Gan "to" cỡ nào nữ cựu công an lừa tiền tỷ của 3 đồng nghiệp?

Google News

(Kiến Thức) - Nhận số tiền hơn 1,3 tỷ đồng của đồng nghiệp để giúp họ không bị kỷ luật, nữ cựu công an Nguyễn Thanh Thủy cùng với Phạm Hoài Nam bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt sản.

VKSND Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố Nguyễn Thanh Thủy (37 tuổi, cựu cán bộ Công an huyện Đan Phượng) và Phạm Hoài Nam (42 tuổi, cựu cán bộ Công an quận Cầu Giấy) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo buộc, chiều 7/5/2015, 3 cán bộ Đội CSGT của Công an Hà Nội bị phát hiện bỏ vị trí công tác để đi chơi. Sợ cấp trên kỷ luật, một người trong số này liên hệ với Thủy để nhờ giúp.
Thủy nhận lời rồi trao đổi câu chuyện với Phạm Hoài Nam khi đó là Phó đội cảnh sát ma túy Công an quận Cầu Giấy để nhờ Nam liên hệ cấp trên.
Tối 10/5/2015, 3 CSGT cùng người thân đến gặp Thủy tại nhà ở xã Di Trạch, huyện Hoài Đức. Theo thỏa thuận, nữ cán bộ công an yêu cầu gia đình nhóm CSGT chuẩn bị tiền để lo "chạy" kỷ luật.
Giữa tháng 5 và đầu tháng 6/2015, Thủy đã nhiều lần nhận tổng số tiền 690 triệu và 30.000 USD của người nhà nhóm CSGT. Thủy sau đó đưa số ngoại tệ cho Nam.
Ngày 8/10/2015, Công an Hà Nội quyết định kỷ luật, điều chuyển 3 CSGT vi phạm bỏ vị trí công tác sang Phòng cảnh sát bảo vệ. Biết mình bị lừa, nhóm CSGT đã gửi đơn tố cáo hành vi của Thủy.
Căn cứ tài liệu có được, VKSND cáo buộc Thủy đã gian dối khi hứa hẹn giúp 3 CSGT thoát kỷ luật để nhận 690 triệu đồng và 30.000 USD. Sau khi nhận tiền, nữ bị can đưa cho Nam 30.00 USD và 30 triệu đồng. Số còn lại Thủy đã dùng vào mục đích cá nhân.
Gan
Ảnh minh họa 
Trao đổi với PV Kiến Thức về vụ việc cựu nữ công an lừa tiền tỷ của 3 đồng nghiệp, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Theo thông tin phản ánh thì Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã có bản cáo trạng truy tố đề nghị xét xử đối với hai bị can là cựu công an (cựu cảnh sát điều tra) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, điều bất ngờ là nạn nhân bị lừa đảo trong vụ án này lại chính là đồng nghiệp của họ.
Rất đáng tiếc cho hai cán bộ thoái hóa biến chất, đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của cả đồng nghiệp mình như vậy dẫn đến bị xử lý hình sự, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành và uy tín của lãnh đạo ngành công an. Bởi vậy, khi bị kết tội thì hai người này sẽ phải chịu những chế tài nghiêm khắc của pháp luật.
Theo quy định của pháp luật thì lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác với giá trị tài sản từ 2.000.000 đồng trở lên.
Bởi vậy, Tòa án sẽ làm rõ phương thức thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hai người này là gì, những thông tin gian dối mà hai người này đã đưa ra để cho những người bị hại phải đưa tiền là thông tin nào, thể hiện qua các tài liệu chứng cứ nào.
Tại sao người bị hại lại tin rằng hai người này có thể tác động với lãnh đạo để xin cho những người bị hại không bị kỷ luật ? Ngoài ra, Tòa án cũng sẽ làm rõ các tài liệu, chứng cứ để chứng minh việc những người bị hại đã nhiều lần đưa tiền cho các đối tượng này.
Gan
 Luật sự Đặng Văn Cường
Nếu kết quả tranh tụng cho thấy, các đối tượng đã đưa ra những thông tin gian dối, thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác, ở đây chính là đồng nghiệp với mình thì những người này sẽ bị kết tội về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với mức hình phạt ở khung cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân bởi số tiền chiếm đoạt là hơn 1.000.000.000 đồng. Có thể tội danh và hình phạt được quy định tại Điều 174: "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Những vấn đề về hành vi, tính chất mức độ của hành vi, hậu quả, nhân thân và các yêu tố khác sẽ được tòa án làm rõ tại phiên tòa tới đây. Đây sẽ là một bài học đối với nhiều cán bộ trong việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức để tránh xa những cám dỗ vật chất, giữ gìn đạo đức, tác phong, lối sống của cán bộ công an nhân dân.
Điều 174 Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
g) (được bãi bỏ)
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) (được bãi bỏ)
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) (được bãi bỏ)
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
>>> Xem thêm video: Nữ quái làm giả giấy tờ nhà lừa đảo chiếm đoạt tiền tỷ

Nguồn ANTV

Xuân Diệp