ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho biết hình thức xử phạt này đã từng được quy định trong Nghị định số 143 năm 1977 và trong Pháp lệnh số 15 của UB Thường vụ Quốc hội khóa 10 năm 1999 về lao động công ích.
Bà Hoa phân tích, việc áp dụng hình thức xử phạt này đã tác động trực tiếp tới ý thức của người vi phạm vì sức lao động là thứ không thể thay thế được, còn tiền bạc thì hoàn toàn có thể thay thế, thậm chí có thể vay mượn để nộp phạt.
Hình thức này giúp cho việc thi hành xử phạt có tác dụng tích cực hơn trong việc hình thành ý thức pháp luật. Qua đó, người vi phạm nhận thấy được bổn phận, trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, với những người xung quanh và thúc đẩy quá trình tái hòa nhập xã hội.
|
ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa |
Một số nước như Anh và Mỹ cũng dùng hình thức phạt lao động công ích đối với một số hình thức vi phạm. Theo bà Hoa, hình thức phạt tiền không phải lúc nào cũng có hiệu quả.
"Bổ sung cơ chế bắt buộc người có hành vi vi phạm phải thực hiện việc lao động công ích. Đặc biệt là phải có cơ chế giám sát rõ ràng và cần phải giải quyết một số những vấn đề then chốt, chẳng hạn như lao động công ích thì đó là những công việc gì và thời gian lao động công ích là bao lâu", ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề xuất.
Đồng ý với đề xuất này, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho biết hình thức thì không mới nhưng nếu hoàn cảnh và đối tượng áp dụng phù hợp cũng sẽ góp phần nâng cao hơn hiệu lực, hiệu quả của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Từ đây ông Cảnh đề xuất chỉ áp dụng hình thức này đối với người vi phạm có độ tuổi từ 16-30 tuổi. Vì đây là độ tuổi quy định trong Luật Thanh niên, QH vừa thông qua. Luật Thanh niên có quy định: “Trách nhiệm của thanh niên đối với Nhà nước và xã hội là gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện nghĩa vụ công dân, tham gia giữ gìn trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia”.
|
ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh |
Vì vậy, thanh niên vi phạm cần được xử phạt, giáo dục kịp thời. Hình thức phạt tiền sẽ không đạt hiệu quả cao khi nhiều người ở độ tuổi này được hỗ trợ tài chính từ người thân và chưa bị áp lực cao về tài chính từ người lệ thuộc.
"Cũng giống như Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Chúng ta không có đủ con người, thiết bị, phương tiện để xử lý hết những người vi phạm nhưng luật đã làm cho số lượng người vi phạm pháp luật liên quan đến rượu, bia giảm sâu.
Đưa ra hình thức xử phạt lao động công ích này vào luật cũng sẽ giảm đáng kể hành vi vi phạm pháp luật hành chính của thanh niên" ĐBQH nhìn nhận.
Nếu QH đồng ý đưa hình thức xử phạt lao động công ích vào luật thì luật cần giao Chính phủ quy định cụ thể về đối tượng áp dụng, loại hình công việc, nơi thực hiện, thời gian thực hiện, tổ chức giám sát và các nội dung có liên quan.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng muốn áp dụng biện pháp này thì phải do Tòa án thực hiện. Nếu để trong Luật Xử lý vi phạm hành chính thì sẽ có nguy cơ vi phạm Công ước 29 về lao động cưỡng bức.
Báo cáo, giải trình vấn đề này trước QH, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết hình thức lao động công ích, kỳ này Chính phủ chưa đưa vào tờ trình, vì năm 2012 khi trình QH thông qua luật trên cơ sở nâng Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính thì Chính phủ đã trình biện pháp này nhưng hạn chế trong một số trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông và những vi phạm trật tự an ninh nhỏ. Tuy nhiên, QH không đồng ý với việc trình này của Chính phủ với lý do còn băn khoăn.
|
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình |
Bộ trưởng phân tích: "Đây là một biện pháp liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân và doanh nghiệp, cho nên cách áp dụng là phải thông qua con đường tư pháp.
Nếu như đưa vào một biện pháp gọi là biện pháp xử lý, hoặc là xử phạt hành chính mà áp dụng một cách phổ quát ở trong Luật Xử lý vi phạm hành chính thì e là không phù hợp về mặt phạm vi".
Theo Bộ trưởng Tư pháp đề xuất này cũng chưa khả thi, vì một người có thể từ Hà Nội vào TP.HCM mà có một vi phạm về trật tự an toàn thì bây giờ đưa ra Hà Nội để lao động công ích hay ở trong TP.HCM. Hiện chưa sẵn sàng trong việc thiết kế một hệ thống các cơ sở để buộc phải lao động công ích.
Theo Trần Thường/Vietnamnet