Kết luận thanh tra công tác quản lý tài chính, tài sản công, thực hiện các dự án đầu tư; tổ chức hợp tác nghiên cứu, đào tạo, liên kết đào tạo và cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 2015-2019 vừa được Thanh tra Chính phủ công khai. Qua đó hàng loạt vấn đề, vi phạm trong công tác quản lý tạp chí, quản lý các cơ sở nhà đất, thực hiện dự án đã "lộ sáng".
Trụ sở Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ở số 1 Liễu Giai (Ảnh: CTTĐT Viện Hàn lâm).
Số lượng tạp chí khoa học tồn kho rất lớn
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, Ban Kế hoạch-Tài chính, Ban Tổ chức cán bộ không tổng kết, đánh giá hiệu quả mô hình tổ chức, hoạt động tài chính của các tạp chí theo quy chế tổ chức và hoạt động của các tạp chí. Nội dung quy chế hoạt động còn bất cập, không tiết kiệm ngân sách nhà nước. Các đơn vị để tồn số lượng lớn tạp chí, gây lãng phí ngân sách nhà nước số tiền trên 7,5 tỷ đồng.
Trong 5 năm, số lượng tạp chí tồn kho của 33 đơn vị lên tới 104.811 cuốn (Tiếng Việt 92.959 cuốn, Tiếng Anh 11.852 cuốn), lãng phí.
Cá biệt, có đơn vị để tồn kho số lượng lớn tạp chí, như: Tạp chí Triết học tồn 10.742 cuốn, Đông Nam Á 8.174 cuốn, Châu Phi và Trung Đông 6.381 cuốn, Hán Nôm 6.868 cuốn…; tạp chí Tiếng Anh (Tạp chí Tôn giáo in 1.850 cuốn, tồn 1.084 cuốn; Tạp chí Triết học in 4.000 cuốn, tồn 2.358 cuốn; Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội in 2.000 cuốn, tồn 840 cuốn).
"Các đơn vị tạp chí không xây dựng, lập các loại quỹ theo quy định của Quy chế tổ chức và hoạt động của các tạp chí"- Thanh tra Chính phủ nêu.
Trách nhiệm đối với các khuyết điểm của các tạp chí thuộc các đơn vị để tồn kho nhiều tạp chí và Ban Kế hoạch-Tài chính, Ban Tổ chức cán bộ thời kỳ 2015-2019.
10.000m2 đất để doanh nghiệp sử dụng không hợp đồng
Viện Hàn lâm chậm ban hành Quy chế quản lý và sử dụng tài sản công, không phê duyệt Quy chế phối hợp sử dụng chung trụ sở làm việc. Điều này dẫn đến các đơn vị trực thuộc thực hiện không đầy đủ các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Văn phòng Viện Hàn lâm không xây dựng phương án sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất được giao quản lý, dẫn đến có 5 cơ sở nhà, đất chưa có phương án sắp xếp chính thức; 3 cơ sở nhà đất chưa có phương án sắp xếp; 2 cơ sở chưa được phê duyệt sắp xếp; 10 cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và một số cơ sở nhà đất có tranh chấp chưa được giải quyết.
8 cơ sở nhà đất không sử dụng, sử dụng không hiệu quả trong thời gian dài phải được trả lại Nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Bảo tàng Dân tộc học, Văn phòng, Nhà xuất bản Khoa học xã hội cho các tổ chức, cá nhân thuê cơ sở nhà, đất và liên doanh, liên kết trong thời gian dài nhưng không lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê; không thực hiện đấu giá, không thực hiện trích khấu hao tài sản; không thông báo công khai giá cho thuê…
Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ tùy tiện cho doanh nghiệp sử dụng đất 10.000m2 không có hợp đồng, vi phạm Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.
Lộ sáng hàng loạt vi phạm ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - 2
Bảo tàng Dân tộc học.
Đụng đâu sai đó
Thanh tra Chính phủ phát hiện Viện Hàn lâm phê duyệt điều chỉnh dự án "Đầu tư xây dựng công trình Viện Phát triển vùng Trung Bộ" không đúng tên dự án được duyệt; phê duyệt quyết toán, tên hạng mục không đúng thực tế công trình xây dựng; công trình xây dựng không đúng thiết kế cơ sở được phê duyệt, hiệu quả dự án không đúng mục tiêu đề ra. Cơ quan này cũng chưa chấp hành kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước nộp ngân sách nhà nước số tiền gần 456 triệu đồng.
Việc phê duyệt dự án Cơ sở nghiên cứu và đào tạo Viện Phát triển bền vững vùng Tây Nguyên không phù hợp thực tế, thừa so với tiêu chuẩn, định mức 5.099m2.
Phê duyệt chủ đầu tư dự án Học viện Khoa học xã hội trước khi có chủ trương đầu tư, không đúng quy định của Chính phủ; hợp đồng rà phá bom mìn không có cơ sở pháp lý, đưa một số chi phí vào hợp đồng không đúng quy định của Bộ Xây dựng, phải giảm trừ 303 triệu đồng.
Ban Quản lý dự án chuyên ngành của Viện Hàn lâm ký hợp đồng xây dựng không đúng quy định về tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng, vượt chi phí dự phòng, kiến nghị giảm trừ thanh toán 738 triệu đồng. Thành phần ban quản lý dự án không đáp ứng yêu cầu; không xây dựng quy chế hoạt động theo quy định của Chính phủ (dự án Cơ sở nghiên cứu khối các Viện nghiên cứu quốc tế).
Viện Khảo cổ học thành lập Trung tâm nghiên cứu khảo cổ dưới nước không đúng thẩm quyền theo quy định của Chính phủ; sử dụng tên gọi của dự án tùy tiện, không thống nhất; chưa báo cáo quyết toán chi phí đầu tư theo quy định của Bộ Tài chính.
Bảo tàng Dân tộc học thành lập Ban quản lý các dự án không đủ năng lực quản trị dự án; không đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu. Quản lý dự án còn nhiều yếu kém, dẫn đến trong quá trình thực hiện phải thay đổi model, xuất xứ so với hợp đồng. Thành lập tổ giám sát dự án đầu tư không đúng quy định của Luật Đấu thầu.
"Các dự án của Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ và Tây Nguyên, lập và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu nhiều lần trong năm không đúng quy định của Luật Đấu thầu; năng lực Ban quản lý dự án không đảm bảo quy định. Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ chưa lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành các công trình sửa chữa, cải tạo"- kết luận thanh tra chỉ rõ.
Trong khi đó, Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện quy trình đấu thầu còn có khuyết điểm (không lập biên bản kiểm tra vật liệu xây dựng, không thực hiện thí nghiệm vật liệu; nhật ký công trình ghi sơ sài; bố trí cán bộ kỹ thuật không đúng chuyên ngành), mua phần mềm kế toán chưa tiết kiệm ngân sách. Xây dựng các phần mềm phục vụ công tác quản lý, điều hành Viện Hàn lâm không đồng bộ, chưa hoàn chỉnh, chưa đảm bảo an toàn, an ninh cho hệ thống điều hành tác nghiệp của Viện Hàn lâm (dự án nâng cao năng lực quản lý, điều hành).
Theo Thế Kha/Dân trí