Dự án 8B Lê Trực: Những ai làm ngơ để 'con voi chui lọt lỗ kim'?

Google News

Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, những cán bộ liên quan đến sai phạm của doanh nghiệp tại dự án 8B Lê Trực không xứng đáng với vai trò lãnh đạo của mình.

Dự án 8B Lê Trực (phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội) bị phát hiện sai phạm từ năm 2015, nhưng hơn 4 năm trôi qua vẫn chưa xong việc xử lý.
Một công trình dang dở nằm ngay trung tâm Thủ đô gây mất mỹ quan thành phố. Không những thế, sự dang dở này còn đẩy biết bao người dân vô can phải khốn khổ vì mất tiền mà vẫn không có nhà để ở.
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vừa diễn ra, nhiều đại biểu cũng lên tiếng "mổ xẻ" dự án này, phần lớn cho rằng, việc chậm trễ xử lý dự án làm ảnh hưởng đến kỷ cương, pháp luật đối với không chỉ riêng Hà Nội.
Du an 8B Le Truc: Nhung ai lam ngo de 'con voi chui lot lo kim'?
 
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) - Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội - nhấn mạnh, vụ việc 8B Lê Trực là câu chuyện giữa chính quyền và doanh nghiệp nhưng ở đây người mua nhà lại là nạn nhân, họ đang phải hứng chịu mọi thiệt hại.
Ông Nhưỡng cho biết, vấn đề này từng được ĐBQH gửi kiến nghị tới Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Theo đó, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc khẳng định, Hà Nội không thể vô can, thờ ơ mãi với những sai phạm tại dự án 8B Lê Trực. Ông nhấn mạnh, một công trình đồ sộ nằm giữa Hà Nội mà vẫn để xảy ra những vi phạm lớn như thế chứng tỏ là kỷ cương phép tắc đang bị coi thường.
“Thực sự việc quản lý nhà nước ở các cấp đang rất có vấn đề”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nhận định.
“Chúng ta nói doanh nghiệp sai thì Nhà nước phải nhanh chóng, quyết liệt xử lý. Nhưng có một thực tế từ nhiều dự án khác nữa không chỉ riêng vụ 8B Lê Trực cho thấy, lúc doanh nghiệp xây dựng, Nhà nước không kiểm soát hoặc biết rõ có sai phạm nhưng không xử phạt mà phải đợi đến khi xây xong mới tìm cách thanh tra, xử lý. Có phải 10-20 căn hộ đâu mà là hàng trăm căn hộ được xây lên, sai phạm to đùng mà vẫn để lọt thì quá vô lý”, ông Nhưỡng nói.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đặt nghi vấn về việc sử dụng “quyền lực mềm” của một bộ phận cán bộ nhà nước.
“Tôi cho rằng những cán bộ liên quan đến sai phạm tại dự án 8B Lê Trực không xứng đáng với vai trò lãnh đạo của mình. Để một dự án xây xong, đi vào vận hành khai thác rồi mới nói đến chuyện sai đúng thì quá muộn. Quyền lực Nhà nước trao cho cán bộ đó không phải để họ tùy tiện thích cho xây thì cho rồi đến lúc lại yêu cầu chặt bỏ là không được. Còn tiền của của doanh nghiệp, tài sản và quyền lợi của người dân thì ai chịu trách nhiệm?”, Phó trưởng ban Dân nguyện Quốc hội chất vấn.
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Quang Ngọc – Giám đốc Công ty luật Quốc tế Thiên Việt cũng cho rằng, để xảy ra sai phạm tại dự án 8B Lê Trực, trách nhiệm đầu tiên là của chính quyền Hà Nội. Lẽ ra với những công trình có vị trí gần kề với các mục tiêu bảo vệ thì phải rà soát các quy định của pháp luật để xem xét cấp giấy phép xây dựng một cách cẩn thận và nghiêm khắc nhất. Nhưng đây lại quá dễ dãi từ khâu cấp phép đến giám sát các hoạt động thi công.
Thứ hai là phải kiểm soát chất lượng lúc xây dựng như phương án kiến trúc, phương án kỹ thuật, đó là trách nhiệm chính của TP. Hà Nội và cụ thể ở đây là Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc, thậm chí cả trách nhiệm của Bộ Xây dựng.
Các cơ quan chuyên môn liên quan nêu trên có vai trò kiểm tra, theo dõi việc chấp hành pháp luật trong xây dựng nên ngay từ đầu khi các dự án được triển khai thì chính các cơ quan này phải kiểm soát được các tiêu chí về kiến trúc, kỹ thuật của dự án.
Đối với 8B Lê Trực, sai phạm xảy ra khi đã triển khai xây dựng, sau đó cũng đã có chỉ đạo của rất nhiều cơ quan chức năng thì UBND thành phố Hà Nội phải nghiêm túc chấp hành, thực hiện triệt để các sai phạm trên tinh thần những chỉ thị đó nhưng sự việc xảy ra đã lâu vẫn dậm chân tại chỗ càng khiến dư luận bức xúc.
“Có thể nói các cơ quan quản lý Nhà nước địa phương trong đó có UBND Hà Nội không thực hiện đúng, đủ chức năng quản lý”, Luật sư Ngọc bày tỏ quan điểm.
Theo luật sư Nguyễn Quang Ngọc, việc phá dỡ sai phạm tại dự án 8B Lê Trực là cần thiết vì không những ảnh hưởng đến vấn đề an ninh của các công trình mục tiêu được bảo vệ xung quanh mà còn tạo thói quen "xé rào", "nhờn luật" của các chủ đầu tư xây dựng và hơn nữa là người dân mất niềm tin vào khả năng quản lý của UBND TP Hà Nội.
“Theo tôi, cùng với việc xử lý sai phạm của chủ đầu tư thì cũng cần phải xử lý trách nhiệm của các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ giám sát của Hà Nội như Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch kiến trúc, UBND quận Ba Đình... nói riêng và trách nhiệm của UBND TP Hà Nội nói chung”, Luật sư Ngọc nhấn mạnh.
Theo BÍCH ĐÀO - CHÂU ANH/ VTC