ĐBQH: Có thể cho báo chí ghi âm, ghi hình từ phòng truyền hình trực tiếp

Google News

Đại biểu Nguyễn Tạo, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng có thể cho phép báo chí ghi âm, ghi hình phiên tòa tại phòng riêng có truyền hình trực tiếp.

Sáng 28/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm là quy định ghi âm, ghi hình khi tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp, đặc biệt với phóng viên báo chí.
Nên cho phép báo chí ghi âm, ghi hình từ phòng truyền hình trực tiếp
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội sáng 28/5, đại biểu Nguyễn Tạo, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho hay, trong điều kiện, cơ sở hiện nay, rất khó nói để có thể cho phép báo chí tham gia một cách đầy đủ, ở giai đoạn nào của phiên tòa.
DBQH: Co the cho bao chi ghi am, ghi hinh tu phong truyen hinh truc tiep
 Đại biểu Nguyễn Tạo, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Mai Loan.
Lý do là vì, hiện nay, diện tích hội trường xét xử rất nhỏ, trong khi các cơ quan báo chí có nhu cầu tham dự rất nhiều. Cho phép báo này vào tham dự, còn báo kia không thì sẽ bất hợp lý.
Phương án giải quyết, theo đại biểu Tạo là sẽ có một khu vực, phòng truyền hình trực tiếp cho các phóng viên tác nghiệp. Đó là mong muốn và trong Dự thảo Luật lần này cũng hướng tới điều đó.
“Một phiên tòa chỉ vài trăm m2 mà quá đông phóng viên, dễ dẫn tới rối loạn. Ở nhiều nước, họ có một khu vực cho các báo chí tác nghiệp. Và phiên tòa được truyền hình trực tiếp. Còn nếu mong muốn phải ghi hình trực tiếp tại nơi diễn ra phiên tòa thì rất khó. Vì tất cả các phóng viên đều phải được đối xử bình đẳng như nhau theo Luật Báo chí. Người này vào được, người này không… là một câu chuyện phải suy nghĩ rồi”, ông Tạo nói.
Đại biểu Nguyễn Tạo chia sẻ, theo nghề Tòa án hơn 40 năm, ông hiểu rất rõ việc điều hành trật tự của một phiên tòa là “cực kỳ khó”. Nhất là những phiên tòa đông bị can, có khi cả trăm bị can, bí cáo, thậm chí không đủ chỗ cho lực lượng bảo vệ hỗ trợ phiên tòa; ngoài ra còn cả trăm luật sư… trong khi không gian hội trường lại nhỏ.
Cho nên, theo đại biểu Nguyễn Tạo, cần thiết kế một phòng truyền hình trực tiếp, để các phóng viên có thể đến để theo dõi và đưa tin, phản ánh kịp thời diễn biến phiên tòa trong lĩnh vực mà mình theo dõi, đưa tin tới công chúng.
“Như vậy, việc ghi âm ghi hình phải diễn ra qua màn hình được truyền hình trực tiếp”, ông Tạo nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Tạo, riêng với những phiên tòa liên quan tới đạo đức, xã hội, bí mật đời tư liên quan hôn nhân, hoặc có những bí mật đời tư người trong cuộc không muốn công khai, thì phải theo quy định của pháp luật và không thể ghi âm, ghi hình. Chẳng hạn, với chứng cớ đưa ra về việc người bạn đời ngoại tình, thì không thể công khai.
Nói về vai trò giám sát của nhân dân sẽ thể hiện thế nào nếu không qua ghi âm, ghi hình, đại biểu Nguyễn Tạo cho hay, sẽ qua bản án có hiệu lực pháp luật được tòa tuyên.
“Chúng ta phải hết sức khách quan, tôn trọng nghề nghiệp của nhau và làm sao thực hiện tốt hơn, hoàn thiện trong thời gian tới”, đại biểu Nguyễn Tạo nhấn mạnh.
Cần cởi mở hơn với đối tượng báo chí
Đưa ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho hay, thực tế cho thấy, rất nhiều các vụ việc, vụ án được đưa tin tràn lan trên các báo chí, mạng xã hội, Internet một cách không chính thống.
DBQH: Co the cho bao chi ghi am, ghi hinh tu phong truyen hinh truc tiep-Hinh-2
  Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương). Ảnh: Mai Loan.
Cùng với đó là các ý kiến trái chiều từ rất nhiều người dùng mạng xã hội đã tạo ra áp lực không nhỏ tác động tới người tiến hành tố tụng tham gia vụ án và có ảnh hưởng tiêu cực đến công tác xét xử, công tác tuyên truyền pháp luật.
Hơn nữa, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền cá nhân, quyền con người đã được quy định rất rõ trong Hiến pháp. Bởi vậy, việc quy định chặt chẽ hơn về hoạt động ghi âm, ghi hình tại phiên tòa là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, theo đại biểu cần cân nhắc thêm hai nội dung.
Thứ nhất là không nên chỉ giới hạn việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án công bố quyết định mà cần giới hạn thêm việc ghi âm.
Tuy rằng nguyên tắc công khai là công khai toàn bộ phiên tòa không chỉ là thời gian khai mạc tuyên án hay công bố quyết định nhưng nếu cứ để người dân tự do ghi âm, ghi hình trong cả quá trình xét xử sẽ ảnh hưởng đến quá trình xét xử vì ít nhiều cũng tạo nên sự lộn xộn.
“Hơn nữa với những phiên tòa xử các vụ án như án ly hôn, án kinh doanh thì có nhiều bí mật đời tư của các cá nhân liên quan, có bí mật doanh nghiệp, bí mật kinh doanh. Nếu ghi âm, ghi hình tràn lan rồi đưa thông tin đã cắt gọt lên mạng xã hội thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các cá nhân, các tổ chức có liên quan, nhất là hiện nay việc xử phạt những vi phạm trên môi trường không gian mạng của chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu ý kiến.
Thứ hai, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, cần có sự phân biệt đối tượng được phép ghi âm, ghi hình tại phiên tòa.
“Theo tôi nên quy định cởi mở hơn việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa đối với nhóm đối tượng là phóng viên báo chí, truyền hình bởi họ là những người được đào tạo bài bản, có chuyên môn lại bị ràng buộc bởi công việc nên việc thông tin chắc chắn sẽ có sự chuyên nghiệp và tính khách quan hơn. Đây cũng chính là ý kiến kiến nghị của nhiều cử tri là phóng viên, kỹ thuật viên truyền hình, báo chí mà tôi đã nhận được”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho hay.
Điều 141 dự thảo của Tòa án nhân dân Tối cao trình Quốc hội tại kỳ họp 6 quy định: “Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử, Thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp khi có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp.
Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ và chủ tọa phiên tòa, phiên họp”. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này sẽ ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin, tác nghiệp của nhà báo trong các phiên tòa.
 
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) trao đổi về quy định ghi âm ghi hình trong Luật Tòa án (sửa đổi). Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan