Theo điều tra của cơ quan Công an, một người tự xưng là Lê Văn Mạnh, thường diện trang phục trung tá công an, có những biểu hiện "không giống công an", nên đã vào cuộc điều tra.
Rạng sáng 19/2, Mạnh bị các trinh sát bắt giữ khi đang ngồi ăn ở một quán ốc tại phường Tân Đồng. Tại nơi tạm trú ở khu phố Phú Cường, phường Tân Phú, TP Đồng Xoài, công an phát hiện nhiều đồ đạc, dụng cụ của ngành công an như: thẻ chứng minh công an nhân dân (làm giả), trang phục công an nhân dân, nón công an, còng số 8, súng bắn đạn bi...
Tại cơ quan điều tra, Mạnh khai tên thật là Hồ Thanh Ngân và không phải là người trong ngành công an. Ngân thừa nhận hành vi giả danh trung tá công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tình cảm đối với một số "người đẹp".
Theo Công an TP Đồng Xoài, năm 2018 Ngân đã từng bị Công an TP Đồng Xoài bắt giữ và xử lý khi giả danh Công an.
Đối tượng giả danh trung tá công an có thể bị xử lý thế nào? Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi của đối tượng này có dấu hiệu phạm nhiều tội danh như: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội sử dụng tài liệu con dấu giả và tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng bởi vậy cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng này để có hình thức xử lý theo quy định pháp luật.
|
Đối tượng Hồ Thanh Ngân bị Công an bắt giữ.
|
Có thể nói rằng đối tượng này có một sự chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng, tinh vi. Đối tượng có đầy đủ giấy tờ, vũ khí, vật dụng giống như một người trong ngành Công an, chính vì vậy có thể lừa gạt, dụ dỗ tình cảm, tiền bạc của nhiều người.
Hành vi này là hết sức nguy hiểm xâm phạm nhiều quan hệ pháp luật như quyền sở hữu tài sản, đặc quyền của nhà nước trong việc quản lý vũ khí quân dụng, quản lý nhà nước về tài liệu, con dấu và danh dự, nhân phẩm của công dân...
Hành vi của đối tượng này con làm giảm sút uy tín của lực lượng Công an đối với nhân dân, gây ra những hệ lụy tiêu cực trong xã hội.
Bởi vậy việc phát hiện, xử lý với các đối tượng giả danh, giả mạo, lừa đảo này là rất cần thiết và cần phải xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật.
|
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội.
|
Với hành vi sử dụng thông tin gian dối, dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác mà trị giá tài sản từ 500.000.000 đồng trở lên, thì đối tượng này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất là từ 12 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân theo quy định tại điều 174 bộ luật hình sự năm 2015.
Đối với hành vi tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng thì hành vi này cũng bị xử lý hình sự với mức hình phạt có thể cao nhất là 20 năm tù hoặc tù chung thân theo quy định tại Điều 304 Bộ Luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018).
Để xử lý đối tượng này về tội tàng trữ, trái phép vũ khí quân dụng thì cơ quan điều tra cần phải mang khẩu súng này đi giám định, nếu kết quả giám định cho thấy đây là vũ khí quân dụng thì đối tượng này sẽ bị xử lý hình sự theo điều 304 bộ luật hình sự nêu trên.
Còn đối với hành vi sử dụng thẻ cảnh sát thì cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ là thẻ này có phải do cơ quan có thẩm quyền cấp không? nếu không phải thì đây là thẻ, con dấu giả bởi vậy cơ quan chức năng sẽ làm rõ đối tượng nào làm ra chiếc thẻ này, việc sử dụng chiếc thẻ ra sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi lừa gạt tình cảm thì không có chế tài xử lý hình sự tuy nhiên đây là hành vi đáng lên án và là tình tiết để đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của các hành vi vi phạm pháp luật nêu trên khi tòa án quyết định mức hình phạt cụ thể đối với đối tượng này.
>>> Xem thêm video: Giả danh Lãnh đạo Bộ Công an đi lừa đảo
Trung Vương