Nhiều năm qua, ông K’Ten (59 tuổi, người dân tộc Cơ Ho, thôn Ka Long, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) đã không quản ngại nguy hiểm, ngày ngày lội suối, leo dốc để tuần tra, bảo vệ rừng thông đỏ đặc biệt quý hiếm. Nhiệt huyết của K’Ten khiến bà con trong vùng cảm phục, gọi bằng cái tên đầy cảm mến “Người rừng K’Ten”.
Dũng sĩ săn Fulro một thời
Sinh ra tại buôn Liêng, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), năm 17 tuổi, K’Ten là một trong số ít người Cơ Ho sớm giác ngộ cách mạng, chiến đấu tại khu vực núi Voi. Năm 20 tuổi, K’Ten lấy vợ và chuyển về thôn Ka Long, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng sinh sống. Trong thời gian này, bọn phản động Fulro cực kỳ manh động, chúng sẵn sàng nổ súng vào bất kỳ ai dám chống lại. Với sự nhanh nhẹn, mưu trí, ông trở thành tổ trưởng lực lượng vũ trang chuyên săn Fulro, trực tiếp tham gia nhiều trận chiến ác liệt, lập nhiều thành tích.
|
Ông K’Ten bên gốc cây thông đỏ quý hiếm trong rừng nguyên sinh. ảnh: N.T
|
Năm 1981, trong một lần chiến đấu quyết liệt với 5 tên Fulro tại suối Tà Rèn gần khu vực thác Prenn, ông K’Ten không may bị thương, phải rời quân ngũ. Một thời gian sau, nhân chính quyền đang cần người bảo vệ rừng thông đỏ đặc biệt quý hiếm, ông K’Ten đã xung phong đảm nhận…
Theo nghiên cứu của Phân viện Sinh học Tây Nguyên, cây thông đỏ núi Voi có tên khoa học là Taxus wallichiana Zucc, thuộc họ thanh tùng (Taxaceae), là loài thực vật rất quý hiếm, có giá trị lớn về đa dạng sinh học. Đặc biệt lá và vỏ của thông đỏ chứa hoạt chất taxol với hàm lượng rất cao, dùng để bào chế thuốc chữa trị các loại bệnh ung thư. Cây thông đỏ được y học dân gian dùng trị hen suyễn, viêm phế quản, nấc, tiêu hóa; giun đũa, đau đầu...
Hiện, ông K’Ten bảo vệ 57 cây thông đỏ nằm trong rừng nguyên sinh rộng 32ha thuộc các tiểu khu: 268, 277 thuộc xã Hiệp An (Đức Trọng). Trước đây, rừng thông đỏ cổ thụ hay bị lâm tặc tàn phá. Rất nhiều cây hàng trăm năm tuổi đã bị chúng chặt hạ không thương tiếc. Nhưng kể từ ngày ông nhận bảo vệ, không còn thấy bóng dáng lâm tặc nữa. Năm 2009, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng đã tiến hành gắn chíp điện tử và đóng số vào những cây thông đỏ nhằm siết chặt công tác quản lý, bảo vệ loài thông quý hiếm, tuy vậy cuộc chiến bảo vệ loài cây quý này vẫn chưa hết gian nan…
Không nao núng trước lâm tặc
“Một tuần có 7 ngày thì ít nhất 5- 6 ngày tôi có mặt trong rừng, vậy mà không thấy mệt mỏi, ngược lại được thấy cây rừng xanh tươi, tôi càng thấy mình khỏe hơn” - K’Ten vừa nói vừa dẫn chúng tôi vào rừng sâu, tìm tới vị trí những cây thông đỏ cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Ở tuổi gần 60, ông vẫn leo núi thoăn thoắt khiến chúng tôi phải mệt bở hơi tai mới theo kịp… Trên đường đi, thi thoảng lại thấy những gốc thông bị cưa nham nhở, mục nát. Ông K’Ten cho biết đây là những cây thông đỏ cổ thụ bị lâm tặc chặt phá từ thời ông chưa làm bảo vệ. Nghe câu chuyện của ông, chúng tôi phần nào hiểu được để giữ được những gốc thông đỏ quý giá này, ông K’Ten phải đối diện với biết bao vất vả, hiểm nguy.
Ông kể: “Có lần tôi chở vợ đi khám bệnh, bọn lâm tặc tổ chức chặn đường gây sự, bảo tôi không được coi rừng thông đỏ nữa. Người nhà lo sợ khuyên nghỉ việc nhưng tôi vẫn không nao núng. Lần gần đây nhất, bọn người xấu đã “khủng bố” nhà tôi bằng cách bỏ thuốc sâu xuống ao làm cá chết hết. Tuy nhiên, dù chúng có giở trò gì cũng không thể khiến tôi nhụt chí. Để giữ những cây thông đỏ núi Voi, chỉ những người không sợ cái chết như tôi mới đủ dũng khí đối đầu với lâm tặc”. Chia tay chúng tôi, ông K’ Ten nói rằng: “Đối với tôi, bảo vệ rừng thông đỏ không chỉ là hoàn thành công việc được giao đơn thuần. Cánh rừng nguyên sinh với những cây thông đỏ này là ân nhân đã chở che tôi và đồng đội qua những ngày tháng chiến đấu chống bọn Fulro phản động. Và bây giờ là lúc tôi phải trả nghĩa cho những người bạn ấy…”.
Theo Dân Việt