Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ để bàn và chỉ đạo về phòng chống COVID-19 sáng 27/2, nêu ý kiến về việc đi học trở lại của học sinh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vấn đề này do Bộ trưởng GD&ĐT cùng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét trong các khung kế hoạch thời gian năm học mà Bộ đã công bố.
Bộ GD&ĐT thảo luận với địa phương để xử lý vấn đề hiệu quả nhất, tốt nhất để đưa ra thời gian học sinh đi học trở lại cụ thể.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, kết quả phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho đến nay là tốt, nhưng nguy cơ dịch bệnh vẫn còn.
“Chúng ta có thành công hết sức quan trọng. Có đối sách đúng, ngăn chặn, cách ly cương quyết, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, sử dụng các lực lượng liên quan, cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Do đó chúng ta ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh: không có ca nhiễm bệnh mới, 16 người bệnh đều ra viện, được thế giới đánh giá cao, không có bất ngờ xảy ra”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta không được chủ quan mà phải tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ đạo của Thủ tướng và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Chúng ta nghiêm túc, trách nhiệm trong việc họp bàn ứng phó từ Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo với các địa phương cả nước.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP |
“Với tinh thần trách nhiệm cao nhất trước nhân dân, chúng ta đã làm tất cả, dù tốn kém, vất vả cũng phải làm; chứ dễ dãi, đơn giản, thiếu ý chí trong việc này thì sẽ thất bại”, Thủ tướng nêu rõ.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu, phải kiên quyết cách ly, bắt buộc đối với mọi người từ vùng dịch vào Việt Nam. Ngăn chặn lây lan là giải pháp y tế tốt nhất lúc này. Tiếp tục tạo điều kiện cho người cách ly sinh hoạt bình thường.
Đồng thời, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao Bộ Quốc phòng đã giành công sức, cơ sở vật chất và lực lượng trong công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là ở phía bắc thời gian qua. Các Bệnh viện Quân y cũng sẵn sàng cho công tác phòng chống dịch bệnh. Nếu chúng ta để cả người nước ngoài và người Việt Nam trong vùng dịch vào Việt Nam thì dễ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
“Đảng, Nhà nước và quân đội tiếp tục bảo đảm điều kiện sinh hoạt tốt cho người bị cách ly. Bộ Ngoại giao, các cơ quan liên quan giải thích, khuyến cáo công dân Việt Nam chấp hành tốt khuyến cáo của Nhà nước, chính quyền sở tại. Các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài truyền tải thông điệp này tới công dân Việt Nam. Chúng ta tiếp tục không được chủ quan, không tụ tập, họp hành đông người. Các lễ hội, hội nghị không quan trọng phải dừng lại đề phòng lây nhiễm rộng. Chúng ta bình tĩnh nhưng cương quyết để không ảnh hưởng tình hình”, Thủ tướng nói.
Nêu lại bài học kinh nghiệm của Vĩnh Phúc vừa chống dịch Covid-19 tốt dù cách ly cả một xã, nhưng vẫn bảo đảm phát triển sản xuất, tăng trưởng cao, Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình dịch còn phức tạp ở một số nơi nhưng chúng ta có niềm tin dịch bệnh sẽ được kiểm soát trên thế giới vào quý 2 tới; kinh tế thế giới sẽ diễn biến khởi sắc, tích cực.
Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các doanh nghiệp cần theo dõi tình hình, tính toán để bảo đảm đủ nguyên vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất, bố trí đủ nguồn lao động.
Các bộ, ngành, địa phương ngay từ thời điểm này, bên cạnh việc kiên quyết ngăn chặn dịch Covid-19 hiệu quả thì đồng thời cần có tư duy đột phá chính sách và hành động để năm 2020 tiếp tục là năm tiếp tục thành công về kinh tế, ổn định xã hội, hoàn thành toàn diện các mục tiêu mà Đảng và Quốc hội đã giao.
Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phương án về giảm thuế, giãn thuế, hoãn thuế, chậm nộp thuế, giảm phí logistics và một số vấn đề khác về bảo hiểm y tế, BHXH để tạo cho các cơ sở sản xuất có sức, có đà vươn lên, nhất là tăng chi tiêu cho an sinh xã hội, đặc biệt là hỗ trợ trực tiếp cho những đối tượng bị tổn thương của dịch bệnh; báo cáo những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
>>> Mời độc giả xem video Hà Nội: Gần 3.000 trường khử trùng, đón học sinh
Tại cuộc họp, đại diện Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 cho biết, số ca nhiễm mới bên ngoài Trung Quốc lần đầu tiên lớn hơn số nhiễm của Trung Quốc, đánh dấu bước ngoặt lây lan dịch trên phạm vi toàn cầu. Hiện tại, tất cả các châu lục, trừ châu Nam Cực, đều ghi nhận ca nhiễm COVID-19 với 49 quốc gia, vùng lãnh thổ công bố có người mắc.
Những nước có nhiều người mắc nhất là Trung Quốc (78.473 mắc, 2.741 tử vong), Hàn Quốc (1.595 mắc, 12 tử vong), Nhật Bản (877 mắc, 7 tử vong, trong đó tàu Diamon Princess: 705 mắc, 4 tử vong ), Italy (453 mắc, 12 tử vong), Iran (139 mắc, 19 tử vong). Số mắc mới tại Trung Quốc đang có xu hướng chững lại, tuy nhiên, tại một số nước, dịch đang phát triển mạnh như Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy, Iran.
Tại Việt Nam, từ ngày 13/2 đến nay không ghi nhận các trường hợp mắc mới. Tình hình dịch ở nước ta đang được kiểm soát.
Về các biện pháp phòng chống, Ban Chỉ đạo cho biết, Bộ Ngoại giao, các hãng hàng không thông báo rộng rãi về việc cách ly bắt buộc 14 ngày đối với người từ vùng dịch Hàn Quốc vào Việt Nam. Đối với người Hàn Quốc và người đã qua Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 11/2, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị cập nhật ngay danh sách và nơi cư trú, lưu trú, gửi các tỉnh, thành phố để rà soát, thực hiện giám sát y tế và tổ chức cách ly các trường hợp được phát hiện đến từ vùng có dịch của Hàn Quốc, hoặc tiếp xúc gần với người từ vùng dịch.
Về các tuyến bay giữa Việt Nam-Hàn Quốc, hiện nay không còn chuyến bay tới vùng có dịch, tần suất các chuyến bay tới các cảng hàng không khác của Hàn Quốc đã giảm 60-70%.
Hải Ninh