|
Thí sinh trao đổi bài sau giờ thi tổ hợp khoa học tự nhiên tại điểm thi Trường THPT Hùng Vương Q.5, TP.HCM |
Đề lý an toàn, phổ điểm ở mức 6/8
Theo thầy Nguyễn Tấn Danh, giáo viên môn vật lý Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM, đề thi môn vật lý mã đề 206 năm nay có phần khó hơn năm trước.
Nếu như năm 2017, thí sinh dễ dàng lấy được 6 điểm với những câu hỏi cơ bản thì năm nay phần này chỉ chiếm khoảng 4,5-5,5 điểm. Tuy nhiên phần kiến thức lớp 11 chủ yếu nằm trong những nội dung trọng tâm nên thí sinh cũng sẽ không gặp khó khăn nhiều.
Bên cạnh đó, những câu hỏi thuộc dạng phân loại, dành cho thí sinh khá, giỏi thì năm nay có phần khó hơn năm trước nhưng nếu thí sinh có rèn luyện thì vẫn làm được. Nhìn chung, đề thi không có câu hỏi đánh đố thí sinh, phổ điểm sẽ ở mức từ 6-8 điểm.
Trong khi đó, thầy Đoàn Hồng Hà, tổ phó tổ vật lý Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM, lại cho rằng đề thi năm nay quá an toàn, dạng câu hỏi tương tự như năm trước và phần lý thuyết vẫn quá nhiều và ất ít câu hỏi thực hành. Đa số các câu hỏi đều thuộc dạng quen thuộc, nếu thí sinh có luyện kỹ sẽ dễ dàng làm trọn vẹn.
Thầy Hà nhận định: "Đề thi như năm nay sẽ rất khó phân loại thí sinh khá và giỏi. Mà như vậy thì khó đạt được yêu cầu 2 trong 1 của kỳ thi THPT quốc gia. Dự đoán điểm thi môn lý năm nay cũng sẽ tương đương như năm trước".
Thầy Võ Tấn Đức - giáo viên lý ở Quảng Ngãi - cũng cho rằng đề lý năm nay khó hơn. "Nhìn vào đề thấy ngay từ câu 1 đến câu 20 là vận dụng thông hiểu, từ câu 20 trở về sau vận dụng cấp độ cao để phân loại học sinh. Hơn nữa, ngay cả 20 câu đầu của đề, phải nắm kiến thức thật chắc thì các em mới làm được vì là kiến thức tổng hợp cả lớp 11 lẫn 12".
Đề hóa: đề thi quá nặng về tính toán
Theo ThS Nguyễn Cửu Phúc, tổ trưởng tổ hóa Trường THPT Nguyễn Công Trứ TP.HCM, đề thi môn hóa năm nay khó hơn và tính phân loại cao hơn năm trước (mã đề 209). Trong đó 30% số câu hỏi thuộc phần kiến thức lớp 11, phần còn lại thuộc kiến thức lớp 12.
Với đề thi như năm nay, thí sinh trung bình có thể đạt được 5 điểm nhưng học sinh giỏi cũng sẽ rất khó kiếm được điểm 10 vì đề thi quá nặng về tính toán. Nếu thí sinh không có kinh nghiệm giải toán nhiều, không có kỹ thuật tính toán thì sẽ khó lòng làm trọn vẹn đề thi. Theo thầy Phúc, phổ điểm môn hóa năm nay sẽ ở mức 6-7 điểm.
Tương tự, cô Hà Thị Kim Liên, nguyên giáo viên môn hóa Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền TP.HCM, đề thi hóa năm nay (mã đề 209) có 20 câu đầu thuộc dạng câu nhận biết đơn giản, từ câu 62-67 dạng đề vận dụng, từ câu 68-72 dành cho học sinh khá giỏi, từ câu 73-80 dạng câu mang tính vận dụng cao đòi hỏi học sinh phải giỏi và rất giỏi mới làm được.
Như vậy, học sinh phải được ôn luyện kĩ, giải đề nhiều, nắm vững lý thuyết cũng như thành thục các kĩ thuật giải đề thi môn trắc nghiệm mới có thể hoàn thành bài thi tốt.
Thầy Khánh - giáo viên hóa Trường THPT Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi - cho rằng đề hóa năm nay khó hơn đề minh họa của bộ.
Về tổng thể, đề phân loại học sinh khá cao, em nào tư duy tốt và kỹ năng nhanh mới đạt điểm 9, 10. Xem tổng thể các mã đề, trong mỗi mã đề có đến 4 câu hỏi dài 6 dòng, học sinh mất nhiều thời gian vì dữ kiện nhiều, kiến thức nặng".
Cũng cho rằng đề hóa khó hơn mọi năm, cô Trần Thị Thúy Nhung (Quảng Ngãi) đánh giá: "Tôi ôn thi tốt nghiệp nhiều năm nay, nhận thấy đề hóa 2018 khó hơn năm ngoái và khó hơn đề minh họa.
Tuy nhiên đề rất hay, bao quát cả chương trình 12 và 11, đặc biệt ở 20 câu đầu, học sinh có thể nhận biết hiểu để lấy điểm dễ dàng. Ở những câu sau độ khó tăng dần nhưng đây là sự phân hóa chọn lọc học sinh. Nhìn chung các em thật sự tư duy, mới có thể đạt điểm cao".
Đề sinh: giáo viên cũng toát mồ hôi vì đề quá dài
Nhiều giáo viên ở TP.HCM tỏ ra thất vọng với đề thi môn sinh vì đề quá dài: "Tôi có giải thử và cũng toát mồ hôi mà vẫn không làm kịp thời gian như quy định của kỳ thi. Như vậy làm sao thí sinh làm kịp", một giáo viên môn sinh nói.
Theo cô Đặng Thị Yến, giáo viên môn sinh, hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận TP.HCM, đề môn sinh không khó nhưng quá dài khiến thí sinh phải chạy đua với thời gian: "Nhiều em làm không kịp không phải vì các em không biết làm mà không đủ thời gian để làm. Đúng là đề không có câu hỏi nào lắt léo, không có câu hỏi nào đánh đố thí sinh nhưng theo dạng như thế này thì không phù hợp với một kỳ thi 2 trong 1".
Cô Yến cho rằng: "Đáng lẽ đề thi phải có những câu hỏi kiểm tra năng lực của thí sinh, kiểm tra sự sáng tạo… của các em, rất tiếc đề thi năm nay không có. Như vậy rất khó để phân loại thí sinh và mục tiêu dùng kết quả kỳ thi để xét tuyển vào đại học e rằng không đạt được".
Thầy Trần Thanh Thảo - tổ trưởng tổ sinh Trường THPT Bình Sơn, Quảng Ngãi - nhận xét đề sinh phân hóa rất cao, từ câu đầu đến câu 20 học sinh vận dụng kiến thức thông hiểu cơ bản, từ câu 21 đến câu 30 phải tổng hợp hết tất cả kiến thức, và những câu cuối vừa nắm chắc kiến thức cơ bản, vừa biết tổng hợp và so sánh, tư duy thật bén mới làm trọn vẹn.
Ngoài ra, với thời lượng 50 phút cho 6 trang đề, thì đề dài, đòi hỏi học sinh có kỹ năng thật tốt. Với đề này thì phổ điểm khoảng 6-7 điểm.
Theo HHG-Thảo Phương/Tuổi Trẻ