Biết thổi kèn đám ma từ khi 10 tuổi
|
Anh Điệu bên 15 thanh kiếm từng nuốt để trở thành dị nhân về môn biểu diễn này. Ảnh: Đ.TÙY |
Lâu nay, câu chuyện về anh Nguyễn Đắc Điệu (SN 1973), ở thôn Lang Viên, xã Hồng Dụ, huyện Ninh Giang (Hải Dương) trở thành “dị nhân nuốt kiếm” khi nuốt được nhiều thanh kiếm cùng lúc và trở thành người Việt Nam đầu tiên xác lập kỷ lục này khiến cho chúng tôi tò mò. Anh Điệu cho biết: “Không biết từ bao giờ mọi người gọi tôi là dị nhân. Có thể họ thấy tôi nuốt kiếm kinh quá nên đặt tên như vậy. Đến giờ tôi không còn đi biểu diễn nữa nhưng thỉnh thoảng có người nhận ra, họ lại nói: “Dị nhân nuốt kiếm”, nghe cũng vui, còn bản thân tôi thấy bình thường, có gì là to tát đâu”.
Sinh ra trong gia đình thuần nông gồm 8 anh em và anh có nhiều năng khiếu bẩm sinh, biết chơi nhiều loại nhạc cụ. Ngày đó, ai ở trong làng có trống, đàn ghi ta, nhị, sáo… anh đều đến hỏi mượn mang về nhà tập. Thậm chí, trong xóm có phường bát âm anh cũng mượn kèn về thổi. “Thấy tôi đến mượn kèn đám ma, mấy người trong phường bát âm còn trêu, họ khuyên tôi tập trung vào học hành và không tin tôi thổi được. Sau một vài lần tập tôi đã thổi thành thạo một số bản nhạc đám hiếu và khi đó tôi mới lên 10”, anh Điệu cho biết.
Vì nhiều lí do khác nhau, năm 1992 anh xin nghỉ học THPT, khăn gói vào Gia Lai giúp anh trai công việc nương rẫy. Tuy nhiên, vào đến nơi anh lại mong muốn lập nghiệp lâu dài ở đây.
Vào được hơn một tháng, trong một lần được người nhà thông báo tối có đoàn xiếc Đại Dương (TP Hồ Chí Minh) về lưu diễn ở địa phương và tối đó, anh rủ thêm mấy người bạn cùng đi xem. Trong quá trình theo dõi, anh luôn băn khoăn khi thấy ban nhạc chơi thiếu đàn ghi ta, trong khi bản thân anh biết chơi loại nhạc cụ này. Thấy vậy, khi kết thúc chương trình, anh vào gặp trưởng đoàn với nguyện vọng xin vào ban nhạc. Biết ý định đó, một cuộc sát hạch diễn ra ngay tại sân khấu và anh được nhận ngay vào đoàn xiếc.
Tự làm kiếm để… nuốt
|
Anh Điệu trở thành người Việt Nam đầu tiên nuốt được nhiều thanh kiếm cùng lúc. Anhr: Giadinh.net. |
Nhớ lại những tháng ngày cực khổ khi đi theo nghề nuốt kiếm mà theo anh đây chính là mối lương duyên giữa anh và nghề. Thậm chí, trước anh có nhiều người học môn này nhưng không thành công. Anh kể, sau khi anh được nhận vào ban nhạc được khoảng 3 năm và cùng đoàn đi biểu diễn khắp nơi thì anh được sư phụ dạy 10 môn biễu diễn của đoàn, trong đó có nuốt kiếm. Tuy nhiên, học cách để nuốt được kiếm đã khó và nuốt được nhiều kiếm cùng lúc thì khó vô cùng. Vì vậy, ngoài sự khổ luyện nhiều năm, khéo léo, chính xác thì phải có sự tập trung cao độ và quan trọng nhất là không sợ nguy hiểm.
Để nuốt được một thanh kiếm dài và thành thục thì mất khoảng từ 1 đến 5 phút. Trong quá trình nuốt kiếm, vừa phải đưa kiếm vào cổ họng vừa vận nội công, ép thực quản sang một bên và không để đầu kiếm chạm đến các bộ phận này vì dễ bị tổn thương. Khi đầu kiếm xuống gần vị trí dạ dày, lại ép dạ dày sang bên trái hoặc bên phải. Đối với loại kiếm hình cong lưỡi liềm thì quá trình ép dạ dày đi theo đường cong của kiếm. Nếu chỉ cần một sơ suất nhỏ, tâm lý không tốt, mất tập trung hay sức khỏe không ổn định là ảnh hưởng đến tính mạng.
Anh Điệu cho biết: “Lúc đầu tôi chỉ nuốt được loại kiếm tròn có độ dài khoảng 10cm, sau đó tôi tập nuốt các loại kiếm có hình dạng khác nhau và độ dài khoảng 80cm tôi đều thực hiện thành công. Những loại kiếm này tôi tự làm từ tôn và thép mỏng chứ không phải loại kiếm bày bán ở cửa hàng”.
Nhớ lại lần tai nạn khi biểu diễn ở Yên Bái, anh cho hay, hôm đó anh nuốt ba thứ gồm: cà lê, chiếc đũa và con dao, giữa các loại dụng cụ này được nối với nhau bằng sợi chỉ. Khi nuốt vào thì không vấn đề gì, nhưng lúc lôi ra thì các loại dụng cụ vướng vào nhau khiến anh lo sợ. Lúc này, anh đã dùng nội công để ép thực quản và dạ dày để gỡ từng mối vướng đó.
Được sự động viên của sư phụ và các thành viên trong đoàn xiếc, năm 2006, anh tham gia chương trình tìm kiếm những kỷ lục Guinness Việt Nam và anh đã nuốt được 15 thanh kiếm cùng lúc với chiều dài 60cm, độ dầy 3,5cm tại Bệnh viện Tràng An (Hà Nội), dưới sự giám sát của máy móc y học hiện đại. Sau khi đạt được kỷ lục này, anh Điệu về quê cưới vợ và không tham gia biểu diễn cùng đoàn nữa.
Có một điều lạ ở “dị nhân nuốt kiếm” này, đó là từ ngày anh theo đoàn xiếc biểu diễn, anh luôn giấu gia đình và người thân chuyện nuốt kiếm. Cho nên, khi anh trở thành “kỷ lục gia” thì cả làng anh cũng không ai biết, chỉ đến đúng ngày anh cưới vợ thì mọi chuyện mới vỡ lở. “Tôi tham gia chương trình từ năm 2006 nhưng đến năm 2007 thì chương trình tìm kiếm kỷ lục mới phát tiết mục của tôi. Tôi nhớ hôm đó là buổi trưa đang tổ chức lễ thành hôn. Khi thấy nhiều người trong phòng cưới, đặc biệt họ nhà gái nhìn tôi xì xào to nhỏ, tôi lo lắm, chỉ khi biết chuyện tôi thở phào nhẹ nhõm”, anh Điệu cười nói.
Tin chú rể Nguyễn Đắc Điệu là “kỷ lục gia về nuốt kiếm” đã nhanh chóng lan khắp làng trên xóm dưới, sau ngày cưới có rất nhiều người ở mọi nơi tìm về gia đình anh để xin truyền nghề. Cũng sau lần ấy, nhiều chương trình đến mời anh đi biểu diễn khắp nơi. Năm 2014, khi vợ chồng anh sinh con thứ hai, anh đã bỏ hẳn nghề để ở nhà hành nghề cho thuê phông bạt đám xá, chơi đàn lễ cưới và quan trọng hơn là được ở gần vợ con.
Theo Đức Tùy/Giadinh.net