơ sở học tập. Dù với sự phát triển của khoa học công nghệ, học sinh có thể tiếp cận với nhiều tài liệu miễn phí trên mạng Internet thì việc tự học để thi được kết quả như mong muốn của học sinh phổ thông là tương đối khó khăn. Do vậy, chi phí học và thi IELTS cũng là một vấn đề lớn đối với những gia đình kinh tế không khá giả, khó có thể theo học.
Như vậy, về cơ bản, với các học sinh vùng nông thôn, miền núi, nơi chưa có nhiều điều kiện như học sinh thành phố, các em sẽ có nhiều thiệt thòi hơn trong việc học IELTS. Vì thế, theo tôi, cần phải cân nhắc lại và cân đối lại giữa các phương thức xét tuyển.
Cần cải tiến cách kiểm tra, đánh giá môn tiếng Anh
Những năm gần đây, phổ điểm thi tiếng Anh luôn ở ngưỡng thấp và có sự chênh lệch giữa các vùng miền. Theo bà, cần làm gì để nâng cao chất lượng học tiếng Anh trong các trường phổ thông hiện nay?
Điểm thi tốt nghiệp THPT tiếng Anh những năm gần đây không cao và có sự chênh lớn giữa các vùng miền là điều khiến cho những người trực tiếp giảng dạy tiếng Anh rất suy nghĩ. Tôi cho rằng, việc nâng cao chất lượng giảng dạy, để có được kết quả thi tốt là điều quan trọng. Tuy nhiên, cùng với đó là làm sao phải bồi đắp cho học sinh được tình yêu đối với môn tiếng Anh, giao tiếp tốt.
Bởi thực tế hiện nay, có những học trò quá tập trung vào việc luyện thi ngữ pháp để lấy điểm tốt nghiệp nhưng lại đánh mất kỹ năng giao tiếp cơ bản, thì sau này các em sẽ gặp nhiều khó khăn khi học lên bậc cao hơn hoặc ra ngoài cuộc sống.
Hiện tại, tôi thấy chương trình sách giáo khoa đã thiết kế tương đối tốt, nhiều hoạt động đa dạng để tạo điều kiện cho học sinh phát triển được toàn diện bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Các giáo viên nên cố gắng cho học sinh được tiếp cận hết các hoạt động trong sách giáo khoa để để phát huy hết được khả năng của các em, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp.
Hiện nay giáo viên có nhiều hội nhóm chuyên môn là nơi trao đổi kinh nghiệm, đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy... Điều này sẽ tạo nên sự hứng thú của học trò đối với môn học, thay đổi thái độ, không phải tâm lý học chỉ để đi thi nữa, từ đó sẽ nâng cao hiệu quả học.
Và một điều đặc biệt, theo tôi cần cải tiến cách kiểm tra, đánh giá. Đề thi nên được thiết kế sát với hơn với các kiến thức, kỹ năng trọng tâm trong chương trình học và tiệm cận với trình độ chung của học sinh cả nước.
Trân trọng cảm ơn bà!
Bộ GD&ĐT vừa phê duyệt việc liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ tiếng Anh IELTS đối với công ty TNHH Giáo dục IDP - một trong 2 đơn vị sở hữu bài thi IELTS tại Việt Nam (theo thông tin, đơn vị còn lại là Hội đồng Anh hiện vẫn trong quá trình được Bộ GD&ĐT thẩm định). 
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà cho biết, những ngày gần đây, bà nhận được rất nhiều tin nhắn học sinh, phụ huynh liên quan việc hoãn thi này.
Cá nhân bà đồng tình, ủng hộ việc hoãn thi IELTS để rà soát lại mọi thủ tục, quy trình, cách thức tổ chức của kỳ thi, nhằm đảm bảo sự minh bạch, khách quan, uy tín cho các kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Như Bộ GD&ĐT đã trả lời, do việc thi chứng chỉ ngoại ngữ tồn tại nhiều tiêu cực, nên việc phải rà soát lại là rất cấp thiết.
Tuy nhiên, việc hoãn thi gây ra sự hoang mang, lo lắng cho nhiều thí sinh chuẩn bị thi vì nhu cầu sử dụng chứng chỉ vào công việc và học tập, không chỉ phục vụ việc xét tuyển vào các trường trong nước mà còn làm hồ sơ đi du học. Nếu kỳ thi bị hoãn lại lâu sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới các kế hoạch của thí sinh.
Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục thúc đẩy việc xử lý, phê duyệt cho các cơ sở tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ, đặc biệt là chứng chỉ IELTS, TOEFL nhanh nhất có thể (nếu các cơ sở này có đủ hồ sơ pháp lý, đảm bảo yêu cầu chất lượng về cơ sở vật chất và các điều kiện tổ chức thi) để không làm ảnh hưởng tới kế hoạch học tập của học sinh.

Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) chia sẻ quan điểm về việc hoãn thi IELTS bên hành lang Quốc hội. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.


Mai Loan (thực hiện)