Báo cáo của Sở NN&PTNT Thái Nguyên gửi UBND tỉnh ghi rõ: Con đường nông thôn mới từ ngã ba Ngọc Sơn 2 vào xóm Xuyên Sơn có tổng diện tích sử dụng 0,75ha, dài khoảng 1.870,3m, rộng 4m.
|
"Đường nông thôn mới" xây dựng trên đất rừng đặc dụng. |
Công trình này chồng lấn lên khu vực đất rừng đặc dụng (phân khu phục hồi sinh thái) khoảng 0,45ha (dài gần 1,2km). Toàn bộ khu vực này chưa có thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng sang mục đích khác.
Phần diện tích còn lại thuộc quy hoạch rừng sản xuất, cũng chưa có thủ tục chuyển đổi. Ngoài ra, con đường này còn chồng lấn lên 0,18ha đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp.
Về khu vực văn phòng và đền, chùa, kết luận kiểm tra cho thấy có 1,7ha thuộc quy hoạch rừng đặc dụng. Như vậy, diện tích lấn chiếm rừng đặc dụng để xây dựng công trình trái phép nói trên là gần 2,5ha.
|
Quần thể đình, chùa và nhà điều hành của công ty Thăng Long. |
Kết luận cũng cho biết: Theo báo cáo của chính quyền địa phương, khu vực đình, đền, chùa Bản Ná có trước khi xác lập khu bảo tồn, quy hoạch dừng đặc dụng. Đơn vị xây dựng (công ty Thăng Long) đã trùng tu, nâng cấp đình, đền chùa Bản Ná trên nền cũ.
Tuy nhiên, căn cứ trên “bản đồ quy hoạch 3 loại rừng” của khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng; căn cứ trên các mốc tọa độ được định vị, một chuyên gia trong lĩnh vực địa chất đã tính toán và khẳng định, phần chồng lấn lên rừng đặc dụng khi làm con đường “nông thôn mới” nói trên khoảng 15ha, lớn hơn rất nhiều so với số liệu mà Sở NN&PTNT đưa ra.
Trước đó, Chủ tịch UBND xã Thần Sa Lê Văn Thanh cho biết, con đường nông thôn mới từ ngã ba Ngọc Sơn 2 vào xóm Xuyên Sơn là đường bê tông rộng 3,5m, nền đường 6m, dài 530m với tổng mức đầu tư 748 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách là 521 triệu đồng. Đây cũng là những số liệu thể hiện trong hồ sơ dự án do UBND xã Thần Sa lập dự án.
|
Công trường khai thác sâu hàng trăm mét tại bãi vàng Bản Ná. |
Số liệu này khác hoàn toàn với “con đường nông thôn mới”mà Sở NN&PTNT vừa kết luận. Mặt khác, hệ thống các công trình tâm linh (đền, chùa Bản Ná) vừa được xây mới nằm trong khuôn viên nhà chỉ huy của công trường, không có bất kỳ một nhà dân nào trong khu vực này.
Khai thác vượt chỉ giới hàng chục ha
Con đường bê tông rộng 4m không đi qua xóm nhà dân nào và chạy thẳng đến công trường khai thác vàng Bản Ná khiến dư luận đặt câu hỏi, chủ dự án đang “mượn danh” nông thôn mới để làm đường công vụ? Mặt khác, công trình này cũng là cái cớ để chủ mỏ được xả thải hợp pháp hàng triệu m3 đất đá thải từ công trường.
|
Bãi tập kết đất thải khổng lồ hai bên con đường "nông thôn mới". |
Dọc tuyến đường gần 2km này, có những bãi tập kết chất thải khổng lồ từ khai trường vàng Bản Ná. Toàn bộ diện tích này cũng thuộc đất rừng đặc dụng Thần Sa - Phượng Hoàng.
Những sai phạm này không được Sở NN&PTNT nêu trong báo cáo.
Trong quyết định 3068 năm 2008, UBND tỉnh cấp phép chỉ giới cho công ty Thăng Long khai thác mỏ vàng Bản Ná 32,6ha, giới hạn bởi 4 điểm tọa độ khép góc (A - B - C - D; hệ tọa độ VN 2000). Điểm cuối cùng của mỏ vàng này thể hiện trên bản đồ cách đập Xuyên Sơn vài trăm mét. Tuy nhiên, trên thực tế, đơn vị này đã khai thác vượt chỉ giới khoảng 35ha.
|
Khu vực khai thác vượt chỉ giới khoảng 35ha "nuốt" gọn con đường dân sinh vào thôn Khắc Kiệm, sát đập Xuyên Sơn. |
|
Lạ kỳ Thái Nguyên: Làm đường, xây chùa chồng lên đất rừng. |
Chiều 28/8, đơn vị này đã huy động các phương tiện chở vật liệu ra "vá" lại con đường dân sinh mà họ đã "nuốt gọn" để làm vàng
Đây cũng là phần diện tích đất rừng đặc dụng mà BQL khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng có trách nhiệm bảo tồn nghiêm ngặt.
“Việc xác định công ty Thăng Long khai thác vượt chỉ giới hay không rất đơn giản. Chỉ cần mang máy xác định tọa độ đến thực địa, đo đạc là ra ngay số liệu. Phần diện tích xâm phạm rừng đặc dụng này khoảng 35ha”, một chuyên gia trong lĩnh vực địa chất cho biết.
Ngày 28/8, có mặt tại hiện trường, PV VietNamNet đã ghi được những hình ảnh nhiều xe tải chở vật liệu đất đá thải từ công trường “vá” lại con đường dẫn vào thôn Khắc Kiệm – một xóm có khoảng 70 hộ dân thuộc xã Thần Sa.
Trước đó, con đường này nằm hoàn toàn trong moong khai thác vàng rộng hàng ha, sâu vài chục mét. Nhiều tháng qua, bà con phải đi vòng sang con đường đất tạm bợ để vào xóm Khắc Kiệm.
Theo Thái Bình/vietnmanet