Hải Phòng: Dân bức xúc vì hội trường bị bán, người mua méo mặt

Google News

(Kiến Thức) - Hội trường khu phố bị bán đấu giá khiến người dân bức xúc và liên tục gửi đơn khiếu nại đến các cấp chính quyền. Người mua khu đất này cũng méo mặt.

Hội trường bị bán, người dân bức xúc liên tục gửi đơn kiến nghị
Trong suốt thời gian dài, người dân ngõ 99 phố Cầu Đất (phường Cầu Đất, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) đã liên tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng kiến nghị về việc hội trường sinh hoạt của khu phố được xây dựng từ những năm 1971 bị bán đấu giá. Theo thông tin của người dân ngõ 99 phố Cầu Đất, hội trường này được xây dựng từ những năm 1971 do người dân tự nguyện đóng góp công sức, tiền của để xây dựng làm nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân.
Hai Phong: Dan buc xuc vi hoi truong bi ban, nguoi mua meo mat
 Bà Đỗ Thị Khuyên trao đổi với PV Kiến Thức.
Trao đổi với PV Kiến Thức, bà Đỗ Thị Khuyên, người đại diện cho các hộ dân ngõ 99 Cầu Đất cho biết: “Năm 1971, hội trường được xây dựng thuộc tổ 8, tiểu khu 19, ngõ 99 Cầu Đất. Người đứng lên vận động người dân xây dựng hội trường là ông Nguyễn Đường Cấu. Hiện nay ông Nguyễn Đường Cấu vẫn còn sống. Thời điểm đó, người dân nơi đây mỗi người một chân một tay góp công góp sức xây nên hội trường để sinh hoạt cộng đồng. Năm 1988, đội thuế về đây làm việc, người dân nghĩ đây là làm việc cho nhà nước nên để họ vào. Sau đó, đến thời gian gần đây, hội trường này được gắn biển số nhà 35/99 Cầu Đất trong khi đó cách hội trường một nhà từ trước đã có nhà mang số 35. Khi phường, quận có chủ trương bán đấu giá hội trường này, mọi người ai cũng nghĩ bán nhà 35 của người dân ở đây chứ không ai ngờ họ lại đem bán hội trường. Khi giao nhà cho người trúng đấu giá, người dân mới biết là hội trường bị bán. Sau đó, từ tháng 2/2014 đến nay, người dân liên tục làm đơn gửi các cơ quan chức năng TP Hải Phòng và thậm chí lên cả Ban tiếp công dân Trung ương thuộc Thanh tra Chính Phủ”.
Ông Nguyễn Đường Cấu (số nhà 22, ngõ 99 Cầu Đất) cho biết: “Năm 1970, tôi đi quyên gạch, quyên vữa, quyên ngói làm nên. Sau đó UBND mượn cho đội thuế. Thời gian trước có người đến đo, tôi ra bảo hội trường này của nhân dân làm đấy. Tôi yêu cầu UBND quận cần trả lại hội trường cho nhân dân chúng tôi”.
Một số người dân ngõ 99 phố Cầu Đất cho biết, hội trường vốn là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân nơi đây, gắn bó nhiều kỷ niệm với người dân địa phương. Nên khi biết tin hội trường bị bán đấu giá, người dân vừa làm đơn kiến nghị gửi các cấp chính quyền vừa kiên quyết giữ hội trường, không cho người trúng đấu giá vào phá đi, xây dựng nhà ở.
“Mong muốn của người dân ở khu này là muốn chính quyền địa phương trả lại nhà hội trường cho khu để khu còn sinh hoạt, chứ bây giờ khu muốn họp chi bộ hay các cháu sinh hoạt hè phải nhờ bên Công an phường”, bà Đỗ Thị Khuyên cho biết.
Người mua nhà cũng méo mặt vì tiến thoái lưỡng nan
Theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, người trúng đấu giá hội trường của ngõ 99, phố Cầu Đất là ông Đinh Trung Phi (SN 1969, trú tại tổ 17, phường Đằng Hải, quận Hải An, TP Hải Phòng). Sau khi trúng đấu giá, ngày 16/9/2016, UBND quận Ngô Quyền đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn trên đất do Phó chủ tịch Quận Ngô Quyền ông Trần Hữu Xuân ký cấp cho ông Đinh Trung Phi và vợ là bà Vũ Thị Oanh. Ngày 11/11/2016, UBND quận Ngô Quyền cấp giấy phép xây dựng số 532/GPXD cho ông Đinh Trung Phi và bà Vũ Thị Oanh được phép xây dựng nhà 5 tầng trên mảnh đất số 35/99 ngõ Cầu Đất (vị trí hội trường mà ông Phi đã trúng đấu giá).
Ngày 11/10/2016, ông Đinh Trung Phi và bà Vũ Thị Oanh đã bán lại nhà và chuyển quyền sử dụng đất tại số 35/99 ngõ Cầu Đất cho ông Đỗ Đức Long (SN 1964, trú tại số 28A48 Lán Bè, phường Lam Sơn, quận Lê Chân, Hải Phòng) và bà Nguyễn Thị Ngân (vợ ông Long). Từ ngày mua đất, ông Đỗ Đức Long đã một số lần đưa người và phương tiện, máy móc vào để triển khai xây dựng nhưng gặp sự cản trở của người dân địa phương. Bản thân ông Đỗ Đức Long cũng nhiều lần có đơn gửi các cơ quan chức năng quận Ngô Quyền.
Hai Phong: Dan buc xuc vi hoi truong bi ban, nguoi mua meo mat-Hinh-2
 Ông Nguyễn Đường Cấu khẳng định, ông là người đi vận động người dân góp gạch xây hội trường.
Trong đơn kiến nghị, ông Đỗ Đức Long cho biết: “Tôi là chủ sở hữu căn nhà 35/99 Cầu Đất, phường Cầu Đất, quận Ngô Quyền). Nguồn gốc đất mua lại sở hữu nhà đấu giá của ông Đinh Trung Phi và bà Vũ Thị Oanh. Thủ tục mua bán có qua văn phòng công chứng nhà nước. Tôi đã hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế và lệ phí xây dựng của các cơ quan có thẩm quyền cấp phép, nhưng đến nay, UBND quận Ngô Quyền và phường Cầu Đất chưa bàn giao lại nhà cho tôi vì lý do các hộ dân tổ 8, trong ngõ 99 khiếu nại về nguồn gốc đất hội trường 35/99 Cầu Đất. Nhiều lần chính quyền đã gặp gỡ giải thích cho các hộ dân nhưng không có kết quả. Tôi mong muốn chính quyền làm thủ tục bàn giao nhà cho tôi để tôi có thể triển khai xây dựng”.
Loay hoay xử lý
Để làm rõ những nội dung mà người dân ngõ 99, Cầu Đất, phường Cầu Đất, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng phản ánh, PV Kiến Thức đã có buổi làm việc với ông Vũ Phi Tùng, Phó Chánh Văn phòng, Trưởng ban tiếp công dân UBND quận Ngô Quyền. Ông Tùng cho biết: “Việc người dân ngõ 99 Cầu Đất kiến nghị về vấn đề hội trường 35/99 bị bán, UBND quận, UBND phường Cầu Đất đã có nhiều văn bản trả lời người dân. Khi có chủ trương bán đấu giá khu đất và nhà trên đất tại số 35/99 Cầu Đất, quận đã xin ý kiến của UBND TP Hải Phòng và được chấp thuận. Tại thời điểm xin đấu giá, ngôi nhà đấy có mục đích để có thêm kinh phí xây dựng trụ sở UBND phường Cầu Đất. Thực hiện đấu giá đúng trình tự quy định và hiện nay đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người trúng đấu giá. Người trúng đấu giá ấy lại chuyển nhượng lại cho ông Đỗ Đức Long”.
Trong báo cáo số 141/BC-UBND của UBND quận Ngô Quyền ngày 20/7/2016 gửi UBND TP Hải Phòng nêu: “Về nguồn gốc đất, quá trình kiểm tra, rà soát hồ sơ nhà đất lưu tại Sở Xây dựng, nguyên thửa đất trên có nguồn gốc từ ông Francois Ruiz De Azua (người Pháp) sử dụng từ năm 1916 và Sở Xây dựng quản lý trước năm 1954, sau đó Ủy ban hành chính Hải Phòng quản lý. Đến năm 1970, Ban đại diện tiểu khu 19 (nay là UBND phường Cầu Đất) quản lý, xây dựng hội trường làm nơi sinh hoạt văn hóa của tiểu khu. Đến năm 1981, do UBND phường Cầu Đất quản lý trên cơ sở sáp nhập tiểu khu 18 và tiểu khu 19. Năm 1999, UBND phường Cầu Đất đã báo cáo trụ sở làm việc thuộc sở hữu nhà ở tại cơ quan hành chính sự nghiệp. Năm 2007, UBND phường Cầu Đất thực hiện đăng ký quyền quản lý và sử dụng tài sản nhà nước với Sở Tài chính”.
Nói về việc dù chính quyền khẳng định việc bán đấu giá hội trường trên là không sai nhưng nhiều năm qua, người dân cương quyết giữ hội trường khiến người mua đất cũng phải méo mặt vì tiến thoái lưỡng nan, ông Vũ Phi Tùng cho biết: “Hiện nay, ông Đỗ Đức Long chưa xây dựng được là do bà con ngõ 99 phản đối. Về mặt quản lý nhà nước đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản trên đất là đúng quy định của pháp luật. Bây giờ, ông Long vào đó thì dân tình gây khó khăn. Năm ngoái, UBND Quận cũng đã giao các lực lượng đến bảo vệ cho ông Long vào xây dựng nhưng thời điểm đó vào dịp gần Tết nên tạm hoãn. Đến bây giờ, ông Long cũng cảm thấy về đó khó sống được với bà con nên ông ấy mong chuyển đổi ra vị trí khác. UBND quận đang xin ý kiến trên thành phố. Tôi khẳng định UBND quận không làm sai trong việc này”, ông Vũ Phi Tùng cho hay.
Nói về kiến nghị của người dân yêu cầu bàn giao trả hội trường lại, ông Vũ Phi Tùng cho biết: “Quận đang có hướng kết hợp giải quyết kiến nghị của người dân và nguyện vọng của ông Long nên Quận đang tính hướng là báo cáo UBND TP xin ý kiến thu hồi khu đó để làm trụ sở làm việc cho UBND phường, lúc đó phường làm nhà văn hóa hay việc gì là của phường chứ không phải để trả lại cho dân. Thiệt thòi nhất là chỗ ông Long phải chịu vì mua đất đấy giờ va chạm với người dân ở đó”.
Hải Ninh