Giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè là một vấn đề lớn trong quản lý đô thị, nhất là ở TPHCM. Vì sao nó là vấn đề lớn? Vì vai trò to lớn của vỉa hè trong cuộc sống đô thị và có nhiều yếu tố liên quan, phức tạp đến lợi ích.
Về vai trò, không nên hiểu vỉa hè chỉ là dành cho người đi bộ. Đường giao thông bên ngoài đô thị có thể như vậy, nhưng trong đô thị thì không, vỉa hè có nhiều chức năng mà giao thông chỉ là một chức năng cơ bản.
Trong những người có quyền đi bộ ấy có người bán hàng rong. Trong thời kỳ công nghiệp hóa (thường kéo dài ba bốn mươi năm) việc di dân từ khu vực nông thôn vào đô thị là tất yếu, đất nước phát triển càng nhanh thì việc di dân này càng nhanh.
Hàng rong là một phương thức mưu sinh của dân nghèo đến đô thị kiếm sống. Hàng rong cũng có nhiều chức năng, nó như là một dịch vụ lưu động đưa hàng hóa đến người tiêu dùng mà hiện nay ở nhiều nơi trong thành phố vẫn còn nhu cầu về loại hàng hóa này.
Tuy nhiên, phương thức kinh doanh hàng rong là một phương thức lạc hậu, chỉ có nhiều ở các nước đang phát triển, trong đó có nước ta. Do nghèo, do không có việc làm ổn định người ta mới bươn chải bằng hàng rong. Vậy giải quyết căn cơ vấn đề hàng rong phải là khi có chính sách trợ cấp thất nghiệp tốt và các giải pháp quản lý đô thị phù hợp.
Nguyên tắc quan trọng nhất trong quản lý đô thị là giải quyết hài hòa các lợi ích của người dân. Mọi việc đều xuất phát từ lợi ích của dân và giải quyết hài hòa các lợi ích đó.
Lợi ích của dân có ba cặp mâu thuẫn nhau, đó là giữa chung và riêng, giữa trước mắt và lâu dài, giữa cục bộ và toàn cục. Trong đó các lợi ích chung, lâu dài, toàn cục của người dân được nhà nước đại diện (nhiều khi nói là lợi ích của nhà nước).
Giải quyết vấn đề hàng rong cũng như sử dụng vỉa hè phải giải quyết hài hòa các lợi ích đó. Khi làm cho dân thấy rõ các lợi ích của họ do nhà nước đại diện sẽ dễ tạo sự đồng thuận, hạn chế cưỡng chế.
Nguyên tắc quan trọng thứ hai là nguyên tắc thay thế. Cuộc sống người dân là liên tục, nhu cầu và lợi ích của họ là liên tục. Nhà nước tạo điều kiện để cuộc mưu sinh của người dân không bị gián đoạn, không nên đột ngột cắt “cần câu cơm” của người dân. Muốn vậy phải có chuẩn bị các điều kiện thay thế, trước khi ngăn cấm một việc nào đó, như hàng rong.
Dẹp hàng rong, sử dụng vỉa hè có hiệu quả cao là công việc thường xuyên và lâu dài (nhất là trong thời kỳ đô thị hóa nhanh) cần có nhận thức đúng về vai trò của vỉa hè; có quy hoạch, kế hoạch, tuyên truyền vận động; có trọng tâm, trọng điểm.
Tuy nhiên nếu chỉ bằng ra quân theo phong trào thì khó duy trì được kết quả của các đợt ra quân. Cần có biện pháp quản lý pháp luật tới từng công dân liên quan, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính và các hành vi tái phạm.
TS Võ Kim Cương
Theo Văn Minh/Tiền Phong