Giọt nước mắt mặn chát của người Yên Bái sau khi lũ đi qua

Google News

Ngoài đau thương mất mát về người, bà con nơi tâm lũ vô cùng lo lắng khi tài sản không còn bất cứ thứ gì ngoài manh áo chạy ra khỏi nhà lúc vội vã.

Khi cơn hung dữ quét qua, người dân xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn vẫn chưa hết bàng hoàng, hãi hùng và đau xót.
Toàn xã có 3 người chết và mất tích, 18 ngôi nhà bị xóa sổ hoàn toàn, hàng chục ngôi nhà khác hư hỏng...
Gạt những giọt nước mắt mặn đắng, người dân nơi đây cần mẫn bới móc, vớt vát lại từng món đồ đạc còn lẫn trong đống đổ nát. Phần lớn đã hư hỏng hết, biết là chẳng thể cứu vãn nhưng ai cũng vẫn cố gắng kiếm tìm, hi vọng vớt vát chút gì đó.
Những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào vững chãi, khang trang một thời tại Bản Lùng giờ chỉ có thể nhận ra qua cái cột còn sót lại. 
Lúc ấy, lũ về Yên Bái quá bất ngờ, người dân bản Mười, bản Tủ chỉ kịp chạy lên đồi, xót xa nhìn lũ cuốn đi tất cả, giờ đây bỗng thành tay trắng.
“Có lấy ra được gì đâu, nước về thì chỉ chạy người thôi chứ không mang theo được thứ gì, chạy được người là may lắm rồi”- chị Hà Thị Quyên, một người dân ở bản chia sẻ.
Người dân huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái cũng chịu rất nhiều mất mát sau mưa lũ và sạt lở đất. Ngoài 5 người chết, đã có 22 nhà sập đổ hoàn toàn, hơn 100 nhà phải di dời người và tài sản ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở; khoảng 13 ha ruộng lúa bị vùi lấp và cuốn trôi…
Ông Lý Vàng Hử ở bản Nậm Pẳng, xã Nậm Có đã mất đi 2 người con trai và một người cháu, những lao động chính trong trận mưa lũ này.
“Thân già như tôi và những người trong gia đình giờ không biết phải làm sao để sống tiếp. Những ngày này nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành tôi rất cảm ơn nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi mong muốn các cấp sẽ tiếp tục quan tâm đến gia đình tôi nhất là các cháu nhỏ”- ông Lý Vàng Hử chia sẻ.
Để tiếp cận các bản còn bị cô lập, các đoàn công tác, cứu trợ phải lội suối, vượt đèo đi đường vòng. 
Đến nay, bước đầu tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ các gia đình có người bị chết, bị thương, nhà bị sập, đổ hoàn toàn số tiền 2,54 tỷ đồng. Cụ thể, hỗ trợ 10 triệu đồng đối với gia đình có người chết, mất tích, nhà cửa bị sập trôi hoàn toàn, hỗ trợ 3 triệu đối với người bị thương.
Tỉnh cũng cấp gần 17,5 tấn gạo cho các hộ mất hết nhà cửa, tài sản, các hộ phải di dời khẩn cấp. Đồng thời bố trí chỗ ở tạm thời và trang bị các vật dụng thiết yếu cho các hộ để ổn định lại cuộc sống…
Những hỗ trợ kịp thời ấy đã giúp người dân vùng tâm lũ ổn định cuộc sống tạm thời. Thế nhưng, về lâu dài, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, các địa phương, người dân nơi đây cần lắm những sự chia sẻ của đồng bào cả nước.
Ông Chu Đình Ngữ, Bí thư huyện ủy Văn Chấn cho biết: “Công tác khắc phục hậu quả gặp nhiều khó khăn, với tình hình này, chúng tôi cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ để Văn Chấn tiếp tục khắc phục được hậu quả”.
Để kịp thời hỗ trợ nhân dân tỉnh Yên Bái khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái vừa kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm, các tổ chức trong và ngoài tỉnh trích một phần lợi nhuận, thu nhập của đơn vị mình ủng hộ giúp đỡ những người bị nạn và gia đình bị thiệt hại tỉnh Yên Bái./.
Theo VOV