Sáng hôm nay (23/9 - tức 9/8 Âm lịch), Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn 2023 đã được diễn ra.
Ngày từ sáng sớm, hàng vạn người dân địa phương và du khách từ khắp các tỉnh thành trên cả nước đã đổ về Hải Phòng để xem Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.
Theo ban tổ chức, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2023 diễn ra từ ngày 15-24/9 (tức mồng 1 đến mồng 9 tháng 8 năm Quý Mão). Trong đó, phần hội chọi trâu diễn ra ngày 23/9 (tức mồng 9 tháng 8 năm Quý Mão) tại sân vận động trung tâm quận Đồ Sơn.
Lễ hội năm nay có sự tham gia của 16 ông trâu, thuộc 6 phường trên địa bàn quận đăng ký. Trong đó, có ông trâu khủng nặng 1,3 tấn, vòng ngực 2,6 m, là trâu chọi lớn nhất từ trước đến nay tại Đồ Sơn.
Ban tổ chức cũng công bố, giải thưởng cho chủ trâu có giải được nâng lên mức 100 triệu đồng cho giải nhất, 60 triệu đồng giải nhì, 30 triệu đồng cho giải ba.
Ông Phạm Hoàng Tuấn - Phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho biết, do sân vận động diễn ra lễ hội chỉ có sức chứa tối đa 2 vạn người nên không thể đủ cho toàn bộ người dân và du khách, Ban Tổ chức sẽ hạn chế số khách vào khoảng 1,8 vạn người để đảm bảo an toàn và an ninh trật tự. Lễ hội chọi trâu năm 2023 sẽ không bán vé mà phát giấy mời.
Ban tổ chức cũng bố trí lắp màn hình lớn ở ngay ngoài sân vận động để người dân đến xem vẫn được hưởng không khí lễ hội.
Khu vực khán đài sân vận động diễn ra chọi trâu sẽ được bố trí mái che.
Ban tổ chức yêu cầu các phường phải thường xuyên kiểm tra, giám sát trâu, khi phát hiện trâu có biểu hiện hung dữ, tấn công người phải kiên quyết loại khỏi danh sách, chủ động có phương án thay thế số lượng, chất lượng.
Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn được khôi phục từ năm 1990, được tổ chức thường niên vào dịp mùng 9/8 Âm lịch. Lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một trong 15 lễ hội lớn nhất Việt Nam. Người dân vẫn truyền tụng thành câu ca “Dù ai buôn đâu bán đâu/ mồng 9 tháng 8 chọi trâu thì về/ Dù ai buôn bán trăm bề/ Mồng 9 tháng 8 nhớ về chọi trâu”.
Đây là hoạt động văn hóa lâu đời, có sự giao thoa giữa những yếu tố văn hoá nông nghiệp đồng bằng với văn hoá cư dân ven biển, mang sắc thái riêng, gắn liền việc thờ cúng thuỷ thần với nghi lễ chọi và hiến sinh trâu, thể hiện tinh thần cùng thể chất đặc biệt của người dân miền biển Hải Phòng.
Thiên Di