Đi máy bay ngày Tết, làm gì để không lỡ chuyến?

Google News

Hành khách nên làm thủ tục online trong vòng 24 giờ trước khi khởi hành. Ngoài ra cần khai báo di chuyển nội địa trên ứng dụng PC-Covid trước khi đến sân bay.

Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu đi lại tăng cao, việc có nhiều thay đổi do dịch bệnh COVID-19 sẽ khiến nhiều người có thể lỡ chuyến bay nếu không nắm rõ quy định.
Lượng khách ngành hàng không diễn biến khó lường
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, giai đoạn từ ngày 29/12/2021 đến ngày 10/1/2022, các hãng hàng không Việt Nam khai thác gần 4.500 chuyến bay, vận chuyển hơn 547 nghìn khách với hệ số sử dụng ghế (HSSDG) trung bình đạt 64%.
Di may bay ngay Tet, lam gi de khong lo chuyen?
Hành khách cần lưu ý do nhu cầu đi lại bằng máy bay dịp Tết Nhâm Dần có nhiều biến động. 
Trong đó, nhu cầu hành khách đi trên đường bay TPHCM - Hà Nội và từ TPHCM đến các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc trong giai đoạn này tăng mạnh trở lại với hệ số sử dụng ghế đều đạt trên 70%. Hiện các hãng cũng đã khai thác hết số lượng chuyến bay đã được phân bổ.
Khác với mọi năm, thay vì dồn những ngày cận tết, khách đi lại bằng đường hàng không bắt đầu tăng mạnh trong những ngày qua. Các hãng hàng không cho biết so với mọi năm, hành khách bay sớm hơn, trong đó nhiều chuyến bay từ ngày 17 đến 23/1 đã đầy chỗ.
Một số đường bay đã có tỷ lệ lấp đầy từ 70%-90% những ngày áp tết, gồm các đường từ TPHCM đi Hà Nội, Vinh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, Quảng Nam...
Nhận định về nhu cầu đi lại dịp Tết năm nay, đại diện hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam cho biết, sau 2 năm bị hạn chế đi lại, mùa du lịch Tết năm nay hứa hẹn sẽ sôi động. Các đường bay du lịch như từ Hà Nội, TP HCM đi Cam Ranh, Phú Quốc, Côn Đảo... đã có lượng đặt chỗ tăng nhanh tập trung vào các ngày Tết từ 2/2 đến 4/2 (tức mùng 2 đến mùng 4 tháng Giêng).
Cần gì để tránh lỡ chuyến
Các hãng hàng không lưu ý hành khách mua vé trên website, đại lý, phòng vé chính thức của các hãng và yêu cầu xuất hóa đơn để tránh mua phải vé giả, vé bị nâng giá... Đối với khách mua vé trên website, cần đặc biệt chú ý truy cập đúng địa chỉ chính thức của các hãng.
Ngành hàng không cũng khuyến cáo, để hạn chế tiếp xúc và tiết kiệm thời gian ở sân bay, hành khách nên làm thủ tục trước qua website, ứng dụng di động, qua điện thoại (telephone check-in) hoặc tại các quầy tự làm thủ tục (kiosk check-in) trong vòng 24 giờ trước khi khởi hành; hành khách lưu ý khai báo di chuyển nội địa trên ứng dụng PC-Covid trước khi đến sân bay.
Hành khách người lớn hoặc trẻ em từ 2 tuổi đến dưới 12 tuổi chưa tiêm đầy đủ mũi vắc-xin, có xác nhận khỏi bệnh COVID-19 đáp ứng quy định của cơ quan chức năng, khi làm thủ tục trước chuyến bay cần xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành.
Trước đó, ngày 27/12/2021, Bộ GTVT sửa đổi quy định, không bắt buộc hành khách đã tiêm 2 mũi vắc-xin phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng đi máy bay từ Tân Sơn Nhất phải có kết quả xét nghiệm âm tính.
Theo đó, hành khách tham gia chuyến bay cần đáp ứng đáp ứng 1 trong 3 điều kiện: Có chứng nhận đã tiêm đủ liều vắc-xin (liều cuối cùng được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm chuyến bay khởi hành). Giấy chứng nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc có giấy ra viện không quá 6 tháng tính đến thời điểm chuyến bay khởi hành và có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ.

Nhiều gia đình trong đó có trẻ em dưới 2 tuổi đang rất băn khoăn chuyện có thể đi máy bay hay không?

Đại diện các hãng hàng không cho biết trẻ em dưới 12 tuổi (bao gồm cả trẻ sơ sinh) cũng là hành khách sẽ áp dụng các quy định của Bộ Giao thông Vận tải. Theo đó, nếu trẻ em là từng là F0 đã khỏi bệnh không quá 6 tháng hoặc trẻ em được tiêm vắc-xin ở nước ngoài trở về thì sẽ không cần xét nghiệm nhanh. Các trường hợp còn lại, trẻ em vẫn phải xét nghiệm nhanh như quy định và có giấy âm tính với SARS-CoV-2 có giá trị trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành.


Hoàng Nam