Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023: “Nút thắt” là cơ chế đặt hàng

Google News

Để tháo gỡ nút thắt khó khăn kinh tế báo chí hiện nay, các cơ quan báo chí phải nhanh chóng chuyển sang cơ chế đặt hàng.

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023. Đây là sự kiện thuộc sự kiện thuộc chuỗi các hoạt động của Dự án Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024.
Dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm cùng 120 đại biểu là đại diện các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương.
Dien dan Kinh te bao chi nam 2023: “Nut that” la co che dat hang
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Diễn đàn
Sụt giảm doanh thu ngày càng rõ rệt
Phát biểu tại Diễn đàn về thực trạng kinh tế báo chí hiện nay, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, trước xu hướng sụt giảm doanh thu ngày càng rõ rệt nhưng các cơ quan báo chí còn lúng túng trong việc suy nghĩ giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Để xảy ra tình trạng trên có trách nhiệm lớn từ cơ quan quản lý báo chí, khi chưa có cơ chế, chính sách để hỗ trợ kịp thời các tờ báo.
Diễn đàn Kinh tế báo chí 2023 nhằm trao đổi, đánh giá về thực trạng kinh tế báo chí, nguồn thu, hoạt động kinh tế trong các cơ quan báo chí hiện nay. Đây cũng là dịp để các cơ quan báo chí cùng ngồi lại để chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi chính sách liên quan tới cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ, chia sẻ một số mô hình kinh tế báo chí và gợi mở cho hoạt động kinh tế báo chí ở nước ta… Từ đó, đề xuất được những giải pháp, kiến nghị phù hợp nhằm giúp phát triển kinh tế báo chí tại Việt Nam.
Tại diễn đàn, đại diện Cục Báo chí (Bộ TT&TT) nêu ý kiến, để cải thiện doanh thu, các cơ quan báo chí cần nâng cao chất lượng nội dung, giảm chi phí vận hành, sản xuất, phân phối. Các cơ quan báo chí, truyền thông cần sớm chuyển đổi sang cá nhân hóa thông tin, tạo tổ hợp báo chí hội tụ đa phương tiện, có sức cạnh tranh cao và nắm bắt thị hiếu và nhu cầu của bạn đọc. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số cần áp dụng với các công nghệ, giải pháp tạo được sự kết nối đồng thuận giữa các cơ quan báo chí, các nhà mạng viễn thông.
Dien dan Kinh te bao chi nam 2023: “Nut that” la co che dat hang-Hinh-2
Quang cảnh diễn đàn. 
Các cơ quan báo chí phải nhanh chóng chuyển sang cơ chế đặt hàng
Tại Diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, kinh tế báo chí là một vấn đề cấp thiết cần có lời giải đáp để báo chí Việt Nam phát triển. Đặc biệt giải được bài toán kinh tế báo chí cũng giúp cho báo chí các địa phương có thể từng bước tự chủ tài chính, để có bước phát triển đột phá nhằm thực hiện tốt vai trò, chức năng báo chí cách mạng Việt Nam, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.
Tuy nhiên, tình trạng chung của báo chí hiện nay là nguồn thu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều cơ quan báo chí trong đó có cơ quan báo chí của tỉnh nhà đang gặp nhiều khó khăn, báo in ngày càng sụt giảm, trong khi vẫn phải đầu tư cho báo điện tử mà không thu được doanh số đáng kể. Truyền hình mất dần doanh thu, nguồn thu quảng cáo bởi các nền tảng mạng xã hội, dẫn đến các cơ quan báo chí thiếu nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực.
Ông Phan Anh Tuấn cho rằng, để tháo gỡ nút thắt này, các cơ quan báo chí phải nhanh chóng chuyển sang cơ chế đặt hàng. Nhà nước vẫn đảm bảo ngân sách đặt hàng, đảm bảo nuôi sống cơ quan báo chí hiện nay, chính quyền địa phương cũng như các sở, ngành đã bắt đầu quan tâm đến cơ chế đặt hàng báo chí, với các khoản kinh phí dành cho truyền thông.
“Như vậy, bài toán về kinh phí cho cơ quan báo chí hoạt động là có. Tuy nhiên, để việc này được triển khai thuận lợi, các cơ quan báo chí phải xây dựng định mức, đơn giá và phải có sự thống nhất từ cơ quan chủ quản, cơ quan liên quan. Đối với những tác phẩm nằm trong cơ chế đặt hàng sẽ được nghiệm thu, đánh giá. Ngoài ra cơ quan báo chí có thể ký hợp đồng thêm với các đơn vị có nhu cầu về mặt truyền thông. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần ứng dụng công nghệ số”, ông Tuấn nói.
Đơn đặt hàng sẽ là một kênh phát triển kinh tế báo chí
Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023, Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền cho rằng, tờ báo không phải doanh nghiệp sinh ra để kinh doanh, lấy lợi nhuận kinh tế làm thước đo tồn tại và phát triển. Trước hết, tờ báo phải làm nội dung tốt, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, tạo vị thế vững vàng, tạo nền tảng tốt trong dòng chảy thông tin báo chí cách mạng... sau đó mới có thể triển khai nhiệm vụ kinh tế báo chí.
“Tờ báo không sinh ra để kinh doanh, trong khi nhiệm vụ chính trị, tôn chỉ, mục đích thì lại xem nhẹ và mánh lới, “lạng lách” theo các nội dung kinh tế quyết định; “khoán doanh thu” hay xem “doanh thu và lợi nhuận” là tiêu chí tồn tại và đánh giá vị thế, chất lượng tờ báo như kiểu đánh giá doanh nghiệp”, bà Huyền nói.
Do đó, những vấn đề quan trọng từ chức năng, nhiệm vụ thực hiện tôn chỉ, mục đích chính là cơ sở lý giải cho các nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển các hình thức thông tin tuyên truyền theo đặt hàng từ ngân sách nhà nước và từ nguồn lực xã hội, nguồn lực công và tư. Sự đầu tư đúng và trúng nhiệm vụ, vị thế, uy tín, sức sống lan tỏa của tờ báo một mặt làm nên hiệu quả thông tin sâu sắc hơn, mặt khác tờ báo sẽ nhận được nhiều đơn đặt hàng, nhiều nguồn lực từ xã hội hơn.
Bà Huyền nhấn mạnh, đơn đặt hàng cũng là một kênh phát triển kinh tế báo chí trên cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ kép và sẽ mang lại “hiệu quả kép” vừa có đầu tư, nguồn lực cho tòa soạn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp; vừa góp phần nâng cao nhận thức thực thi pháp luật, chấp hành pháp luật, sáng kiến pháp luật và bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân… Đây chính là phương thức kinh tế báo chí xuyên suốt trong việc thực hiện tôn chỉ, mục đích góp phần vừa sáng tạo ra những sản phẩm truyền thông vừa mang lại hiệu quả chính trị, kinh tế và xã hội…
Phó Trưởng ban điện tử Báo Nhân dân Ngô Việt Anh dẫn số liệu trong năm 2022, tổng doanh thu quảng cáo trên toàn cầu vượt mức 500 tỷ USD, trong đó doanh thu quảng cáo trên nền tảng số chiếm hơn 50%, giữ mức tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19. Theo khảo sát, doanh thu quảng cáo tại Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 1,4 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2021.
Theo ông Ngô Việt Anh, với sự phát triển của công nghệ 4G, 5G cũng như smartphone ngày một phổ biến, nhu cầu của người đọc đã chuyển dần từ báo giấy sang phiên bản số, đi kèm với đó là sự dịch chuyển về nguồn thu đối với các cơ quan báo chí, từ in sang điện tử.
Nguồn thu của các cơ quan báo chí trên thế giới có thể chia làm 3 nhóm chính: Nguồn thu từ khách hàng quảng cáo, truyền thông chính sách hoặc thương hiệu; Nguồn thu từ độc giả thông qua thu phí trên báo điện tử; Nguồn thu từ hoạt động liên kết, hợp tác để tạo những giá trị mới như tổ chức sự kiện, môi giới dữ liệu, thương mại điện tử, khai thác nội dung đã xuất bản... Đây cũng là những gợi ý cần thiết cho các cơ quan báo chí Việt Nam học tập và triển khai.
Tại Việt Nam, các cơ quan báo chí có nguồn thu lớn trên nền tảng số đều có nội dung chất lượng, có tính sáng tạo cao và lượng độc giả lớn. Thành công về nội dung báo chí thường đến trước và tạo tiền đề cho thành công trong kinh doanh báo chí. Do đó, các tòa soạn ưu tiên chiến lược phát triển nội dung khác biệt, sáng tạo đáp ứng nhu cầu của tập độc giả trung thành, song hành với chiến lược kinh doanh để thu hút khách hàng tiềm năng.
Kết luận tại diễn đàn, ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, hầu hết các lãnh đạo cơ quan báo chí trong nước đều trưởng thành từ người làm nội dung hoặc làm kinh tế báo chí tốt. Với tình hình hiện nay, Tổng Biên tập các tờ báo nên suy nghĩ để có giải pháp đưa tờ báo mình phát triển, đặc biệt, cần có đội ngũ phát triển kinh tế báo chí, làm quảng cáo.
“Các Tổng Biên tập nên suy nghĩ phải có Phó Tổng biên tập, Phó Tổng giám đốc… phụ trách về vấn đề kinh tế, tài chính, công nghệ”, ông Lâm cho biết và cam kết, sẽ có trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo Đảng trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các cơ quan báo chí trong nước phát triển.
“Trên thực tế thời gian qua, nhà nước rất quan tâm đến việc phát triển báo chí. Tới đây, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị cần có những đợt tập huấn riêng "cầm tay chỉ việc" cho đội ngũ làm công tác tài chính của các báo. “Nếu tổ chức mà báo nào không cử cán bộ đi tập huấn thì nghiêm khắc phê bình. Việc này, khó một lần nhưng sau này sẽ trơn tru", ông Lâm cho hay.
>>> Mời độc giả xem thêm video Ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ về vai trò của báo chí với doanh nghiệp
  
Hải Ninh