Người Việt từ xa xưa chưa bao giờ coi trọng chuyện xây dựng nhà vệ sinh nên dân gian có câu “nhất quận công, nhì ... đồng”. Nhà vệ sinh chưa bao giờ được nằm trong đầu óc người Việt là phải xây dựng nó, sạch sẽ, tươm tất. Chuyện phóng uế cá nhân vẫn tiện đâu làm đó.
Phần do tư duy nông nghiệp, dân nghèo khó, nên chỗ vệ sinh thường là nhà tạm, dột nát, bẩn thỉu cạnh truồng trâu, bò, lợn gà…Với thế hệ 7x, 8x, thì nhà vệ sinh thực sự quá ám ảnh ở nông thôn cũng như thành thị.
|
Ảnh minh họa. |
Người phố cổ Hà Nội thỉnh thoảng lại kể cho nhau thời bao cấp đi vệ sinh, mà bây giờ khi có được nhà vệ sinh đắt tiền họ nhớ lại với nỗi kinh sợ.
Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng đã dành hẳn một chương để viết về chuyện vệ sinh người Hà Nội, ông viết: “ Ở Hà Nội, thời chiến tranh và bao cấp, việc đi vệ sinh là một cực hình do tình trạng các nhà tư nhân ở Hà Nội xưa được chia cho nhiều hộ theo tiêu chuẩn 4m2/ người. Một căn nhà tư nhân Hà Nội trước 1954, chỉ có một chủ với một nhà vệ sinh duy nhất theo lối đổ thùng, tức là hàng tháng có người làm nghề lấy phân chuyên nghiệp, đem thùng mới thay thế cho thùng cũ, nhà vệ sinh lại thường ở cuối căn nhà, nên việc đưa thùng qua khu sinh hoạt cũng là chuyện bất ổn, nhưng biết làm sao…
Tình trạng cha chung không ai khóc tất cả đều dùng, nhưng ít người muốn dọn dẹp, nên thực sự là mất vệ sinh ở mọi ngôi nhà phố cổ. Trừ phi gia đình nào đó có Việt Kiều yêu nước về thăm, thì tự nhiên cả xóm được hưởng thơm tho”.
Chuyện sinh hoạt xưa cũ đó bây giờ không còn, do đời sống nhân dân khấm khá lên, nhưng chuyện vệ sinh ở nơi công sở, trường học, bệnh viên…vẫn thực sự ám ảnh bởi “cha chung không ai khóc”.
Vệ sinh ở trường học, nhất là trường công lập vẫn khiến học sinh sợ hãi, nhiều em đã phải nhịn tiểu tiện vì nó quá bẩn thỉu. Lao công thì dọn theo giờ, trong khi số học sinh đi vệ sinh quá lớn, nên chuyện dơ bẩn, hôi hám vẫn luôn ám ảnh các em và thầy cô.
Tôi vừa đi công tác tại một huyện ở tỉnh Hà Nam và khi bước vào nhà vệ sinh của UBND huyện thì đúng là quá bẩn, mùi hôi thối do quá lâu không lau dọn.
Đây là thực trạng chung ở nhiều cơ quan ban ngành, thậm chí ở các Bộ, nhà vệ sinh vẫn không được chăm chút sạch sẽ và hầu như không có người lao công.
Tôi không thể tin có những nơi, trụ sở xây rất to đẹp, đàng hoàng, bàn ghế, điều hòa, cơ sở vật chất rất sang trọng, nhưng khi bước vào nhà vệ sinh thì quả thực không thể tin nỗi vì nó quá dơ bẩn.
Tại sao những con người ăn vận sạch sẽ, đi xe bóng lộn, ăn ngon mặt đẹp đó, quyền cao chức trọng lại để nơi vệ sinh của mình bẩn thỉu, hôi hám như vậy?
Tại sao, họ không thể biến phòng vệ sinh thành một nơi sạch sẽ, để thực sự mỗi lần vào đó là một sự giải trí, nơi để “giải quyết nỗi buồn”, chỉnh trang lại dung nhan, trang phục? Một cơ quan công quyền như UBND huyện, xã hay các cơ quan bộ, ban ngành…đều có thể làm được việc đó rất dễ dàng.
Chúng ta quá thích thú khi đi vệ sinh ở sân bay hay khách sạn 5 sao, quán bar, sau không áp dụng nó vào chính nơi mình đang gắn bó với cuộc sống của mình? Chúng ta làm được, nhưng tư duy tập thể, bao cấp, cũng với sinh hoạt truyền thống in hằn quá lâu, khiến cho con người không có ý thức cho cộng đồng.
Thực tế cho thấy, nhiều nơi từ công sở, trường học, bệnh viện, nơi công cộng, đáng ra nhà vệ sinh phải tinh tươm, thơm tho, thì lại đang như bãi rác, một nơi phóng uế bừa bãi nhưng không ai xả nước, quét dọn.
Nên chuyện ra đời Hiệp hội Nhà vệ sinh là việc cấp thiết khi mà nhiều người vẫn còn mang nặng tư duy sạch nhà mình, còn nơi công cộng “đã có người khác lo”. Việc nhạo báng sự ra đời Hiệp hội Nhà vệ sinh là không nên mà chúng ta nên cỗ vũ nó, để xóa bỏ tư duy mông muội “nhất quận công...”.
Theo Tuấn Ngọc / Pháp luật Việt Nam