Kỳ 1: "Tôi sẽ có nhiều súng hơn ông!"
Từ một căn ngõ nhỏ trên đường Minh Khai, xuất hiện bóng dáng một người đàn ông trung niên đội mũ trắng chở theo phía sau một bé gái xinh xắn. Bỗng một tiếng reo của một chàng thanh niên ngồi uống trà đá ven đường khiến những người xung quanh giật mình: "A! cậu Mũ Trắng".
Cậu thanh niên tỏ ra vồn vã: "Lâu lắm rồi không gặp cậu Mũ Trắng. Để hôm nào em mời anh uống nước". Cậu Mũ Trắng có vẻ như đang vội nên không dừng xe nhưng nói vọng lại: "Nhất trí!".
Nụ cười sang sảng của người đàn ông có tên cậu "Mũ Trắng" khiến những người xung quanh có ấn tượng ngay từ lần gặp đầu tiên. Tới Hải Phòng, hỏi cậu Mũ Trắng, người dân ở đây sẽ kể vanh vách cho bạn nghe nhiều giai thoại về người đàn ông này.
|
Đại tá Nguyễn Trường Tam (Cậu Mũ Trắng), huyền thoại "săn bắt" giang hồ Hải Phòng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Đại tá Nguyễn Trường Tam, biệt danh cậu Mũ Trắng là một trong những huyền thoại về săn bắt cướp của TP. Hải Phòng. Ông là khắc tinh mà đám giang hồ từng làm mưa làm gió một thời tại vùng đất cảng phải nể sợ.
Khi nhắc đến cậu Mũ Trắng là nhắc đến nhân vật của những vụ án nổi tiếng như bắt Mạnh "bí", Hà "đen", Cu Nên, Lâm "già"... và cả trùm giang hồ sừng sỏ Dung Hà...
Sau những vụ án chế ngự giang hồ rúng động, tên tuổi của cậu "Mũ Trắng" Nguyễn Trường Tam đã vượt qua khỏi biên giới của thành phố hoa phượng đỏ. Ông cũng là người có công đầu trong việc đưa đội cảnh sát hình sự đặc biệt H88 - Công an TP. Hải Phòng trở thành "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".
"Nhất định tôi sẽ có nhiều khẩu súng hơn ông"
Sinh ra ở quê lúa Thái Bình, ngày bé cậu Mũ Trắng rất thích đi bộ đội. Ngày Mũ Trắng còn bé, anh trai của cậu đã ở trong quân ngũ. Mỗi lần anh về thăm nhà anh trai mang theo quân phục và khẩu súng nên Mũ Trắng nhìn thích lắm.
Ngày xưa ở quê, nhà Mũ Trắng là 3 gian nhà lá. Biết em trai nghịch ngợm nên mỗi lần về nhà anh trai Mũ Trắng lại phải treo khẩu súng trên cao. Như thông lệ, mỗi lần về quê, anh trai của Mũ Trắng thường dành thời gian đi thăm hỏi hàng xóm.
Với bản tính tò mò lại nghịch ngợm, vừa thấy anh trai ra khỏi nhà, Mũ Trắng liền trèo lên lấy súng xuống nghịch. Đúng hôm hàng xóm đi làm đồng, không có nhà, ông anh đành phải quay về giữa buổi.
Vừa quay về, nhìn thấy thằng em đang hí hoáy nghịch súng, ông anh giơ cao tay tát cho một phát vào mặt, khiến nổ đom đóm mắt. Ông anh đánh rất đau kiểu như: "Vả cho mày biết mặt, để không bao giờ mày dám động vào khẩu súng nữa".
Đấy là cái đồ nguy hiểm, không may cướp cò một cái là chết người ngay. Sau cái tát đau điếng, Mũ Trắng phải mất một lúc mới lổm ngổm bò dậy được. Lúc nghịch súng Mũ Trắng mới học lớp 7.
Bị anh trai đánh, Mũ Trắng khóc rưng rức rồi xuống hờn mẹ. Lần này mẹ chẳng bênh, đã vậy còn góp giọng chửi thêm cùng ông anh. Tức quá, Mũ Trắng vào phòng đóng cửa lại. Từ giây phút đó, Mũ Trắng nuôi ý chí trong bụng: "Nhất định sau này tôi sẽ rất nhiều khẩu súng hơn ông".
Bản lĩnh từ khi học lớp 6
|
Đại tá Nguyễn Trường Tam khi còn trẻ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Mũ Trắng học lớp 6 đã biết đi xe đạp của bố. Tất nhiên, nó không phải là chiếc xe Mini hay xe đạp điện như bây giờ. Đó là một chiếc xe Vĩnh Cửu có khung ngang. Muốn xe chạy, Mũ Trắng phải luồn thân hình nhỏ bé qua khung để đạp.
Ngày ấy, anh trai của Mũ Trắng luyện quân ở Nho Quan (Ninh Bình). Bố giao 10 quả trứng, 1 bao thuốc lá cho Mũ Trắng đạp xe từ Thái Bình sang bên Nho Quan gửi cho anh. Từ nhà sang Nho Quan quãng đường dài đến 75 cây số. Trước khi đi bố còn căn dặn "Không được làm vỡ 10 quả trứng".
Mũ Trắng có một người chị họ công tác ở Hải Phòng. Biết chị bị say xe nên Mũ Trắng bảo để đưa chị đi. Lúc đi người chị họ có chở Mũ Trắng nhưng lúc về thì cậu về một mình.
Từ Thái Bình ra Hải Phòng, qua 2 phà, 1 cầu treo và phải đạp xe đi từ sáng đến chiều mới tới nơi. Về nửa đường thì xe nổ lốp. Trên đường về, cậu Mũ Trắng đã kịp làm quen được với hai ông anh cũng đạp xe từ Quảng Ninh về.
Mũ Trắng cảm thấy yên tâm vì cảm nhận được hai ông này là người tốt. Đến 3h đêm, chiếc xe lại nổ lốp, không có người sửa nên cả hai người đàn ông cùng Mũ Trắng xuống dắt bộ về nhà.
Đêm ấy, trời mưa tầm tã. Về đến nhà một trong hai người đàn ông thì trời đã mờ sáng. Sau một ngày đạp xe, một đêm dầm mưa Mũ Trắng bị cảm lạnh. Hai người đàn ông tốt bụng đã lấy quần áo của em mình, lấy thuốc cảm cho Mũ Trắng uống. Sau đó, đến sáng hẳn mới cho Mũ Trắng về nhà.
Thích bộ đội nhưng lại làm công an
Gia đình nhà Mũ Trắng chỉ có 2 anh em trai. Ngày xưa, anh trai đi B nên cha không muốn cho Mũ Trắng tiếp tục đi bộ đội. Học hết lớp 8, sang đến lớp 9 thì cha làm hồ sơ cho Mũ Trắng đi công an. Tuy nhiên, ngày đó cân nặng bị thiếu nên người ta bày cho Mũ Trắng cách buộc đá vào chân.
Năm 1972, Mũ Trắng đi học công an ở trường Đồng Giới - Hải Phòng. Năm ấy, vẫn đang chiến tranh phá hoại miền Bắc. Mũ Trắng đi học nhưng thực chất là đi đào hầm. Đào hầm đến khi kí kết hiệp định Paris thì phá hầm trồng rau nuôi cá.
Đi học một thời gian, Mũ Trắng chán quá nên bỏ trường về. Về nhà cha Mũ Trắng bảo: "Thằng này mày học hành gì mà lại bỏ về. Mày thế này là đảo ngũ, dân quân du kích gô cổ mày vào". Nghe cha dọa, Mũ Trắng có phần sợ nên lại tìm cách quay lại trường tiếp tục học.
Học xong, Mũ Trắng được phân về Công an quận Hồng Bàng (Hải Phòng) làm việc. Lương khi ấy có mấy hào. Hai năm mới được lên hạ sĩ, trung sĩ, thượng sĩ I, thượng sĩ II, sau đó chuẩn úy rồi mới đến thiếu úy.
Trong khoảng thời gian này, ước mơ có nhiều khẩu súng của Mũ Trắng gần như đã thành hiện thực nên cậu nỗ lực và cố gắng rất nhiều. Thời gian làm ở Công an quận Hồng Bàng, Mũ Trắng đã làm việc hăng say, hết mình. Thế nhưng, cũng chỉ vì một nỗi oan "Thị Kính" mà bao công sức nỗ lực của Mũ Trắng bỗng chốc tan thành bọt biển.
Theo Kim Thược/VTC News