Đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp khi số ca nhiễm đã lên đến hơn 12.000 người (chỉ tính riêng từ 27/4 đến nay), lan rộng ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước và nhiều địa phương lên đến hàng nghìn ca.
Trong suốt thời gian qua, Việt Nam luôn tuân thủ nghiêm những nguyên tắc đã có trong phòng, chống dịch. Đó là “ngăn chặn – phát hiện – cách ly – khoanh vùng – dập dịch - điều trị” và đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đến thời điểm này cần phải xác định sống chung với đại dịch.
Trong đó, cần có những suy nghĩ lại về chiến lược chống dịch trong giai đoạn mới. Một số chuyên gia khuyến nghị, F0 với triệu chứng nhẹ nên khuyến khích điều trị tại nhà, không cần nhập viện, tránh tình trạng quá tải bệnh viện khi số ca nhiễm liên tục gia tăng.
|
Ảnh: TTXVN |
Thực tế, với những F0 có triệu chứng và biểu hiện lâm sàng nhẹ, tại một số nước trên thế giới như Mỹ, Ấn Độ, Singapore, Anh... cũng được khuyến khích tự cách ly, theo dõi và điều trị tại nhà. Câu chuyện của Nhạc trưởng Lê Phi Phi - một Việt Kiều đang sinh sống tại Cộng hoà Bắc Macedonia và cả gia đình đã cùng nhau chiến đấu và chiến thắng COVID-19 tại nhà gây xúc động lớn và cho chúng ta thấy, F0 với triệu chứng nhẹ vẫn có thể điều trị tại nhà.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Anh hùng lao động, GS.TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Đại biểu Quốc hội khóa XV cho rằng, vấn đề này, ông có đề cập từ cuối năm 2020.
Người bị virus viêm gan B rất nhiều nhưng người phát ra bệnh viên gan B chỉ là một tỷ lệ nhất định. Trên thế giới, người ta nghiên cứu cho thấy, người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng rất nhiều nhưng người phát ra bệnh chỉ xấp xỉ 30%. Có khoảng 70% không thể hiện bệnh là những người lành mang virus, còn những người thể hiện bệnh thì là bệnh COVID-19.
“Như vậy những người nhiễm virus nhưng không thể hiện bệnh. Trong lịch sử chống dịch COVID-19 của Việt Nam, giai đoạn 3 trở về trước là những quyết định thể hiện sự quyết tâm rất lớn của đất nước mình, của Chính phủ, Bộ Y tế. Khi phát hiện ca nhiễm là phải cách ly, điều trị là rất đúng. Bởi thời điểm đó, số lượng người nhiễm ít nên chúng ta làm được. Tôi đã từng nói đừng có vội kết luận những người xét nghiệm dương tính virus SARS-CoV-2 là bệnh nhân COVID-19 ngay mà nên gọi trường hợp đó là người bị nhiễm SARS-CoV-2”, - GS.TS Nguyễn Anh Trí nêu ý kiến.
Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, còn hiện nay số lượng người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính đã lên hàng vạn người. Nếu cứ cho vào bệnh viện để điều trị như vậy thì nhiều trường hợp là chưa cần thiết và sẽ rất khó khăn do quá tải bệnh viện.
Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần con số sẽ tăng lên gấp 10 lần số này dù quyết liệt nhưng đừng run sợ và có những biện pháp phù hợp với tình hình thực tế. Hiện nay Việt Nam đang dần quay trở về đúng như trên thế giới. Khi số lượng ca nhiễm lớn, rất khó có thể cách ly, thậm chí F1 nếu có điều kiện nên tự cách ly tại nhà.
“Khái niệm F0 bây giờ phải phân biệt có hai loại. Loại thứ nhất, F0 có thể hiện bệnh COVID-19 và loại F0 người lành mang virus. F0 thể hiện bệnh COVID-19 thì phải điều trị còn F0 mà chưa thể hiện bệnh thì tự cách ly, điều trị tại nhà, không phải nhập viện. Bởi bệnh viện còn để chữa cho các bệnh nhân nhiễm các bệnh khác và cũng rất quan trọng.
Trước đây, khi chưa có dịch COVID-19, hệ thống bệnh viện vẫn đã có tình trạng quá tải. Còn bây giờ vì có dịch nhiều bệnh viện được sắp xếp lại để khám phân luồng phòng, chống dịch, thậm chí có bệnh viện còn được phân công để điều trị bệnh nhân COVID-19. Cùng với đó, còn có một số bệnh viện bị phong tỏa nữa... Do đó, F0 cần được phân biệt thành 2 dạng như trên, nếu F0 người lành mang virus nên cách ly, điều trị tại nhà. Tuy nhiên, cần phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh” - GS.TS Nguyễn Anh Trí cho biết.
PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương trong một bài viết đăng tải mới đây đã nêu quan điểm rằng, cần nghiên cứu thí điểm quản lý cách ly ngoài bệnh viện đối với khoảng 84% F0 không triệu chứng hoặc nhẹ, không cần chăm sóc y tế, có thể tự khỏi (giống như cách ly F1 tại nhà đang thí điểm). Đồng thời, cần theo dõi chặt chẽ, khi cần vào viện là có xe chuyên dụng đến đưa đi kịp thời. Chỉ các trường hợp F0 thực sự cần điều trị y tế hoặc không có đủ điều kiện cách ly ngoài bệnh viện mới cần thực hiện các biện pháp như hiện nay.
Theo PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung, như vậy, các bệnh viện sẽ có điều kiện tập trung nguồn lực để điều trị các bệnh nhân khác. Nhiều bệnh khác cũng rất nguy hiểm đến tính mạng con người nếu không được nhập viện hoặc không có đủ thiết bị điều trị, đặc biệt là máy thở, chứ không chỉ COVID-19.
Song PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung lưu ý, việc này phải được thực hiện trong điều kiện an toàn. Những điều kiện an toàn để cách ly tại nhà cần quy định rõ F1, F0 phải là người có hiểu biết, có cam kết nghiêm túc thực hiện cách ly và chịu trách nhiệm trước pháp luật; phải ở trong phòng riêng có khu vệ sinh; có người phục vụ (thường là người nhà bệnh nhân) phải ký cam kết; phải có phương tiện giám sát để đảm bảo an toàn cộng đồng (ví dụ như camera hay vòng đeo tay giám sát bằng công nghệ).
Bên cạnh những ý kiến đồng tình với đề xuất F0 có triệu chứng bệnh nhẹ thì không cần nhập viện, một số chuyên gia vẫn tỏ ra băn khoăn.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, hiện nay ở Việt Nam, cứ phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2 là phải đi cách ly, điều trị tại bệnh viện. Chúng ta chỉ áp dụng F2 cách ly tại nhà và F1 hiện đang làm thí điểm cách ly tại nhà nếu đủ điều kiện.
“Tôi cho rằng, F0 là những người đã dương tính với virus SARS-CoV-2, khả năng lây lan là rất lớn. Việt Nam hiện số ca mắc chưa nhiều. Trên thế giới, nhiều quốc gia có số mắc lớn nên mới phải cách ly, điều trị tại nhà. Việt Nam chúng ta hiện vẫn đang sạch, có chỗ điều trị cách ly những trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2” - PGS.TS Trần Đắc Phu nêu ý kiến.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà – nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho rằng, nhiều quốc gia do số lượng ca nhiễm lớn nên chỉ điều trị tại viện những ca có triệu chứng nhưng Việt Nam hiện vẫn đang kiểm soát được. Nếu không quản lý tốt các ca lâm sàng có triệu chứng được phát hiện sớm ở giai đoạn mới nhiễm sẽ dẫn đến bùng phát dịch rất lớn.
“Hiện ở cộng đồng chúng ta chưa bị nhiễm nhiều, nếu chúng ta thả bung ra sẽ dẫn đến lây nhiễm nhanh và số bệnh nhân sẽ rất lớn. Khi đó có thể suy sụp, quá tải hệ thống y tế. Khi mà số lượng bệnh nhân của chúng ta lớn, bệnh viện chỉ có thể gánh được nhưng ca có biểu hiện lâm sàng nặng thì lúc đó phải chấp nhận cho F0 lâm sàng nhẹ cách ly, điều trị tại nhà” - Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cảnh báo nguy hiểm khi người trẻ mắc COVID-19:
Hải Ninh