Tượng đài gần 50 tỷ, hình ảnh tượng đài sai chi chít
Mới đây, tỉnh Bình Định bỏ ra đến 70% trong số vốn đầu tư 48 tỷ đồng xây dựng tượng đài Khởi Nghĩa Vĩnh Thạnh tại huyện miền núi nghèo Vĩnh Thạnh nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.
Công trình tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh do UBND tỉnh Bình Định phê duyệt năm 2019, với phần tượng đài có chiều cao 20m, phần thân tượng đài cao 15,5m và bục cao 4,5m, sử dụng chất liệu đá nguyên khối, được xây dựng ở đồi Lâm Viên (thị trấn Vĩnh Thạnh) trên diện tích khuôn viên hơn 3.000m2.
Tượng đài với điểm nhấn là những hình ảnh điêu khắc tái hiện cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh cách đây hơn 60 năm của quân dân hai làng Tơlok, Tơlek (đồng bào Ba Na) đã hoàn thành được 50% nhưng khó có thể đúng tiến độ dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2020.
|
Tượng đài được đầu tư xây dựng với kinh phí 48 tỷ đồng. Ảnh: Báo Giao thông.
|
Hơn nữa công trình này đang khiến các nghệ nhân, già làng người đồng bào Ba Na có ý kiến về các hình ảnh khắc trên tượng đài chưa đúng với hình ảnh người đồng bào dân tộc thiểu số do đó đang phải điều chỉnh.
Nghệ nhân Yang Danh (người đồng bào Ba Na), Chi hội trưởng Chi hội các dân tộc thiểu số (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Định) khi trao đổi với báo chí đã nói rằng, nhiều chi tiết điêu khắc, phù điêu của tượng đài chưa phải của người Ba Na như việc hình ảnh trong phù điêu là cái rìu trong khi người Ba Na cầm giáo, mác khi tham gia cuộc khởi nghĩa.
Hơn nữa, người Ba Na mặc váy hở chứ không phải váy kín như đồng bằng. Ngay dáng đứng trên tượng đài là dáng đứng bắn súng trong khi người Ba Na đứng dáng bắn nỏ, bắn ná...
Ở góc độ khác, điều dư luận quan tâm hơn cả là huyện Vĩnh Thạnh vẫn thuộc huyện nghèo, đa số người dân còn khó khăn, do đó việc tỉnh Bình Định bỏ ra gần 50 tỷ đồng xây dựng tượng đài khiến nhiều người không khỏi ngẫm nghĩ. Bởi số tiền bỏ ra lớn, trong khi hiệu quả chưa rõ ràng, tại địa phương có nhiều người dân khó khăn là điều đáng phải suy ngẫm. Có ý kiến cho rằng, lẽ ra thay vì bỏ ra số vốn lớn đầu tư tượng đài, nên gây quỹ hỗ trợ người dân xóa đói, giảm nghèo, vượt qua khó khăn. Khi cuộc sống người dân vơi bớt những khó khăn, việc xây dựng tượng đài mới trở lên thực sự ý nghĩa.
Có hay không lợi ích nhóm?
Trao đổi với PV Kiến Thức, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, xây dựng tượng đài khởi nghĩa, di tích lịch sử một số nơi họ vẫn làm nhưng tỉnh Bình Định bỏ ra gần 50 tỷ đồng xây dựng tượng đài ở huyện nghèo Vĩnh Thịnh thì số tiền này tương đối lớn.
“Các huyện nghèo có đồng bào dân tộc đều được trợ cấp từ ngân sách Trung ương đưa về để chi trả. Việc xây dựng cơ bản như xây trụ sở hành chính, xây tượng đài, xây dựng công trình công cộng, công viên nếu lấy tiền từ trung ương, từ tỉnh về thì phải xin ý kiến từ cấp trên để xây dựng.
Do đó phải xem xét lại cho chu đáo, cho cặn kẽ, phải cân đong đo đếm cái nào có lợi, có nhất thiết xây dựng hay không khi hiện nay chúng ta đang nghèo, đang khó khăn. Từ đó, tính toán cụ thể cho phù hợp và cần phải xin ý kiến của cấp có thẩm quyền xem có đồng ý, chấp thuận hay không” - đại biểu Hòa nêu ý kiến.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, việc xây dựng tượng đài khởi nghĩa, anh hùng dân tộc mang ý nghĩa rất trọng đại. Tuy nhiên, không phải vì thế mà địa phương nào cũng phải xây mà cần xem xét cẩn thận, chu đáo.
“Hiện nay, xu hướng xây dựng tượng đài, xây dựng công trình kèm theo đa số là lợi dụng di tích lịch sử, lợi dụng quá khứ. Bởi di tích hay các cuộc khởi nghĩa đã có từ mấy chục năm nay chứ không phải là mới. Bây giờ người ta lập dự án, đặt vấn đề này, vấn đề kia để mà hao tốn tiền của của người dân. Do đó, cần phải xem xét đánh giá lại cho thật khách quan, làm sao sử dụng tiền của người dân đúng mục đích, yêu cầu, không có sự phản cảm, mất niềm tin đối với người dân. Khi người dân còn nghi ngờ rằng, việc xây dựng cũng là một món mồi béo bở để chia chác lợi ích của riêng tư một nhóm người nào đó thì cần phải soi xét lại” - đại biểu Hòa cho hay.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, đối với huyện nghèo Vĩnh Thạnh, cuộc sống của đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo cần có chính sách và vốn để hỗ trợ họ thoát nghèo. Số tiền gần 50 tỷ đó lẽ ra nên tập trung hỗ trợ cho người dân vượt qua khó khăn thì rất là tốt. Còn tượng đài nay không xây thì sau này xây cũng được, khi cuộc sống của người dân ổn định thì sẽ nhận được sự đồng thuận cao, làm tăng ý nghĩa của công trình. Có thể xây dựng biểu tượng cũng mang nhiều ý nghĩa, vừa tiết kiệm kinh phí hỗ trợ người dân, vừa vẫn đảm bảo ý nghĩa lịch sử của cuộc khởi nghĩa.
Đến thời điểm này, có thể nói rằng, việc xây dựng tượng đài đang trở thành xu thế tại nhiều địa phương. Huyện nghèo xây dựng tượng đài vài chục tỷ, tỉnh xây dựng tượng đài hơn nghìn tỷ...dường như đã là chuyện quá quen thuộc với dư luận cả nước.
Đáng chú ý hơn, dù ngành văn hóa chưa có thống kê chi tiết số lượng tượng đài trên cả nước cũng như kinh phí đầu tư và hiệu quả của từng công trình nhưng một số chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết, hiện trên cả nước có khoảng hơn 400 tượng đài, với vốn đầu tư từ chục tỷ đến vài trăm tỷ đồng, thậm chí nghìn tỷ đồng.
Một câu hỏi đến nay chưa có lời giải, trong số hàng trăm tượng đài đã xây dựng, bao nhiêu tượng đài là tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật, giá trị văn hóa, bao nhiêu tượng đài thực sự phát huy hiệu quả? Nhưng có một thực tế, ở địa phương vẫn còn nhiều hộ nghèo, cuộc sống còn nhiều khó khăn, việc xây dựng tượng đài vài chục đến vài trăm tỷ bỗng dưng thành phản cảm dù chưa rõ hiệu quả ra sao. Nhưng hiện nay, ở địa phương nào đó, người ta vẫn hăng hái lập dự án xây dựng tượng đài bất chấp nhiều ý kiến phản ứng từ dư luận...
>>> Mời độc giả xem thêm video "Lùm xùm" vụ huyện nghèo xây tượng đài 48 tỷ đồng
Tâm Đức