>>> Mời quý độc giả xem video "Vì sao Đàm Vĩnh Hưng bị nhiều người chê vẫn trở thành ngôi sao lớn". Nguồn VTC14: |
|
Mới đây, dư luận tranh cãi quanh việc 1 trang Facebook được cho là của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng treo thưởng 20 triệu đồng cho người nào tát vào mặt anh Đoàn Văn Tí có hành vi bạo hành con trai trong lúc say rượu. Sau dòng trạng thái đó, vào ngày 18/10, khoảng 100 người tìm đến một nhà trọ của anh Tí ở TP Mỹ Tho (Tiền Giang) để đánh người đàn ông này.
Lãnh đạo Công an tỉnh Tiền Giang cho biết đã nắm về việc thông tin trang Facebook được cho là của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng xúi giục cộng đồng mạng đánh người khác và treo thưởng 20 triệu đồng. Tuy nhiên, trang Facebook trên đã gỡ status liên quan đến vụ ông bố bạo hành con.
Theo đó dư luận cũng đặt ra câu hỏi rằng Facebooker Đàm Vĩnh Hưng kích động vụ "bố đánh con" bị xử lý hình sự hay hành chính? Vị Phó giám đốc Sở TTTT TP HCM cho biết, đối với hành vi như kêu gọi kích động, đập phá có thể xử lý được nếu cơ quan chức năng làm rõ mối liên hệ giữa lời kêu gọi trên mạng xã hội (MXH) và hành vi kích động trên thực tế. Nếu bị hại khiếu nại thì hành vi càng dễ xử lý hơn.
|
Hình ảnh người bố đánh con mình khiến nhiều người bức xúc. |
Vị này cho biết thêm: "Về mặt luật pháp, nếu truy tiếp thì có thể xử lý chủ tài khoản Facebook đó về mặt hình sự dựa vào Bộ luật Hình sự, có thể cải tạo với hình thức giam giữ tới 3 năm. Còn góc độ hành chính thì Sở Thông tin và Truyền thông có thể xử phạt từ 20-30 triệu đồng theo Nghị định 174".
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường – Văn Phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, lời kêu gọi, hô hào của Facebook được cho là của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cho thấy anh ta muốn bênh vực kẻ yếu, muốn bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, nếu sự việc trở thành sự thật thì ca sĩ này và người làm theo lời anh ta có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích và tội làm nhục người khác.
Thậm chí, nếu “loại bỏ người đàn ông kia khỏi xã hội” có nghĩa là giết hại anh ta trước khi pháp luật xử lý thì hành vi này là hành vi giết người, sẽ bị xử lý về tội giết người với vai trò chủ mưu hoặc giúp sức. Pháp luật quy định công dân có quyền bắt người phạm tội quả tang, phòng vệ chính đáng... Nghĩa là khi phát hiện ra người khác đang thực hiện hành vi phạm tội thì bất cứ ai cũng có quyền bắt giữ để giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền xử lý hoặc khi thấy người khác hoặc bản thân mình đang bị tấn công, đe dọa tính mạng, sức khỏe thì có quyền chống trả lại một cách cần thiết...
|
Luật sư Đặng Văn Cường – Văn Phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP Hà Nội. |
Luật sư Cường cho biết thêm, còn khi vụ việc đã xảy ra, bản thân mình và người khác không còn nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe thì pháp luật nghiêm cấm sử dụng bạo lực để trả thù, gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác.
Pháp luật quy định việc bắt giữ người khác, kết tội người khác phải do người có thẩm quyền thực hiện theo trình tự, thủ tục luật định. Bất cứ ai bắt giữ người trái pháp luật, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự người khác trái pháp luật thì sẽ đều bị xử lý trước pháp luật bằng các chế tài nghiêm khắc. Pháp luật nghiêm cấm sử dụng một hành vi vi phạm pháp luật để đáp trả lại một hành vi vi phạm pháp luật.
Trong vụ việc nêu trên, hành vi của người đàn ông đánh đứa trẻ là rất phản cảm, vi phạm luật trẻ em, xâm hại đến sức khỏe, danh dự nhân phẩm của trẻ em bởi vậy hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra.
Còn đối với những người mà chửi bới, lăng mạ, xúc phạm người khác trên mạng xã hội như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nêu trên thì cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu hành vi này chưa gây ra hậu quả thì vẫn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện với mức phạt có thể lên đến 30.000.000 đồng.
Gia Đạt