Liên quan tới việc bà Nguyễn Thị Nhung (SN 1969, Lại Xá 1, xã Thanh Thủy, Thanh Hà, Hải Dương) tố gia đình Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà lấn chiếm đất. Trao đổi với PV Báo điện tử Kiến Thức, dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính pháp (Đoàn luật sư T.P Hà Nội) cho biết: ''Đây là vụ việc tranh chấp về quyền sử dụng đất mà thẩm quyền giải quyết thuộc về TAND Hải Dương theo quy định của thủ tục tố tụng dân sự''.
|
Bà Nhung bức xúc vì sự việc kéo dài nhiều năm chưa giải quyết dứt điểm. |
Luật sư nhận định: ''Theo thông tin mà đương sự cung cấp thì đây là vụ việc tranh chấp về quyền sử dụng đất giữa hai hộ gia đình giáp ranh liền kề. Hai gia đình có mối quan hệ họ hàng, và có nguồn gốc đất có liên quan đến nhau. Bởi vậy, việc giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất cần xem rõ xét làm rõ nguồn gốc quá trình sử dụng đất và có thể động viên các bên hòa giải trong quá trình giải quyết''.
Luật sư Đặng Văn Cường nói: ''Theo quy định của pháp luật thì tranh chấp quyền sử dụng đất mà các bên không thể tự giải quyết được với nhau thì có thể làm đơn đến UBND cấp xã để được xem xét hòa giải theo quy định của luật đất đai. Trường hợp hòa giải không thành thì một trong các bên có thể khởi kiện ra tòa để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
''Vụ án này phần diện tích đất tranh chấp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bởi vậy, khi khởi kiện tranh chấp về quyền sử dụng đất hoặc đòi quyền sử dụng đất thì đồng thời nguyên đơn sẽ đề nghị hủy bỏ một phần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp bởi vậy thẩm quyền giải quyết thuộc về tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi có thửa đất đó.
Trong quá trình xem xét giải quyết vụ án, tòa án sẽ yêu cầu các bên cung cấp các tài liệu chứng cứ để chứng minh cho việc khởi kiện của mình đồng thời sẽ thu thập các tài liệu chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất ở địa phương để xác định phần diện tích đất tranh chấp là bao nhiêu mét vuông, hoàn thiện diện tích đất tranh chấp này thuộc thửa đất nào, quá trình sử dụng số diện tích đất này như thế nào"- Luật sư Cường chia sẻ.
Trên cơ sở các chứng cứ mà các bên đương sự cung cấp và chứng cứ mà tòa án thu thập được, qua quá trình tranh tụng thì tòa án sẽ xác định căn cứ để xác lập quyền sử dụng đất đối với diện tích đất này thuộc về nguyên đơn hay bị đơn.
Theo luật sư Cường: ''UBND cấp xã sẽ cung cấp bản đồ và sổ một kê qua các thời kỳ để thể hiện quá trình sử dụng đất đối với phần diện tích đất tranh chấp xem trước đây thuộc thửa đất nào, tên sử dụng là ai, loại đất gì. Quá trình sử dụng đất thì thay đổi về chủ sử dụng như thế nào. Việc chuyển quyền sử dụng đất từ người này sang người khác có được thực hiện theo quy định pháp luật hay không.
Đương sự khai là đất của cha ông để lại thì có giấy tờ gì không, việc chuyển quyền sử dụng đất từ cha ông sang con cháu là tặng cho hay thừa kế, thủ tục chuyển quyền đó có giá trị pháp lý hay không làm cơ sở để xác định quyền sử dụng đất''.
Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh: 'Theo quy định của bộ luật dân sự thì có ba căn cứ để xác lập quyền sử dụng đất là: Được nhà nước giao đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất và được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất''.
''Trong vụ án này, tòa án sẽ làm rõ hai bên có văn bản giao đất của cơ quan có thẩm quyền hay không. Trong trường hợp không bên nào được nhà nước giao đất thì trước đây có ai đã được xác lập quyền sử dụng đất hay không, nguyên đơn và bị đơn có được nhận chuyển quyền sử dụng đất từ người khác hay không'' - Luật sư Cường nói.
Ngoài ra, Trong trường hợp diện tích đất tranh chấp không ai được Nhà nước giao đất, không ai nhận chuyển quyền sử dụng đất từ người khác một cách hợp pháp thì người nào sử dụng liên tục ổn định, không có tranh chấp và phù hợp với quy hoạch sẽ được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất.
Theo luật sư Đặng Văn Cường cho biết: ''Nếu một trong các bên đường sự có yêu cầu hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp, thì tòa án sẽ xem xét về căn cứ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
'Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đúng pháp luật thì ai đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người đó sẽ được quyền sử dụng diện tích đất đó. Trường hợp đất được cấp giấy chứng nhận không đúng quy định pháp luật thì tòa án sẽ tuyên bố hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xác định lại chủ sử dụng đất theo quy định pháp luật''.
>>>Xem thêm Video: Tranh chấp đất đai và ý thức chấp hành pháp luật
Sông Thao