Hai trận lũ liên tiếp vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho cả khu vực miền Trung. Nhưng tại vùng rốn lũ Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) nhiều ngôi nhà nhỏ không những không bị nhấn chìm trong nước lũ mà ngược lại, lũ dâng đến đâu, nhà nổi đến đó, nhờ được xây dựng theo mô hình của Dự án Nhà chống lũ.
Từ nhà ngói trên cao...
Mùa mưa bão năm 2013, bà Phạm Thị Hương Giang, Giám đốc G’Brand đã khởi xướng việc xây nhà tránh lũ an toàn cho đồng bào miền Trung. Ông Lương Hùng, một trong những sáng lập viên của Dự án Nhà chống lũ cho biết, có thể nói, dự án xây dựng nhà tránh lũ là dự án ra đời trong… lũ.
Từ sự khởi xướng của bà Phạm Thị Hương Giang, ông Hùng đã huy động bạn bè ủng hộ. Nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo, doanh nhân… đã quyên góp tiền để ủng hộ dự án Nhà chống lũ.
“Khởi đầu thuận lợi từ sự cộng cảm yêu thương đó, chúng tôi đã có hơn 200 triệu đồng để bắt tay vào việc khảo sát thực tế xây dựng nhà chống lũ tại xã Sơn Thịnh, Hương Sơn, Hà Tĩnh”, ông Lương Hùng kể lại.
Qua nghiên cứu đặc điểm lũ và đỉnh lũ của khu vực này, Dự án đã dựng 5 ngôi nhà theo mô hình nhà 2 tầng nhỏ, liền kề với nhà cấp 4 lợp ngói truyền thống của cư dân vùng lũ, diện tích nhà chỉ từ 22 - 28m2. Thiết kế nhà cũng được tùy chỉnh theo số nhân khẩu và nhu cầu của người dân như nhà cầu thang trong hoặc nhà có cầu thang ngoài để đưa được trâu, bò, dê, lợn... lên tầng trên tránh lũ.
Từ mô hình nhà xuất phát từ thực tiễn vùng lũ xã Sơn Tịnh, Hà Tĩnh, trong 3 năm qua, từ năm 2014 đến năm 2016, Dự án Nhà chống lũ đã hỗ trợ thiết kế, kinh phí và giám sát xây dựng được 100 nhà vượt lũ tại các huyện Hương Sơn, Đức Thọ, Vũ Quang của tỉnh Hà Tĩnh và hơn 200 nhà vượt lũ tại Quảng Ninh, Quảng Bình và Quảng Nam với khẩu hiệu “Triệu thùng mì gói không bằng nhà ngói trên cao”.
|
Nhà phao chống lũ. Ảnh: TL |
Đến nhà phao chống lũ
Đầu tháng 4/2014, Dự án Nhà chống lũ vừa triển khai xây nhà chống lũ cho người dân Hà Tĩnh vừa “di chuyển” địa bàn đến tỉnh Quảng Bình. Trong chuyến đi thực tế đầu tiên đến vùng “rốn lũ” Tân Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình, khi biết mức lũ ngập sâu từ 4 -14m thì mô hình xây nhà “cao” vật liệu cứng là bất khả thi. Các thành viên sáng lập Dự án nhận thấy không thể xây được những ngôi nhà cao đến… 5 tầng để vượt được đỉnh lũ năm 2010 cho người dân vì chi phí quá lớn.
Trong quá trình khảo sát, đi qua một thôn ngập sâu của xã Tân Hóa, các thành viên Dự án lại phát hiện ra một ngôi nhà xiêu vẹo, tạm bợ với phần khung là tre, gỗ, vách mái lợp lá cọ, bên dưới được gắn mấy chiếc thùng phuy. Ý tưởng lóe lên và thiết kế kỹ thuật về một ngôi nhà phao - nhà bè riêng biệt cho vùng Tân Hóa được hình thành và triển khai sau một tháng thiết kế.
Đến tháng 5/2014, Dự án đã dựng 19 căn nhà với sự hưởng ứng của những hộ dân nghèo vùng lũ. Đợt tiếp theo, Dự án hỗ trợ tiếp 43 căn nhà phao và hoàn thành trước mùa lũ năm 2015. Hai năm liên tiếp sau đó, Tân Hóa không có lũ về.
Người dân mừng vì được bình an, nhà nhà lo tập trung sản xuất, chăn nuôi khôi phục kinh tế. Còn những người sáng lập Dự án Nhà chống lũ vẫn phấp phỏng lo lắng, nếu có lũ, những ngôi nhà phao có nổi không? Có bảo đảm an toàn cho người dân không? Cơn lũ dữ vừa qua đã cho các thành viên Dự án câu trả lời. Cả 62 nhà phao Dự án hỗ trợ, xây dựng đã bảo đảm an toàn cho 62 hộ dân và nhiều trẻ em được các gia đình chưa có nhà phao gửi gắm để tránh lũ.
|
Nhà phao trong lũ giữ. Ảnh: fb Đinh Thanh Huyền - cán bộ xã Tân Hóa |
Dự án đã đến nhiều địa phương để xây nhà chống lũ cho người dân. Với phương châm “vừa đi, vừa thiết kế”, nhóm đã xây dựng được 5 mô hình điển hình cho các vùng lũ như: Nhà 2 tầng cầu thang ngoài, nhà cấp 4 mái cao có gác xép bê tông, nhà kê nền - nhà sàn thấp cho vùng sườn dốc có lũ bùn cường độ thấp, nhà 2 tầng cầu thang trong và nhà phao.
Điều đặc biệt là Dự án hoạt động hoàn toàn tình nguyện, độc lập và không được đào tạo chuyên môn sâu về các lĩnh vực chống lũ, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thành viên Dự án là nhà báo, kiến trúc sư, nghệ sĩ, họa sĩ… Họ tự mình khảo sát thực tế, trực tiếp nghiên cứu, đánh giá để xây dựng mô hình nhà phù hợp và an toàn.
Toàn bộ kinh phí hoạt động của Dự án đều từ cộng đồng. Phương châm hoạt động của Dự án là “Cộng đồng chung tay - Cộng đồng trách nhiệm”, người dân hay chính quyền, đoàn thể nơi Dự án triển khai đều chung tay góp sức. Ba năm qua, Dự án Nhà chống lũ đã xây dựng được hơn 300 căn với tổng kinh phí lên tới gần 10 tỷ đồng.
Mời quý độc giả xem video xe ngược dòng lũ (nguồn Youtube):
Theo Hà Phương/Giadinh.net