Vụ việc Sở GD&ĐT TP Hải Phòng điều chuyển công tác bà Nguyễn Thị Xã từ Hiệu trưởng trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận Dương Kinh) sang giữ chức vụ Hiệu trưởng trường THPT Lê Chân (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Bởi nguyên nhân của việc điều chuyển này do bà Nguyễn Thị Xã được cho là đã lơ là, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch Corona.
Thời điểm sáng 3/2, khi Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cùng đại diện lãnh đạo các sở ngành liên quan đi kiểm tra đột xuất công tác phòng chống dịch do chủng mới virus Corona gây ra tại trường THPT Mạc Đĩnh Chi, nhà trường vẫn chưa tiến hành dọn dẹp tổng vệ sinh tại khu vực lớp học, bàn ghế chưa được lau chùi có nhiều bụi bẩn, bề mặt sàn các lớp học trong tình trạng nhếch nhác và các biện pháp phòng chống dịch khác theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Cho rằng, Ban Giám hiệu nhà trường thiếu trách nhiệm, lơ là ý thức trong công tác phòng chống dịch, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã giao Sở GD&ĐT đề xuất việc điều động chuyển công tác đối với Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi theo quy định do không thực hiện đúng chỉ đạo của UBND thành phố và Sở GD&ĐT về công tác phòng chống dịch bệnh.
Chỉ một ngày sau đó, Sở GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị công bố quyết định điều động nữ hiệu trưởng trường THPT Mạc Đĩnh Chi Nguyễn Thị Xã sang làm Hiệu trưởng Trường THPT Lê Chân và ngược lại hiệu trưởng trường THPT Lê Chân Đỗ Văn Tuấn được điều chuyển sang làm Hiệu trưởng trường THPT Mạc Đĩnh Chi.
|
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng cùng lãnh đạo ngành chức năng kiểm tra công tác vệ sinh phòng học tại Trường THPT Mạc Đĩnh Chi. |
Trong vụ việc trên, bà Nguyễn Thị Xã sau đó phân trần, thời điểm sáng ngày 3/2, nhà trường đã họp để triển khai lau dọn vệ sinh các lớp học và phân công nhiệm vụ triển khai công tác phòng dịch. Lẽ ra công tác vệ sinh các phòng học được tiến hành ngay sau khi cuộc họp kết thúc lúc 10h30 sáng nhưng do gần trưa, một số giáo viên đề nghị xin làm vệ sinh vào chiều cùng ngày và khi đó chưa có nước sát trùng Clo nên nữ Hiệu trưởng đồng ý các ý kiến này. Tuy nhiên, ngay sau đó, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đến trường kiểm tra và phê bình nhà trường không tuân thủ chống dịch virus Corona.
Tuy nhiên, dù giải thích như trên nhưng rõ ràng nữ hiệu trưởng và Ban Giám hiệu trường THPT Mạc Đĩnh Chi đã lơ là, thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện phòng chống dịch bệnh, biểu hiện của tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” khi không quyết liệt chỉ đạo khẩn trương dọn vệ sinh trường, lớp. Nhất là thời điểm chỉ sau đó một ngày, các em học sinh sẽ quay lại trường để tiếp tục theo học sau khi nghỉ 3 ngày để thực hiện các biện pháp khử khuẩn và tập huấn phòng, chống dịch bệnh.
Thời gian qua, trước tình trạng dịch do virus Corona gây ra có diễn biến phức tạp, Ban Bí thư, Chính phủ, ngành Y tế và các cơ quan quản lý, các địa phương đã nỗ lực hết sức trong chỉ đạo, thực hiện để phòng chống kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh cần sự chung ta của toàn xã hội, mỗi người với cương vị của mình cần nâng cao trách nhiệm ý thức phòng chống dịch bệnh một cách quyết liệt chứ không phải làm cho có.
Việc bà Nguyễn Thị Xã với cương vị hiệu trưởng trường THPT Mạc Đĩnh Chi lẽ ra phải khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong trường học bởi môi trường trường học vốn là nơi tập trung đông người, sẽ rất khó kiểm soát nếu dịch bệnh xuất hiện tại đây, phòng bệnh như chống giặc sao có thể lơ là, thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong việc phòng chống dịch bệnh.
Hành động thiếu trách nhiệm của bà Xã và Ban Giám hiệu trường THPT Mạc Đĩnh Chi diễn ra ở chính thời điểm Thành phố Hải Phòng đang quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh do virus Corona gây ra, khi cả hệ thống chính trị chỉ đạo áp dụng tất cả các biện pháp phòng chống dịch do Bộ Y tế hướng dẫn với tinh thần quyết liệt và đồng bộ.
Cụ thể, để ứng phó với dịch bệnh, Hải Phòng đã Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút Corona mới do Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban; ra Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp công tác phòng, chống trước diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh; làm việc với lãnh đạo các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và các sở, ngành về công tác phòng chống dịch bệnh; có văn bản tạm thời không cho người Hồ Bắc sang Việt Nam làm việc; tạm dừng các lễ hội chưa khai mạc và giảm quy mô các lễ hội đã tổ chức; phun thuốc khử khuẩn tại các trường học; cho phép học sinh nghỉ học 3 ngày để thực hiện các biện pháp khử khuẩn và tập huấn phòng, chống dịch bệnh…
Điều đó, cho thấy quyết tâm của Hải Phòng trong việc kiểm soát dịch bệnh ở thời điểm dịch đang bùng phát và diễn biến phức tạp không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều quốc gia trên thế giới. Do vậy, hành vi lơ là, thiếu trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Xã trong chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tại trường học xứng đáng bị phê bình, thậm chí kỷ luật. Việc Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng phê bình và chỉ đạo điều chuyển công tác với bà Xã là cần thiết để chấn chỉnh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Tuy nhiên, việc Sở GD&ĐT TP Hải Phòng điều động chuyển công tác đối với Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi xuống làm hiệu trưởng trường THPT Lê Chân theo yêu cầu của Chủ tịch UBND TP Hải Phòng dù có quy mô nhỏ hơn vẫn không phải là hình thức kỷ luật, thậm chí không đủ sức để răn đe.
Bởi theo khoản 1 Điều 78 Luật Cán bộ, công chức 2008, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm quy định của Luật Cán bộ, công chức và các quy định khác có liên quan thì cán bộ phải chịu một trong những hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, cách chức và bãi nhiệm. Còn tại khoản 1 Điều 79 Luật Cán bộ, công chức 2008, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm quy định của Luật Cán bộ, công chức và các quy định khác có liên quan thì công chức phải chịu một trong những hình thức kỷ luật như Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc.
Hơn nữa, nhiều ý kiến lo ngại việc điều chuyển hiệu trưởng hai trường học trong khi chỉ một nữ hiệu trưởng có hành vi thiếu trách nhiệm là thiếu công bằng với trường THPT Lê Chân khi Ban giám hiệu trường này tuân thủ, thực hiện nghiêm các chỉ đạo phòng chống dịch bệnh. Đồng thời cho rằng, chỉ điều chuyển công tác và vẫn giữ nguyên chức vụ đối với bà Nguyễn Thị Xã là quá nhẹ, chưa thỏa đáng.
Do vậy, việc không áp dụng các hình thức kỷ luật đối với nữ hiệu trưởng Nguyễn Thị Xã thay vào đó điều chuyển sang trường khác vẫn giữ vị trí hiệu trưởng khiến dư luận cho rằng đó là “hài kịch”. Tuy nhiên thực tế đó lại là bài học sâu sắc với bản thân nữ hiệu trưởng để thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao. Đồng thời là bài học cho nhiều cán bộ lãnh đạo các đơn vị khác trong việc thực hiện nghiêm các chỉ đạo phòng chống dịch bệnh corona.
>>> Mời độc giả xem video Phê bình, yêu cầu chuyển công tác hiệu trưởng lơ là trong phòng, chống dịch nCoV:
Nguồn: Truyền hình Pháp luật Việt Nam.
Cần làm rõ việc điều chuyển công tác nữ hiệu trưởng thuộc trường hợp nào?
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, dịch bệnh nCoV đang có dấu hiệu bùng phát và diễn biến phức tạp khi liên tiếp có thêm các bệnh nhân nhiễm mới. Do đó, công tác phòng chống dịch bệnh đang được đặt lên hàng đầu, trách nhiệm này không chỉ thuộc về nhà nước, của ngành y tế mà là của chung toàn xã hội.
Chúng ta cần có những phương án phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh, đặc biệt là các nơi công cộng, trường học, các địa điểm tụ tập đông người thì càng phải cần phải đảm bảo tốt các phương án phòng, chống dịch bệnh như tổng vệ sinh hoặc thậm chí phun thuốc khử trùng tại các trường học để đảm bảo sức khỏe cho các em học sinh. Tuy nhiên, mới đây một nữ hiệu trưởng một trường thpt tại Hải Phòng lơ là, không chỉ đạo thực hiện việc dọn dẹp tổng vệ sinh tại khu vực lớp học, bàn ghế chưa được lau chùi có nhiều bụi bẩn, bề mặt sàn các lớp học trong tình trạng nhếch nhác… thì rõ ràng đây là hành vi thiếu trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh, nếu không kịp thời phát hiện có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người.
Hơn nữa, việc đảm bảo vệ sinh lớp học, trường học và khử trùng tại thời điểm này là vô cùng cần thiết, bên cạnh đó cần có có buổi tập huấn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp, tuyên truyền cho các bậc phụ huynh thường xuyên cho con em dùng nước súc miệng, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, sử dụng chất sát khuẩn… để đảm bảo sức khỏe cho các em học sinh.
Đối với hành vi thiếu trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch thì nữ hiệu trưởng này có thể bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 79 Luật cán bộ, công chức. Theo đó tùy từng tính chất mức độ thì có thể áp dụng một trong các hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc. Tuy nhiên, việc điều chuyển công tác không được quy định là một hình thức kỷ luật riêng.
Hiện nay việc điều động chuyển công tác của công chức phải được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 35 Nghị định 24/2010/NĐ-CP về việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, cụ thể chỉ điều động chuyển công tác công chức trong trường hợp theo yêu cầu nhiệm vụ cụ thể; Chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của pháp luật; Theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Do đó, luật sư Cường cho rằng trong trường hợp này cần làm rõ việc điều chuyển công tác nữ hiệu trưởng thuộc trường hợp nào thì mới có căn cứ xác định việc điều chuyển này có đảm bảo quy định pháp luật hay không?
Tâm Đức