Lo ngại “phá nát cảnh quan” di tích cột cờ Lũng Cú
Dự án Khu du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh Lũng Cú đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi thời gian qua, đã xảy ra nhiều tình trạng phá cảnh quan thiên nhiên để xây dựng các khu tâm linh kết hợp với du lịch sinh thái trên cả nước khiến dư luận có nhiều ý kiến phản ứng.
Dự án khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú 800 tỷ đồng đang được chủ đầu Công ty Cổ phần Phúc Lộc Hà Giang rầm rộ triển khai xây dựng trên diện tích quy hoạch 75ha tại xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) với 4 hạng mục công trình như khu tâm linh, khu du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng, khu cột cờ, khu đặt đại tượng Phật. Đáng chú ý, trong đó là 2 hạng mục chính gồm khu tâm linh chùa Lũng Cú rộng 70,5ha và khu đại tượng Phật diện tích 4,5ha.
Đáng chú ý, một phần diện tích của dự án đã lấn vào khu vực bảo vệ I và II của cột cờ (theo xác nhận của Bộ VHTTDL), do vậy, dư luận lo ngại công trình trên sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến di tích và môi trường, cảnh quan xung quanh dù mới đây chủ đầu tư dự án cam kết phần diện tích nằm trong khu vực bảo vệ I và II của cột cờ Lũng Cú sẽ chỉ trồng cây cối để tạo cảnh quan, không xây dựng bất cứ hạng mục gì.
|
Cảnh quan khu vực triển khai dự án. Ảnh: Nguyễn Đức Thạch. |
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, ngọn núi án ngữ ngay sát danh thắng Lũng Cú, địa đầu Tổ quốc đang bị đục khoét nham nhở tạo mặt bằng và đang xây dựng các gian chùa, bậc thang và các công trình lưu trú khiến cảnh quan ở nơi đây bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, dự án này thuộc quần thể cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu mà cách đây không lâu việc xây dựng tòa nhà Panorama Mã Pì Lèng đã bị UNESCO có ý kiến. Nếu chủ đầu tư phá núi làm dự án khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú sẽ làm thay đổi cảnh quan, địa hình, địa mạo nơi đây và làm dấy lên lo ngại dự án có nguy cơ làm ảnh hưởng tới di sản này.
Trong khi đó, một số chuyên gia về văn hóa đã lên tiếng cho rằng, việc xây dựng công trình tâm linh Phật giáo bề thế sẽ tạo ra những khác biệt so với văn hóa tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc thiểu số đang sinh sống tại nơi đây.
Trao đổi với báo chí mới đây, TS Trần Hữu Sơn - Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, đã là một dự án du lịch thì phải tuân theo những nguyên tắc phát triển bền vững, đó là phải bảo vệ môi trường, bảo vệ văn hóa, và người dân (chứ không phải vài cá nhân, doanh nghiệp) được hưởng lợi.
“Dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú chiếm đất đai nông nghiệp, xẻ núi, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên cần được bảo vệ là vùng cao nguyên đá Đồng Văn cũng như vùng đệm xung quanh di tích cột cờ Lũng Cú, kinh doanh sản phẩm du lịch không thuộc về văn hóa bản địa, dễ thấy nó không đạt được các nguyên tắc phát triển bền vững nêu trên”, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn nêu ý kiến.
Bộ Văn hóa từng hai lần đưa ra khuyến cáo
Dự án Khu du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh Lũng Cú được UBND tỉnh Hà Giang cấp phép đầu tư năm 2016. Tuy nhiên đến tháng 11/2018, Bộ TN&MT mới có quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này. Trong đó, Bộ TN&MT yêu cầu khu du lịch phải đảm bảo nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích Cột cờ Lũng Cú và tuân thủ các quy định về bảo vệ di sản văn hóa.
Đáng chú ý, năm 2018, Bộ VHTTDL đã hai lần có văn bản đưa ra những khuyến cáo liên quan dự án trên.
Tại công văn ngày 17/4/2018, Bộ VHTTDL cho biết, dự án Khu tâm linh chùa Lũng Cú có sử dụng một phần diện tích đất khu vực bảo vệ I và II của di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia Cột cờ Lũng Cú và Khu đại tượng Phật nằm ở phía Tây Nam, tiếp giáp với khu vực bảo vệ II của di tích Cột cờ Lũng Cú.
Bộ này yêu cầu dự án cần hạn chế tác động tới giá trị di tích Cột cờ Lũng Cú cũng như cảnh quan môi trường của di tích và lưu ý cần làm rõ sự phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của Khu Du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 và Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2030.
|
Cột cờ Lũng Cú nhìn từ dự án đang thi công. Ảnh: Zing. |
Bộ VHTTDL cũng cho rằng, dự án cần xác định loại hình du lịch trọng tâm thay vì gộp cả 3 yếu tố sinh thái - văn hóa - tâm linh như trong tên dự án.
Quan điểm của Bộ là nên phát triển du lịch sinh thái, chinh phục và thưởng ngoạn địa hình gắn với tìm hiểu các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số nơi địa đầu Tổ quốc để bảo tồn các giá trị lịch sử, cùng các giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc của địa phương.
Đáng chú ý, Bộ VHTTDL nêu rõ, trong phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích Cột cờ Lũng Cú, Hà Giang không xây dựng các công trình và chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong khu vực bảo vệ di tích Cột cờ Lũng Cú. Bảo vệ nguyên trạng hai hồ nước, kết hợp chỉnh trang cảnh quan địa hình tự nhiên vốn có bao quanh hai hồ nước, điều chỉnh phạm vi việc xây dựng công trình mới ra khu vực bảo vệ II của di tích Cột cờ Lũng Cú.
Ngày 11/6/2018, Bộ VHTTDL tiếp tục có văn bản đề nghị UBND tỉnh Hà Giang thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định đối với dự án Khu du lịch Lũng Cú, trong đó cần tránh gây ảnh hưởng tới di tích cột cờ và hoạt động du lịch tại Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Bộ yêu cầu dự án phải bám sát quy hoạch, tính toán giảm quy mô xây dựng các công trình, bảo vệ hệ sinh thái trên núi đá vôi và cảnh quan môi trường tự nhiên.
Trong cả 2 công văn, Bộ VHTTDL đều lưu ý UBND tỉnh Hà Giang cần xin thêm ý kiến của các bộ, ngành liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ NN&PTNT, Ban Tôn giáo Chính phủ, Giáo hội Phật giáo... và nhân dân địa phương để tạo sự đồng thuận trước khi triển khai dự án.
Chính phủ cần quyết liệt ngăn chặn tình trạng lợi dụng tâm linh
Trao đổi với PV Kiến Thức chiều ngày 24/10, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, thời gian gần đây, tôi cảm thấy rất lạ lùng trước việc một số tỉnh Tây Nguyên và tỉnh biên giới miền núi phía Bắc có một hiện tượng bất thường với người dân nhưng lại rất bình thường do đã quá nhiều đó là việc quy hoạch, xây dựng các Khu tâm linh kết hợp với du lịch, đặc biệt là xây dựng mới chùa chiền.
“Tôi cảm thấy rất có vấn đề. Bởi tôi rất băn khoăn việc xây dựng chùa, khu tâm linh như ở Lũng Cú có được quy hoạch, được cho phép của ai, tại sao lại xây chùa ở đó? Thời qua có tình trạng đổ xô xây dựng chùa lớn kết hợp với khu du lịch tâm linh, dịch vụ đi kèm như chùa Tam Chúc, Bái Đính và mới đây Hòa Bình cũng đề nghị Chính phủ quy hoạch khu du lịch tâm linh, giờ Lũng Cú (Hà Giang) lại xây dựng chùa lớn. Trong khi đó tín ngưỡng tâm linh Phật giáo không phải nơi nào cũng có”, Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
|
Đại biểu Phạm Văn Hòa. |
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, tại các địa phương có tín ngưỡng tâm linh Phật giáo hầu hết đều đã có chùa chiền, tại sao chúng ta không nâng cấp hoặc xuống cấp quá có thể xây dựng lại trên nền chùa cũ. Nhưng hiện nay, có tình trạng xây dựng mới chùa chiền lại xây dựng hết sức hoành tráng.
“Điều đáng lưu ý đây đã trở thành hiện tượng hết sức bình thường. Chính phủ cần phải vào cuộc hết sức quyết liệt để ngăn ngừa, phòng ngừa những ai lợi dụng vấn đề tâm linh để xây dựng chùa chiền to lớn phá vỡ cảnh quan di tích, di sản, được quy hoạch khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng, rừng sản xuất… Chúng ta phải có sự vào cuộc để bảo vệ cảnh quan di tích, di sản, cảnh quan thiên nhiên danh thắng chứ không được cho phép quy hoạch xây dựng khu tâm linh ở Lũng Cú mà xây dựng những chùa như thế. Ai đó thực hiện những việc này tôi cho là lợi dụng xây dựng chùa với quy hoạch tâm linh để thu lợi”, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho hay.
Đại biểu Hòa cho rằng, thực tế có không ít địa phương họ muốn làm như vậy, thậm chí có những việc lợi ích nhóm, sân sau của một số người nào đó để thực hiện những việc này.
“Tôi là một đại biểu Quốc hội với suy nghĩ công tâm, khách quan, vô tư cho rằng, cần phải có một sự quyết liệt của Chính phủ để ngăn chặn những hành vi mà lợi dụng tâm linh, chùa chiền của người dân để thực hiện hoạt động dịch vụ kinh doanh, thu lợi nhuận”, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết.
Hải Ninh