Thanh tra Chính phủ nêu rõ có dấu hiệu “lợi ích nhóm” giữa Bộ GD&ĐT và Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong việc in ấn, phát hành sách bài tập. Đáng chú ý, cơ quan thanh tra kết luận, chỉ một giai đoạn 5 năm (từ 2014-2019), SGK dùng một lần gây lãng phí tạm tính là 2.374 tỷ đồng.
Trao đổi về vấn đề trên, PV Tri thức và Cuộc sống có cuộc phỏng vấn PGS.TS Lâm Bá Nam - Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam.
|
Ảnh minh họa |
Lãng phí tài sản quốc gia, tạo gánh nặng cho người nghèo
Hơn 300 triệu bản SGK “dùng một lần” gây lãng phí xã hội gần 2.400 tỷ là con số mới đây được Thanh tra Chính phủ công bố, ý kiến của ông về vấn đề này?
Lãng phí trong việc in ấn, phát hành SGK dùng một lần không phải là câu chuyện mới mà đã được báo chí, dư luận xã hội quan tâm trong nhiều năm qua. Mới đây, Thanh tra Chính phủ thẳng thắn công bố số tiền lãng phí lên đến gần 2.400 tỷ đồng (chỉ một giai đoạn 5 năm 2014 – 2019). Đây mới là con số tạm tính, con số thực tế còn lớn hơn. Có thể nói đây là một trong những “cải lùi” trong giáo dục, cụ thể là việc đưa SGK đến học sinh, đặc biệt các gia đình khó khăn.
Nhìn ở vĩ mô, đây có thể gọi là lãng phí tài sản quốc gia. Hơn 2.000 tỷ đồng lãng phí có thể xây được hàng nghìn phòng học, giúp hàng chục nghìn học sinh có SGK mới.
Mỗi năm phụ huynh bỏ 1.000 tỷ mua SGK rồi bán giấy vụn
Tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho ý kiến về Luật Giáo dục sửa đổi vào tháng 9/2018, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải khi đó cho biết hiện cử tri rất bức xúc liên quan đến việc SGK chỉ sử dụng một lần, quá lãng phí. “Năm học 2018-2019, Nhà xuất bản Giáo dục đưa ra 100 triệu bản SGK và sang năm hoàn toàn không còn sử dụng được, chỉ có thể bán giấy vụn. Trung bình mỗi năm phụ huynh chi 1.000 tỷ đồng để mua SGK. Việc sử dụng một lần chỉ do viết bài tập vào sách mà không phải lý do gì khác. Cử tri và đại biểu Quốc hội nói rất nhiều lần nhưng chưa có chuyển biến”, bà Hải nói.
Dư luận đã nhiều lần phản ứng về sự lãng phí này nhưng đến nay chưa có sự điều chỉnh, theo ông vì sao?
Ở đây điều đáng nói là, nếu biên soạn, in ấn, phát hành SGK không phù hợp, gây lãng phí lớn như vậy, đáng lẽ cần phải có sự điều chỉnh ngay. Đằng này, vẫn để sự vô lý đó tồn tại suốt thời gian dài. Lấy cớ là điều kiện kinh tế xã hội tăng lên, nhà xuất bản đã biên soạn, in ấn, phát hành nhiều SGK mà chỉ sử dụng một lần do bị viết, vẽ và làm bài tập trực tiếp vào đó.
Theo tôi, đây là lĩnh vực đáng quan tâm của cả ngành giáo dục nên không chỉ một mình nhà xuất bản có thể làm được bởi điều này nằm trong khung chương trình của Bộ GD&ĐT. Do đó đây phải là chủ trương lớn của Bộ này do đó trách nhiệm trước tiên thuộc về Bộ GD&ĐT.
Một vấn đề khác không chỉ lãng phí về tiền bạc, mà SGK dùng một lần còn làm tăng gánh nặng lên vai học sinh khi cặp sách nặng đến 6-7kg, ảnh hưởng đến cả sức khỏe của các cháu. Do đó, cần phải rà soát tổng thể SGK, trong đó có cả các loại sách bài tập, tham khảo, cái nào bỏ được cần phải bỏ ngay. Nếu điều chỉnh thay thế được cũng cần phải làm ngay, không nên để hiện trạng như hiện nay.
|
PGS.TS Lâm Bá Nam |
Lợi dụng niềm tin của phụ huynh... đánh tráo khái niệm
Nói đến sách bài tập, sách tham khảo, Thanh tra Chính phủ trong kết luận cũng nêu rõ có dấu hiệu “lợi ích nhóm” giữa Bộ GD&ĐT và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong việc in ấn, phát hành sách bài tập. Việc này cũng đã được chuyển sang cơ quan Công an điều tra làm rõ?
Dấu hiệu lợi ích nhóm trong xuất bản sách bài tập, sách tham khảo chắc chắn là có. Người ta lợi dụng niềm tin của xã hội, niềm tin của phụ huynh để đánh tráo các khái niệm. Rõ ràng cần giải quyết đến cùng câu chuyện này ở Nhà xuất bản Giáo dục – một trong những nhà xuất bản lớn, đóng vai trò cực kỳ quan trọng, chiếm thị phần lớn trong việc phát hành SGK tại Việt Nam. Kết luận thanh tra mới chỉ là bước đầu, “lợi ích nhóm” giữa những người có thẩm quyền ở Bộ GD&ĐT và NXB như thế nào, Bộ Công an sẽ làm rõ và xử lý.
Có ý kiến cho rằng, có thể xây dựng các phần mềm, ứng dụng trực tuyến, sách điện tử... sẽ cung cấp cho người học những bộ SGK miễn phí, tiện dụng, xoá bỏ "lợi ích nhóm" trong xuất bản và phát hành SGK?
Riêng về đề xuất xây dựng hệ thống phần mềm theo tôi cần phải cân nhắc thêm. Trước hết cần nghiên cứu, nếu khả thi có thể làm thí điểm trước. Bởi ở nhiều vùng sâu, vùng xa chưa hẳn người dân đã có điều kiện để khai thác. Do đó, cần làm thí điểm nếu có hiệu quả thì vẫn có thể triển khai được. Tuy nhiên, phải tính đến các yếu tố vùng miền và hệ thống viễn thông.
NXB Giáo dục Việt Nam lãi khủng thế nào?
Doanh thu của Công ty TNHH MTV NXB Giáo dục Việt Nam - doanh nghiệp độc quyền kinh doanh SGK - vẫn đạt hơn 1.828 tỷ đồng trong năm 2021, vượt 40% kế hoạch, chủ yếu từ phân phối SGK. Lợi nhuận trước thuế đạt 314,4 tỷ đồng, vượt hơn 250% kế hoạch. Đây là mức lãi cao nhất tính đến thời điểm đó, ngay trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến mọi ngành nghề lao đao, đời sống người dân chật vật.
Xử lý trách nhiệm của những người liên quan là cần thiết nhưng cũng cần khắc phục để lành mạnh hóa giáo dục, quan điểm của ông về việc này?
Việc xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan là đương nhiên. Trong thời điểm chúng ta đang chống tiêu cực, những yếu tố mang tính lợi ích nhóm cần phải được điều tra, công khai hóa, vi phạm đến đâu xử lý đến đó theo quy định pháp luật.
Rõ ràng người ta đã sử dụng quyền lực để làm theo ý đồ, mục đích lợi ích nhóm. Cần phải truy tận gốc, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của cá nhân tổ, chức, dù đó là ai, thời kỳ nào, sai phạm ra sao cũng cần phải phanh phui, công khai trước công luận và xử lý theo pháp luật.
Xin cảm ơn PGS.TS Lâm Bá Nam về cuộc trao đổi!
Hai vấn đề được TTCP kiến nghị chuyển cơ quan Công an điều tra:
“1. Việc hướng dẫn sử dụng sách bài tập, sách tham khảo có dấu hiệu "lợi ích nhóm" giữa Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý nhà nước với NXB Giáo Dục Việt Nam.
2. Việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất SGK của NXB Giáo Dục Việt Nam có nhiều dấu hiệu bất thường, chưa bảo đảm công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế”.
>>> Mời độc giả xem thêm video Lãng Phí Đất Vàng
Hải Ninh (thực hiện)