Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi góp phần điều chỉnh đất đai theo cơ chế thị trường định hướng XHCN

Google News

Với những quy định mới về quản lý sử dụng đất nông nghiệp, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), sẽ góp phần điều chỉnh đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tại hội thảo "Góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)" do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Hội đồng Dân tộc, Quốc hội đồng chủ trì, TS Nguyễn Đình Bồng, PCT Hội Khoa học Đất Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính đề cập đến vấn đề phân loại đất và chế độ sử dụng các loại đất theo dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Du thao Luat Dat dai sua doi gop phan dieu chinh dat dai theo co che thi truong dinh huong XHCN
 TS Nguyễn Đình Bồng, PCT Hội Khoa học Đất Việt Nam.
Theo TS Nguyễn Đình Bồng, phân loại đất theo quy định tại Điều 11. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã kế thừa các quy định về phân loại đất của Luật Đất đai 2013, bổ sung đất chăn nuôi tập trung vào nhóm đất nông nghiệp, sửa đổi làm rõ đất nông nghiệp khác để tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện trong phân loại đất tại khoản 1 Điều 11.
Phân loại đất theo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là phù hợp: Việc kế thừa các quy dịnh của Luật Đất đai 2013 đảm bảo sự thống nhất đồng bộ số liệu thống kê, kiểm kê đất đai qua các thời kỳ; Việc bổ sung đất chăn nuôi tập trung và làm rõ đất nông nghiệp khác, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung , quy mô lớn trong giai đoạn từ nay đến 2030, tầm nhìn đến 2045
Đối Chế độ sử dụng các loại đất, TS Nguyễn Đình Bồng cho rằng, dự thảo Luật đã có nhiều quy định mới, trong đó có những những nội dung có tính đột phá, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp hướng tới nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất quy mô lớn và sẽ có tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.
PCT Hội Khoa học Đất Việt Nam nêu, Luật Đất đai 2013 quy định: Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của Hộ gia đình cá nhân không quá 10 lần; Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định không quá 15 lần. Theo quy định này diện tích đất cây hàng năm của Hộ gia đình cá nhân sử dụng tối đa lên tới 45 ha, diện tích đất trồng cây lâu năm vùng đồng bằng 150 ha, vùng Trung du miền núi là 450 ha; diện tích đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất 450 ha. Quy định này đủ lớn để đáp ứng cho Hộ gia đình cá nhân có khả năng, có nhu cầu mở rộng quy mô sử dụng đất theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hiệu quả.
“Với những quy định mới về quản lý sử dụng đất nông nghiệp, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), sẽ góp phần điều chỉnh đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khăc phục những bất cập hiện tại; đáp ứng yêu cầu của các thành phần kinh tế, đặc biệt là các tổ chức kinh tế trong nước (các hợp tác xa, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn kinh tế), các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thức đẩy tích tụ tập trung đất đai theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tập trung, hiệu quả”, TS Nguyễn Đình Bồng trình bày và cho biết khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc Hội thông qua, sẽ tạo cơ hội cho hộ gia đình sản xuất nông nghiệp và các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài tiếp cận với đất đai thuận lợi; khuyến khích, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hàng hóa mà nước ta có lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy tập trung, tích tụ đất đai theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tập trung, hiệu quả.
Nói về các quy định của dự thảo Luật liên quan đến đất sử dụng đa mục đích, TS Nguyễn Đình Bồng cho rằng, đây là quy định mới trong dự thảo Luật Đất đai với mục đích là đất được sử dụng kết hợp vào nhiều mục đích khác để làm tăng hiệu quả sử dụng đất. Dự thảo Luật tại Điều 219 đã quy định cụ thể về nguyên tắc sử dụng đất đa mục đích và mục đích sử dụng đất chính được xác định theo quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất. Trong quá trình thực hiện cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định về bản đồ, hồ sơ địa chính, đăng ký, cấp giấy chứng nhận; quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất đa mục đích.
Việc sửa đổi, bổ sung các nội dung như đã nêu ở trên tạo cơ sở pháp lý để quản lý và tổ chức thực hiện thống nhất; khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất; nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện các quyền của các đối tượng sử dụng đất; chỉnh trang, phát triển đô thị và khu dân cư nông thôn trên cơ sở đồng thuận của người sử dụng đất, góp phần cải thiện điều kiện sống cho cư dân đô thị và nông thôn; nâng cao hệ số sử dụng đất, hiệu quả sử dụng đất thông qua việc khai thác không gian ngầm và không gian trên không.
Thiên Tuấn