Lừa đảo qua mạng xã hội, zalo: Sao người Việt vẫn mất tiền tỷ?

Google News

Dù đã có rất nhiều trường hợp người dân sập bẫy kẻ lừa đảo được báo chí đưa tin, các cơ quan công an cũng đưa ra cảnh báo liên tục nhưng người dân vẫn bị lừa với chiêu thức cũ.
 

Lợi dụng sự “nhẹ dạ, cả tin” của nhiều người đặc biệt là người già, phụ nữ một số đối tượng đã nhắm tới để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của các đối tượng là giả danh cơ quan công quyền gọi điện đến nạn nhân hù dọa và thông báo nạn nhân đã vướng đường dây ma túy, hoặc thông qua zalo, facebook để kết bạn rồi lừa đảo.
Ngày 18/3, Phòng Tham mưu Công an TP HCM phát đi thông báo tìm nhân chứng, người biết về các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hộp thư điện tử và giả danh Công an xảy ra trên địa bàn. Theo Công an, ngày 10/9/2020, chị T.H.M. nhận được cuộc gọi điện thoại xưng danh Công an cho biết chị có liên quan đến đường dây ma túy, rửa tiền, hiện đã có "lệnh bắt để tạm giam". Nhận được "Lệnh bắt để tạm giam" gửi qua Zalo, chị M. nhẹ dạ chuyển 1,4 tỷ đồng theo hướng dẫn và bị chiếm đoạt.
Một trường hợp khác cũng tương tự chị Nguyễn Thị B (ngụ phường Linh Đông, quận Thủ Đức, TP.HCM) cũng mất 18 triệu đồng vì bị lừa qua Zalo. Theo đó, chị B có kết bạn, trò chuyện với một tài khoản trên Zalo tên là “Sam Annie”. Người này tự xưng là công dân nước Úc, bảo rằng muốn làm từ thiện tại Việt Nam với số tiền 900.000 USD nhưng vì bệnh nặng nên nhờ chị B. nhận số tiền trên để trao cho quỹ từ thiện.
Lua dao qua mang xa hoi, zalo: Sao nguoi Viet van mat tien ty?
 Ảnh minh họa.
Khoảng 4 ngày sau, một người tự xưng là nhân viên hải quan gọi đến chọ chị B báo rằng có một gói hàng gửi về từ Úc, yêu cầu chị B chuyển 18 triệu đồng vào một số tài khoản để thông qua gói hàng do người có tên là Sam Annie chuyển. Chị B. đã thực hiện theo yêu cầu của người này. Nhưng sau đó, người tự xưng là nhân viên hải quan gọi đến một lần nữa và yêu cầu chị chuyển thêm 106 triệu đồng để đóng phí phạt. Lúc này, biết mình bị lừa nên chị B đã báo công an.
Còn cụ bà đã 76 tuổi ở thành phố Tuy Hòa bị lừa mất 33 triệu đồng kể lại: Cuối tháng 11/2020, bà nhận điện thoại từ người lạ và tự xưng là công an. Đối tượng này cho bà biết: có một nhóm đối tượng đã sử dụng tài khoản và chứng minh nhân dân của bà vay tiền để mua bán ma túy.
Do vậy, yêu cầu bà bí mật phối hợp cơ quan điều tra bằng cách rút tất cả tiền trong sổ tiết kiệm rồi chuyển vào tài khoản do đối tượng cung cấp và tiền sẽ được hoàn trả đầy đủ sau khi điều tra xong. Để chứng minh bản thân không liên quan đến vụ việc, bà đã sử dụng tiền tiết kiệm của mình chuyển vào tài khoản đối tượng yêu cầu 33 triệu đồng.
Đây cũng chỉ là một trong số những trường hợp đáng chú ý, trước đó cũng có rất nhiều vụ việc sảy ra cũng tương tự, mặc dù báo chí đã đưa tin, Công an cảnh báo. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn mất cảnh giác, sập bẫy của các đối tượng với số tiền rất lớn, từ hàng chục đến hàng tỷ đồng thông qua các cuộc điện thoại hoặc qua mạng xã hội.
Cách nào để tránh ‘sập bẫy’?
Theo Pháp luật TP HCM đưa tin, qua hàng loạt phương thức lừa đảo bằng công nghệ cao nêu trên, Công an quận Thủ Đức, TP HCM khuyến cáo, để tránh trở thành nạn nhân, người dân cần thực hiện các biện pháp đề phòng, cảnh giác.
Cụ thể, công an khuyến cáo người dân không nên cho bất cứ ai mượn thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân (CMND, CCCD, hộ chiếu, hộ khẩu…); không cung cấp các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng; không truy cập, tải các web, đường link không rõ nguồn gốc; không ký khống các giấy tờ thiếu nội dung, giấy ủy quyền chưa ghi thông tin người đọc ủy quyền; không tiết lộ tên đăng nhập, mật khẩu ebank, mã OTP của ngân hàng và chuyển tiền cho người lạ qua điện thoại dù là bất kỳ tình huống nào.
Lua dao qua mang xa hoi, zalo: Sao nguoi Viet van mat tien ty?-Hinh-2
Ảnh minh họa. 
Công an cũng cho rằng, người dân cần phải chú ý các dấu hiệu bất thường, che mã PIN khi rút tiền tại ATM; đổi mã PIN khi nghi ngờ có dấu hiệu bất thường. Người dân cũng có thể đổi sang thẻ CHIP nhằm tránh bị đọc trộm thông tin để làm thẻ giả; kiểm tra các thông tin sau khi giao dịch gửi tiết kiệm, kiểm tra mã QR Code, gọi cho tổng đài hoặc kiểm tra mọi thông tin tại quầy. Trước khi thực hiện thanh toán mua hàng, người dân cần kiểm tra kĩ càng thông tin của đối tác nhận để đảm bảo chính xác, không để kẻ gian lợi dụng sơ hở để trục lợi.
Người dân cần nhớ, các cơ quan bảo vệ pháp luật của nước ta (công an, viện kiểm sát, tòa án), khi thực hiện các thủ tục tố tụng đều yêu cầu công dân đến trụ sở để làm việc trực tiếp; tuyệt đối không trao đổi qua điện thoại hoặc mạng xã hội và không bao giờ buộc người dân chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để giám định, xác minh.
>>> Xem thêm video: Biến tướng hình thức lừa đảo qua mạng xã hội

Nguồn: VTV1.

Gia Đạt (T/H)