Đơn vị của Tổng cục Hậu cần, BQP cho thuê đất làm trại lợn, dân chịu ô nhiễm kinh hoàng

Google News

(Kiến Thức) - Người dân thuộc 2 xã Thạch Hoà và Bình Yên (H.Thạch Thất, Hà Nội) đã kêu cứu hơn 10 năm nay vì sống trong cảnh ô nhiễm từ việc xả thải trực tiếp ra môi trường của các trang trại nuôi lợn thuê đất của đơn vị thuộc Tổng cục Hậu cần, BQP.

Người dân thuộc hai xã Thạch Hoà và Bình Yên (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã viết đơn kêu cứu gửi cho chính quyền xã, huyện, thành phố và các cơ quan chức năng về việc môi trường sống của họ đã bị "bức tử" trong suốt hơn 10 năm qua.
Họ là những người dân sống gần khu vực đất quốc phòng thuộc quản lý của Tiểu đoàn 26 - Tổng cục Hậu cần và Trung đoàn 916 - Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân. Theo người dân, họ đang ngày đêm sống phải hứng chịu mùi hôi thối nồng nặc bốc ra từ một số trang trại chăn nuôi lợn.
Trao đổi với PV, ông Hồng thôn 10, xã Thạch Hòa cho biết: Hàng chục năm nay, không chỉ có riêng gia đình ông mà có hàng trăm hộ dân sống tại đây vô cùng khổ cực vì mùi hôi thối, mùi xú uế từ những trang trại lợn gây ra, những lúc thay đổi thời tiết, về đêm, là những lúc thấy tởm nhất vì mùi hôi thối bốc lên không thể tả nổi…
Theo ông Hồng, mặc dù tình trạng ô nhiễm này đã được người dân nhiều lần làm đơn gửi lên các cấp chính quyền địa phương cũng như phía quân đội, nhưng cho đến thời điểm hiện tại thì vẫn chưa được xử lý.
Don vi cua Tong cuc Hau can, BQP cho thue dat lam trai lon, dan chiu o nhiem kinh hoang
Nước thải đặc quánh được xả thải từ các trại lợn ra môi trường 
Đáng chú ý, việc xả thải trực tiếp ra môi trường từ những trang trại lợn không chỉ gây ra mùi hôi thối khó chịu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt của những hộ dân nơi đây.
Trao đổi với PV, bà Nhung (Tổ 11, xã Thạch Hòa) cho hay: “Khi chưa có trại lợn, toàn bộ người dân ở đây đều sử dụng nước giếng khoan để sử dụng.
Thế nhưng, từ khi những trại lợn này xuất hiện thì nguồn nước sạch của bà con cũng bị ảnh hưởng vì nguồn nước ô nhiễm do nước thải của các trang trại này thẩm thấu xuống nguồn nước sinh hoạt. Chính vì vậy, bà con phải bỏ giếng khoan, đầu tư làm giếng trời để hứng nước sạch”.
Qua ghi nhận sự việc, PV Báo Kiến Thức làm việc với UBND xã Thạch Hòa để hiểu rõ sự tình. Ông Nguyễn Văn Hoạt – cán bộ môi trường xã Thạch Hòa cho biết: Sự việc người dân phản ánh là đúng, bởi ông cũng là người địa phương và từng nhiều lần cùng các cơ quan chức năng vào trực tiếp các trại lợn để giải quyết sự việc nên cảm nhận rõ sự ô nhiễm môi trường từ việc xả thải không qua xử lý của các hộ chăn nuôi.
Don vi cua Tong cuc Hau can, BQP cho thue dat lam trai lon, dan chiu o nhiem kinh hoang-Hinh-2
Những bể chứa nước thải của các trang trại lợn lộ thiên và không qua xử lý 
Nước thải, phân lợn từ trại lợn chảy ra suối chạy qua thôn 10, 11 xã Thạch Hòa và chảy qua xã Bình Yên, xã Lại Thượng của Thạch Thất ảnh hưởng đến nhiều hộ dân.
Nghiêm trọng nhất là hơn 1.000 người dân đang sống trên địa bàn thôn 10, 11 xã Thạch Hòa. Ông Hòa cho biết, nguồn nước ngầm của thôn 10, 11 đều đã bị ô nhiễm bởi nước xả thải từ các trang trại lợn và hiện đã không thể sử dụng...
Vị cán bộ phụ trách môi trường xã Thạch Hòa cho biết thêm, chính quyền địa phương đã nhận được đơn kiến nghị của các hộ dân từ bao lâu nay, mọi đơn từ đều được chuyển lên huyện, thành phố để xin ý kiến xử lý. Các hộ trang trại lợn họ trực tiếp ký hợp đồng thuê đất với Tổng cục Hậu cần - Bộ tham mưu (Bộ Quốc Phòng). Về các giấy tờ liên quan giữa các bên thì UBND xã không thể nắm được. Nhưng khi có kiến nghị của người dân, UBND xã Thạch Hòa cũng đã mời các bên liên quan đến làm việc để tìm phương án giải quyết.
Don vi cua Tong cuc Hau can, BQP cho thue dat lam trai lon, dan chiu o nhiem kinh hoang-Hinh-3
Ông Nguyễn Văn Hoạt – cán bộ môi trường xã Thạch Hòa đứng cạnh ao chứa nước thải từ trang trại lợn xung quanh xả ra. 
Ông Nguyễn Văn Hoạt cho biết thêm, UBND huyện Thạch Thất, trên địa bạn xã Thạch Hòa có trại Trung đoàn 96 hơn 40 chuồng. Theo thông tin xã Thạch Hòa nắm được thì năm 2020 này hết thời hạn thuê đất giữa chủ trang trại và phía Bộ Thạm mưu - Tổng cục Hậu cần. Trại Trung đoàn 96 cũng đã giải tán số chuồng trại và chỉ còn khoảng 6 chuồng là đang tiếp tục chăn nuôi (khoảng 500 -700 con lợn - PV).
Theo cán bộ xã Thạch Hòa, rất nhiều cơ quan chức năng vào cuộc để giải quyết vấn đề ô nhiễm do những trại chăn nuôi lợn gây ra và dự kiến xử lý dứt điểm trong năm 2020. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm cần thêm thời gian để khắc phục do với lượng xả thải ra môi trường hơn 10 năm qua của các trang trại lợn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng và xử lý không phải là vấn đề đơn giản.
"Các cơ quan chức năng của huyện Thạch Thất, UBND TP Hà Nội đã phối hợp với Bộ Tham mưu - Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) cùng tham gia giải quyết vấn đề, qua nhiều lần làm việc nhưng vẫn chưa thể xử lý vụ việc. UBND xã Thạch Hòa tiếp tục kiến nghị lên cấp trên để sớm trả lại môi trường sống trong sạch cho người dân trên địa bàn" - ông Hòa cho hay. 
Video: Nước thải trại lợn xả trực tiếp ra môi trường gây mùi hôi thối

 

Theo tài liệu mà UBND xã Thạch Hòa cung cấp, năm 2016, Bộ Tham mưu - Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) đã nhiều lần ra văn bản về việc thanh lý hợp đồng với các chủ trang trại thuê đất của đơn vị sản xuất, cụ thể là chăn nuôi lợn. Nội dung văn bản là chấm dứt hợp đồng liên kết chăn nuôi và khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường trong khuôn viên đất Quốc phòng trên địa bàn huyện Thạch Thất, TP Hà Nội.
Nhưng không biết vì lý do gì mà đến nay tình trạng các trang trại nuôi lợn vẫn hoạt động và việc xả thải ra môi trường chưa qua xử lý vẫn tiếp diễn?
Báo Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin về vụ đơn vị của Tổng cục Hậu cần, BQP cho thuê đất làm trại lợn, dân chịu ô nhiễm kinh hoàng 10 năm chưa dứt.
Nhật Di - Gia Đạt