Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Nhung (SN 1969, Lại Xá 1, xã Thanh Thủy, Thanh Hà, Hải Dương), nhiều năm nay, gia đình bà và gia đình Bí thư huyện Thanh Hà xảy ra tranh chấp đất đai kéo dài. Đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết triệt để, đau đớn nhất là vì vài mét đất mặt đường mà anh em, họ hàng lại khó nhìn mặt nhau.
|
Bà Nhung chỉ vị trí cho rằng gia đình ông Quỳnh đóng cọc, lấn sang đất nhà bà.
|
Bà kể, vợ chồng bà (ông Trịnh Văn Phúc - chồng bà Nhung) được thừa hưởng thừa kế mảnh ao có diện tích 340m2. Diện tích này được sử dụng chung với ông Trịnh Văn Quỳnh (vợ là bà Lan).
Nói về nguồn gốc đất, bà Nhung cho biết, mảnh đất do ông cụ để lại. Bố chồng bà Nhung (ông Trịnh Văn Ngữ) là em ruột của bố ông Quỳnh. Theo đạo lý, ông Quỳnh là anh con bác của vợ chồng bà Nhung. Vì 2 gia đình vẫn sống cùng làng nên mối quan hệ dòng họ vẫn khăng khít cho đến khi xảy ra việc tranh chấp đất đai.
Sau khi các cụ khuất núi, mảnh ao nói trên được thừa kế cho ông Phúc và ông Quỳnh sử dụng chung. Đến năm 2016, gia đình đi làm sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) thì không hiểu sao diện tích từ 340m2 ban đầu lại bị giảm xuống còn 288m2. Tuy nhiên, do hiểu biết hạn chế nên thời điểm đó gia đình cũng không biết thắc mắc với ai về việc này.
Bà Nhung chia sẻ, sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), gia đình ông Quỳnh tự ý san lấp, xây tường cắt đôi mảnh đất. Việc gia đình ông Quỳnh làm bà Nhung nói rằng bà không hề hay biết.
|
Bờ tường do gia đình ông Quỳnh xây để chia đất, theo bà Nhung, việc này bà không được ông Quỳnh hỏi ý kiến, trao đổi trước. |
“Do vợ chồng tôi sống ở phía ngoài đường lớn, mảnh đất ao các cụ để lại nằm trong làng, trên đó chỉ có ngôi nhà cũ dự định để làm đất hương hỏa thờ cúng bố mẹ và anh trai là liệt sĩ Trịnh Văn Tâm nên gia đình cũng không thường xuyên ghé thăm. Khi biết gia đình ông Quỳnh tự ý chia đất, gia đình tôi cũng dĩ hòa vi quý, anh em trong nhà cả nên cũng không ý kiến gì" - bà Nhung tâm sự.
Xin được nói thêm, trong GSNQSDĐ mang tên ông Phúc, diện tích sử dụng là 288m2, loại đất: đất ao sản xuất, loại hình sử dụng chung. Phần đất của ông Phúc được chú thích trong sổ là 164m2. Như vậy có thể hiểu diện tích còn lại là của nhà ông Quỳnh.
Vì vậy, theo bà Nhung, việc gia đình ông Quỳnh tự ý san lấp rồi xây tường chia đất dù không bàn bạc, hỏi ý kiến và được sự đồng ý của vợ chồng bà nhưng để giữ hòa khí nên ông bà cũng nhường nhịn người anh của mình.
Bà Nhung cho hay: “Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu năm 2019, khi thôn mở rộng đường liên thôn, gia đình tôi phá bếp, tường bao xung quanh hiến đất cho thôn xã để mở rộng đường. Khi đường làm xong, gia đình tôi muốn xây lại tường bao thì anh Quỳnh ra nói là nhà họ còn 3m đất nữa ở bên đất nhà tôi. Có nghĩa là từ bức tường họ xây làm ranh giới ngăn cách trước đó, họ đòi nhà tôi phải cho họ thêm 3m theo chiều mặt đường nữa.”
Không đồng tình với yêu sách vô lối này của ông Quỳnh, bà Nhung báo sự việc ra xã. “Xã cử cán bộ vào giải quyết thì xác định nhà anh Quỳnh còn 1,8m nữa. Cán bộ địa chính giải thích: ‘Anh Quỳnh (Lan) có 110m2 đất sổ đỏ. Gia đình tôi thấy đây là điều vô lý khi sổ đỏ đứng tên chồng tôi dù đó là đất sử dụng chung. Ông Quỳnh được cấp sổ đỏ khi nào mà gia đình tôi không hề hay biết?”.
Đem thắc mắc này lên hỏi chính quyền xã, thế nhưng bà Nhung cho biết bà không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Thậm chí bà còn phản ánh việc bị chính quyền o ép, đứng về phía gia đình ông Quỳnh.
Bởi theo bà Nhung, “ông Quỳnh là bố của Bí thư huyện ủy, Chủ tịch huyện Thanh Hà, Hải Dương - ông Trịnh Văn Thiện”.
Bà cho biết, đã nhiều lần bà làm đơn lên xã để yêu cầu giải quyết triệt để việc bà bị gia đình ông Quỳnh tranh chấp đất nhưng vẫn chưa được chính quyền giải quyết thỏa đáng. Thậm chí, trong khi 2 gia đình đang có tranh chấp thì gia đình ông Quỳnh vẫn ngang nhiên lấp đất, lấn chiếm đất, trồng cây, đóng cọc bê tông, chăng dây thép gai lên phần đất nhà bà.
Bà ngậm ngùi, tôi đã nhiều lần nhường nhịn vì nghĩ đến dòng họ, nghĩ đến tình nghĩa anh em, gia đình… nhưng càng nhường thì lại càng bị lấn tới. “Hiến đất để chính quyền làm đường tôi còn không tiếc, tôi tiếc gì mấy mét đất với anh em họ hàng… nhưng họ ỷ thế nhà Bí thư huyện nên có coi gia đình tôi ra gì đâu?” - bà Nhung bức xúc.
Bà cho biết, nguyện vọng của bà là chính quyền trả lời rõ ràng những câu hỏi: Tại sao bản đồ thửa đất từ 340m2 từ thời các cụ để lại đến khi cấp sổ chỉ còn 288m2? Vậy diện tích còn lại đã đi đâu?
Tại sao gia đình ông Quỳnh được cấp sổ đỏ trong khi giấy CNQSDĐ diện tích 288m2 hiện giờ ông Phúc đang là người đứng tên. Ông Quỳnh được cấp thời điểm nào? tại sao gia đình ông Phúc không được thông báo?
Việc giữa 2 gia đình đang xảy ra tranh chấp, gia đình ông Quỳnh tự ý đóng cọc, chăng dây thép gai, đổ đất trồng cây là đúng hay sai?
Cuối cùng, bà Nhung đề nghị cơ quan chức năng đo đạc lại diện tích đất, phân chia rõ ràng để tránh những tranh chấp không đáng có.
Trao đổi với PV Báo điện tử Kiến Thức, ông Bùi Văn Khiêm - Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy (huyện Thanh Hà, Hải Dương) cho biết: "Chính quyền xã cũng rất nhiều lần đến tuyên truyền, vận động, hòa giải, nhưng khi xuống đến nơi thì chỉ thấy hai bên gia đình cãi vã."
Ông khẳng định, việc bà Nhung cho rằng xã bao che là không đúng, chính quyền làm việc theo quy định pháp luật.
Ông Khiêm nói thêm, đến thời điểm này, cả hai bên đã công nhận kết quả khảo sát của chính quyền xã. Nếu bà Nhung cảm thấy chưa thỏa đáng thì có thể làm đơn ra tòa, hoặc thuê các cơ quan có thẩm quyền như phòng Tài nguyên môi trường huyện về đo đạc lại diện tích của gia đình.
"Về phía thẩm quyền của UBND xã, chúng tôi đã giải quyết xong’’- ông Khiêm nói.
Bí thư huyện ủy, Chủ tịch huyện Thanh Hà sẽ trả lời về vấn đề này thế nào?
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin.
Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp1
Sông Thao