Học sinh bị điều đi cắt tỉa cây tử vong: Điện lực Thanh Hà có thờ ơ?

Google News

(Kiến Thức) - Từ năm 2014 đến nay, trường THCS Quyết Thắng chưa nhận được bất kỳ văn bản hay cảnh báo, hướng dẫn đảm bảo an toàn nào của đơn vị quản lý đường điện. Trước khi tai nạn xảy ra khoảng 10 ngày, Điện lực Thanh Hà cũng cho người đến cắt tỉa một phần rặng cây phi lao nhưng cũng không có thông báo.

Liên quan vụ học sinh lớp 9 trường THCS Quyết Thắng (TP Hải Dương) bị điện giật khi nhà trường phân công trèo cây chặt tỉa cành dẫn đến tử vong, mới đây, UBND TP Hải Dương đã kiến nghị Thường trực Thành ủy xem xét có hình thức xử lý kỷ luật đối với Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng trường THCS Quyết Thắng theo thẩm quyền, sau đó sẽ tổ chức kỷ luật về mặt chính quyền.
Theo đó, Hiệu trưởng trường THCS Quyết Thắng Đinh Quốc Toản là người đứng đầu đơn vị, chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý trường học và học sinh đã chỉ đạo trực tiếp chọn học sinh để phân công lao động cắt tỉa cây. Phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Tuấn là người được phân công phụ trách lao động, trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn học sinh cắt tỉa cành cây nhưng đã chủ quan, cẩu thả thiếu kiểm tra, không khảo sát hiện trường, không phát hiện kịp thời nguy cơ gây tai nạn...
Hành vi của Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng được xác định vi phạm các quy định về nhiệm vụ của học sinh theo điều 85 Luật Giáo dục và điều 26, Điều lệ trường học THCS và quy định của Bộ GD&ĐT, vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của Luật Giáo dục, Luật An toàn điện, Luật Lao động.
Hoc sinh bi dieu di cat tia cay tu vong: Dien luc Thanh Ha co tho o?
 Đường điện 35Kv qua khu vực xảy ra tai nạn một học sinh trường THCS Quyết Thắng bị điện giật tử vong khi trèo cắt cành cây phi lao.
Tuy nhiên, ngoài trách nhiệm của Trường THCS Quyết Thắng, dư luận đã đặt câu hỏi về trách nhiệm thực hiện quy định an toàn điện theo Luật Điện lực của Điện lực Thanh Hà – đơn vị quản lý đường dây 35Kv qua khu vực xảy ra tại nạn trên và đặt câu hỏi, đơn vị này có thờ ơ khi suốt thời gian dài không có cảnh báo nào đến nhà trường?
Việc dư luận đặt câu hỏi trên xuất phát từ thông tin trong báo cáo của UBND TP Hải Dương nêu rõ, căn cứ Nghị định 14/2014/NB-CP ngày 26/2/2014 quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện, trường học là nơi tập trung đông người gần công trình điện cao áp (đường điện 35Kv do Điện lực Thanh Hà quản lý).
Tuy nhiên, theo hiệu trưởng trường THCS Quyết Thắng, từ năm 2014 đến nay, nhà trường chưa nhận được bất kỳ văn bản hay cảnh báo, hướng dẫn đảm bảo an toàn nào của đơn vị quản lý đường điện. Trước khi tai nạn xảy ra khoảng 10 ngày, Điện lực Thanh Hà cũng cho người đến cắt tỉa một phần rặng cây phi lao nhưng cũng không có thông báo. Hơn nữa, sau khi tai nạn xảy ra, Hiệu trưởng trường có điện thoại, nhắn tin cho Thủ trưởng đơn vị để thông báo tai nạn nhưng cũng chưa có hồi đáp.
Báo cáo cho thấy, kiểm tra thực tế, độ võng của đường dây 35 Kv nơi xảy ra vụ tai nạn là rất thấp so với mặt đất (chỉ khoảng 4-5 m/14m tiêu chuẩn), tường bao và hàng cây của trường cách đường dây ngoài cùng rất hẹp (khoảng 2-3m/3m tiêu chuẩn). 
Được biết hiện nay Công an TP Hải Dương cũng đang điều tra vụ việc trên và đã làm việc với đơn vị điện lực để xác định khoảng cách đường dây dẫn trong thời điểm vận hành bình thường. Trong báo cáo của UBND TP Hải Dương cũng cho biết, không đánh giá về hành lang an toàn đường điện nhưng kiến nghị đơn vị quản lý đường điện cho trách nhiệm kiểm tra, rà soát, khắc phục, hạn chế (nếu có) để đảm bảo an toàn.
Để làm rõ thêm nội dung trong báo cáo của UBND TP Hải Dương, PV Kiến Thức đã liên hệ với ông Lê Xuân Tú, Giám đốc Điện lực Thanh Hà. Ông Tú cho biết, bản thân mới giữ chức Giám đốc điện lực Thanh Hà từ 10/7 và chưa có thông tin cụ thể việc này. Đồng thời cho biết, sẽ kiểm tra và trao đổi lại với PV.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, trong quá trình xác minh vụ việc, cơ quan công an sẽ làm rõ đường dây tải điện đó được thiết kế, lắp đặt như thế nào, ai có trách nhiệm quản lý.
Trong trường hợp xác định có lỗi của người quản lý đối với việc quản lý, sử dụng nguồn điện hoặc vì việc chặt cây này đã xâm phạm đến hành lang an toàn điện gây hậu quả chết người thì có thể xử lý hình sự người có trách nhiệm về tội vô ý làm chết người theo quy định tại điều 128 Bộ Luật hình sự.
Còn nếu do yếu tố khách quan, không có lỗi của nhà trường hay của những người có thẩm quyền hoặc của công ty điện lực thì sẽ xác định đây chỉ là vụ tai nạn mà không truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, vụ tai nạn xảy ra tại trường học và vì nhà trường yêu cầu các em thực hiện việc này nên nhà trường có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho gia đình học sinh theo quy định pháp luật.
Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Theo pháp luật quy định, hệ thống tải điện là nguồn nguy hiểm cao độ, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ. Nếu để xảy ra thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường, hoặc nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác theo đúng quy định của pháp luật.
Luật sư Bình cũng cho rằng, theo điều 604 Bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra. Theo đó chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra. Ví dụ trong trường hợp này, vì cây mọc trong hành lang an toàn và việc chặt cây không đảm bảo an toàn đã dẫn đến tiếp xúc với nguồn nguy hiểm cao độ thuộc công ty điện lực quản lý thì nhà trường vẫn phải chịu trách nhiệm.
Một số hình ảnh PV ghi nhận thực tế sau khi xảy ra sự việc học sinh trường THCS Quyết Thắng tử vong bị điện giật khi cắt tỉa cành phi lao:
Hoc sinh bi dieu di cat tia cay tu vong: Dien luc Thanh Ha co tho o?-Hinh-2
 Đường điện 35 Kv chạy gần khu vực trường học.
Hoc sinh bi dieu di cat tia cay tu vong: Dien luc Thanh Ha co tho o?-Hinh-3
 Hàng cây phi lao đã bị cắt bỏ hoàn toàn.
Hoc sinh bi dieu di cat tia cay tu vong: Dien luc Thanh Ha co tho o?-Hinh-4
 
* PV Kiến Thức tiếp tục thông tin về vụ việc trên...
Nhà trường đã bồi thường 410 triệu đồng:
Sáng 8/5, Hiệu trưởng trường THCS Quyết Thắng Đinh Quốc Toản đã trao đổi với Phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Tuấn để bàn việc cắt tỉa cành cây phi lao phía sau trường và thống nhất giáo giáo viên chủ nhiệm lớp 9B chọn 4 học sinh có sức khỏe tốt để thực hiện. Tất cả nội dung phân công, bàn bạc đều bằng miệng không có văn bản.
Đến 14h chiều cùng ngày, 4 học sinh trong đó có Nguyễn T.A tiến hành việc cắt tỉa cành cây phi lao với dụng cụ là hai thang tre và hai cưa sắt (1 chiếc cưa do hiệu trưởng mang đến). Thời điểm đó, Hiệu trưởng đi họp về lấy tài liệu và đã kiểm tra việc cắt tỉa cành cây, thậm chí còn hướng dẫn một học sinh cách cưa cành.
Đến khoảng 14h34, học sinh T.A đang ở độ cao trên 2m, 1 chân trên thang tre, 1 chân trên trạc cây thì bất ngờ ngọn cây đổ vào đường điện 35Kv bên cạnh làm em bị điện giật và ngã xuống đất, sau đó được đưa đi cấp cứu. Đến ngày 22/5, em T.A mất. Đáng chú ý, sau khi đưa học sinh T.A đi cấp cứu, bảo vệ nhà trường đã cùng hai học sinh ở lại kéo cành cây do T.A cắt còn vướng trên dây điện cao thế ra ngoài (đường điện đã tự ngắt sau khi xảy ra tai nạn) và thu dọn thang tre cùng hai lưỡi cưa.
Hiện thang tre và lưỡi cưa đã bị cơ quan công an thu giữ. Công an TP Hải Dương đang tiến hành điều tra vụ việc, đến nay chưa có kết luận.
Liên quan sự việc trên, tập thể nhà trường và cá nhân ông Đinh Quốc Toản – Hiệu trưởng, ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó hiệu trưởng, bà Bùi Thị Hằng – nhân viên thiết bị cùng một số cá nhân khác đã có thỏa thuận thống nhất bồi thường cho gia đình học sinh T.A tổng số tiền 410 triệu đồng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Chết oan vì điện giật, được bồi thường 1,3 tỷ đồng

Nguồn: VTC 1

Hải Ninh