UBND tỉnh Hải Dương vừa tổ chức họp nghe báo cáo tình hình, kết quả triển khai "Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" ( Đề án 06) và kết quả chuyển đổi số năm 2024 trên địa bàn tỉnh này.
Báo cáo tại cuộc họp, kết quả triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 từ ngày 1/1 - 11/11/2024 đạt 453.520/495.192 hồ sơ (đạt 92%). Trong đó, 11/25 dịch vụ công của ngành Công an tiếp nhận hồ sơ trực tuyến đạt 99%. Đối với 12/25 dịch vụ công của các sở, ngành duy trì ở mức độ tốt, tổng số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt 81%.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu phát biểu tại cuộc họp. |
Toàn tỉnh Hải Dương có trên 1,7 triệu công dân được cấp thẻ Căn Cước công dân. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp VNPT, Viettel, Mobifone Hải Dương cung cấp miễn phí trên 17.000 chữ ký số cho người dân, doanh nghiệp trong tỉnh. Sở Tư pháp hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch với trên 1,9 triệu dữ liệu, trong đó có trên 1,4 triệu dữ liệu được số hóa trên nền dân cư, chiếm 73,7%.
Về kết quả chuyển đổi số, theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương, thời gian qua các sở, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh (chỉ số DTI), trong nhiều năm liên tiếp, tỉnh Hải Dương được đánh giá xếp hạng thuộc nhóm 15 tỉnh có chỉ số cao về chuyển đổi số. Trong đó, năm 2020, 2021 tỉnh Hải Dương xếp vị trí thứ 14, năm 2022 xếp vị trí thứ 13 trong cả nước.
Biểu dương sự nỗ lực, cố gắng trong công tác tham mưu, thực hiện của 2 cơ quan thường trực, các sở, ngành, địa phương trong trong việc triển khai Đề án 06 và chuyển đổi số thời gian vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, "điểm nghẽn" lớn nhất làm chậm lộ trình thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 và Chuyển đổi số là Nguồn nhân lực số và hạ tầng số. Đây cũng chính là vấn đề cốt lõi của cả 2 lĩnh vực, nếu hạ tầng công nghệ thông tin mà lạc hậu, không đảm bảo thì không thể thực hiện được chuyển đổi số, làm giảm hiệu quả Đề án 06.
Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức về vai trò của chuyển đổi số và sự quyết liệt trong chỉ đạo, của người đứng đầu các Sở, ngành, địa phương là chưa thật sự sâu sát. Lãnh đạo nhiều đơn vị, địa phương chưa thực sự vào cuộc trong triển khai các nhiệm vụ ứng dụng CNTT tại đơn vị; phân công nhiệm vụ chưa rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; thiếu công cụ theo dõi, đánh giá hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, dẫn đến kết quả, hiệu quả còn thấp.
Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong xử lý các “điểm nghẽn" có tính chất liên ngành chưa hiệu quả; vẫn còn tình trạng đùn đẩy, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ; trang thiết bị công nghệ thông tin tại một số cơ quan, đơn vị đã lạc hậu, đặc biệt là ở cấp xã đã ảnh hướng đến việc khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin phục vụ xử lý công việc; Nguồn nhân lực để triển khai chuyển đổi số tại đơn vị, địa phương còn thiếu cả về số lượng và chất lượng…
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu đề nghị trong thời gian tới, thủ trưởng các đơn vị, địa phương cần nâng cao nhận thức vào cuộc quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện chuyển đổi số tại đơn vị, địa phương, phân công công việc rõ ràng, có thời gian hoàn thành, có kết quả cụ thể.
|
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương Nguyễn Cao Thắng báo cáo tại cuộc họp.
|
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đánh giá các đơn vị làm tốt và đề xuất xử lý, phê bình nghiêm trường hợp chậm trễ, né tránh, sợ trách nhiệm. Tiếp tục đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, phải thực sự thay đổi tư duy từ “làm thay, làm hộ" sang “hỗ trợ, hướng dẫn" để nâng cao kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp; tập trung thực hiện có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến để thay đổi thói quen sử dụng hồ sơ giấy sang sử dụng hồ sơ điện tử, từng bước hình thành công dân số, xã hội số.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu yêu cầu đảm bảo 100% hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết phải được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và phải được liên thông điện tử, đồng bộ với Cổng Dịch vụ Công quốc gia; đối với hồ sơ tiếp nhận trên cơ sở dữ liệu của bộ, ngành quản lý thì phải được kết nối, đồng bộ, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh để người dân và doanh nghiệp theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện.
UBND tỉnh Hải Dương thống nhất với chủ trương triển khai Dự án “Đầu tư trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số và Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2024-2025, tầm nhìn đến năm 2030” sử dụng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2020-2025.
UBND tỉnh Hải Dương giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, trên cơ sở đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông, xem xét, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thành kho dữ liệu điện tử tổ chức, cá nhân để đưa vào hoạt động, phục vụ chia sẻ, kết nối, khai thác, tái sử dụng dữ liệu thông tin đã được số hoá, chứng thực điện tử, đồng bộ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính; yêu cầu hoàn thành trước ngày 30/11/2024 theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 15/11/2024.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương tin tưởng rằng trong thời gian tới các cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ tiếp tục cố gắng, nỗ lực phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục khó khăn, hạn chế, hoàn thành tốt các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đã đề ra, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp được hưởng những tiện ích mà Đề án 06 mang lại.
Hải Ninh