Sáng nay (9/3), trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thiện được hơn 95% khối lượng công việc, 80% thiết bị đã được nhập về để lắp đặt, hoàn thiện các nhà ga. Đặc biệt, về nhân sự cũng đã cơ bản hoàn thành việc đào tạo để đảm bảo thực hiện vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Theo Thứ trưởng Đông, hiện 13 đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông đã được chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam đang tập kết ở khu depot Hà Đông (Hà Nội), và đến tháng 12/2018, đoàn tàu sẽ được đưa vào vận hành, khai thác thương mại.
|
Tàu Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội). |
Trong khi đó, ông Vũ Hồng Phương - Phó giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, trước đó, dự án bị chậm tiến độ trong một thời gian là do chậm được cấp nguồn vốn bổ sung 250,6 triệu USD. Tuy nhiên, từ tháng 12/2017, các thủ tục đã được tháo gỡ xong, ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc chính thức thực hiện thủ tục giải ngân nguồn vốn bổ sung trên.
Hiện Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cũng đang yêu cầu các đơn vị nhà thầu tiếp tục triển khai và thực hiện đúng tiến độ đề ra.
Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD vào năm 2008, được khởi công vào năm 2011, gồm 13 km đường sắt đi trên cao, 1,7 km ra vào khu depot, 12 nhà ga...
Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD (gồm 169 triệu USD vay ưu đãi, lãi suất 3% và 250 triệu USD vay ưu đãi bên mua 4%), vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD. Đến năm 2016, tổng mức đầu tư của dự án tăng lên 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD). Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669,62 triệu USD (tăng 250,62 triệu USD), vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu USD (tăng 64,56 triệu USD).
Dự kiến dự án này hoàn thành năm 2016 nhưng lại bị chậm tiến độ vì nhiều lý do trong đó về nguồn vốn giải ngân, chỉ chạy thử nghiệm vào cuối năm 2017 và khai trương vào quý 2/2018.
Bảo Ngân